Diễn đàn "Triển vọng ngành năng lượng Việt Nam" tổ chức với mong muốn nhìn lại những kết quả cũng như khó khăn, thách thức trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, chuyển dịch sang năng lượng sạch. Đồng thời, thảo luận về những cơ hội cũng như những thách thức đang phải đối mặt, tìm cách giải quyết để phát triển ngành năng lượng của Việt Nam trong thời gian tới.
Ngoài ra, diễn đàn cũng bàn sâu các vấn đề về xu hướng sử dụng năng lượng LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng) trên thế giới và hiện trạng của Việt Nam; thực tế triển khai chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực năng lượng sạch tại Việt Nam; tiềm năng và thách thức trong phát triển các nguồn năng tái tạo; đề xuất giải pháp phù hợp để phát triển ngành năng lượng trong thời gian tới cũng như các giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu các nguồn điện theo hướng phù hợp, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Toàn cảnh diễn đàn.
Ông Đỗ Tiến Sỹ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết, ngành năng lượng Việt Nam trong những năm gần đây phát triển mạnh trong tất cả các khâu: Thăm dò, khai thác, sản xuất, truyền tải, phân phối và xuất nhập khẩu năng lượng, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, “quy mô và hiệu quả ngành năng lượng còn thấp, trạng thái an ninh năng lượng Việt Nam chưa được bảo đảm, hiện tượng “sa thải phụ tải điện” xảy ra thường xuyên vào kỳ cao điểm. Dự trữ dầu quốc gia chưa đủ khả năng bình ổn giá khi xảy ra khủng hoảng giá dầu trên thị trường quốc tế”, Tổng Giám đốc Đỗ Tiến Sỹ nói.
Do đó, Việt Nam cần chuyển dịch cơ cấu năng lượng. Năm 2023 được xem là mốc thời điểm quan trọng trong tiến trình chuyển dịch cơ cấu năng lượng của Việt Nam, chuyển đổi xanh trong lĩnh vực năng lượng đang dần trở thành xu hướng chủ đạo, là một trong những ưu tiên và nhu cầu hàng đầu hiện nay.
Theo Tổng giám đốc VOV, Việt Nam thuộc danh sách các nước có tiềm năng lớn để đầu tư thêm các nguồn năng lượng tái tạo mới như điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối, điện sóng biển và khí sinh học Biogas, bên cạnh các nguồn năng lượng sẵn có gồm điện khí tự nhiên hóa lỏng, thủy điện và điện than. Do vậy, để tận dụng được hết tiềm năng vốn có thì nước ta rất cần những chính sách khuyến khích để mở rộng thị trường năng lượng tái tạo, thúc đẩy và triển khai công nghệ mới, cung cấp cơ hội thích hợp, cũng như khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo ở tất cả các lĩnh vực quan trọng. Với sự hỗ trợ từ các chính sách cụ thể, những dự án năng lượng tái tạo sẽ có cơ sở để phát triển và thu hút nhà đầu tư, thúc đẩy chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước, giúp các doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Tạo điều kiện phát triển cho năng lượng mới, năng lượng tái tạo đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững.
TS. Chử Đức Hoàng, Chánh văn phòng Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Bộ KH&CN cho rằng, xu hướng chuyển dịch năng lượng là tất yếu. Theo ông Hoàng, thế giới còn khoảng 70-100 năm để sử dụng 3 loại năng lượng truyền thống là than đá, dầu mỏ, khí đốt. Trong đó, than đá tiêu thụ mỗi năm bình quân là 7.320 triệu tấn, trong khi dự trữ than đá ước tính là 891.500 triệu tấn; dầu mỏ mỗi năm 35 tỷ thùng, trong khi dự trữ dầu mỏ trên thế giới là 1.480 tỷ thùng; khí đốt mỗi năm là 4.000 tỷ m3 trong khi dữ trữ khí đốt toàn cầu là 187.100 tỷ thùng.
Trong khi đó, năng lượng truyền thống có những tác động tiêu cực như gây ô nhiễm môi trường, tác động tới biến đổi khí hậu và phá vỡ sự cân bằng sinh thái... Việc phụ thuộc vào một số ít quốc gia sản xuất dầu mỏ, than đá và khí tự nhiên có thể tạo ra những rủi ro về an ninh năng lượng, nhất là khi xảy ra xung đột chính trị hoặc kinh tế. Do vậy, trước những thách thức trong việc sử dụng năng lượng truyền thống, việc chuyển đổi sang năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, đổi mới công nghệ để tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng, tránh cạn kiệt. là một giải pháp thiết yếu.
Theo ông Hoàng, trong quá trình chuyển đổi này, công nghệ đóng vai trò quan trọng từ việc tạo ra các giải pháp hiệu quả để thu thập và lưu trữ năng lượng, đến việc tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng này trong cả sản xuất và tiêu dùng hàng ngày.
Ông Hoàng Việt Dũng (Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương) cho biết, nhu cầu năng lượng trong nước tăng khoảng 10% trong giai đoạn 2001 - 2010, khoảng 7% trong giai đoạn 2011 - 2019 trong khi nhu cầu về điện tăng 13%/năm trong giai đoạn 2001 - 2010 và khoảng 9,71% trong giai đoạn 2011 - 2021. Phát thải khí nhà kính từ ngành năng lượng chiếm khoảng 63% tổng phát thải khí nhà kính của Việt Nam năm 2010, khoảng 67.7% năm 2020, và sẽ chiếm khoảng 73.1% và 79.7% vào năm 2030 và 2050 theo kịch bản thông thường.
Do vậy, ông Hoàng Việt Dũng cho rằng, trong tương lai, các nguồn năng lượng sơ cấp sẽ không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ năng lượng của nền kinh tế, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu năng lượng sơ cấp phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Từ thực trạng trên, ông Dũng cho rằng cần rà soát, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách cũng như hỗ trợ kỹ thuật và tài chính nhằm thúc đẩy các dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Đặc biệt, Việt Nam cũng cần nghiên cứu xây dựng trung tâm dữ liệu năng lượng, cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin về năng lượng và sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả.
PGS.TS. Phạm Hoàng Lương, nguyên Phó Hiệu trưởng ĐH Bách Khoa Hà Nội, Giám đốc Viện KN&CN quốc tế Việt Nam- Nhật Bản, ĐH Bách Khoa Hà Nội đã chia sẻ về chuyển đổi điện tái tạo thành các sản phẩm năng lượng hướng đến phát thải ròng bằng 0 và cam kết giảm phát thải, chiến lược thực hiện giảm phát thải dài hạn cấp quốc gia.
PGS.TS. Phạm Hoàng Lương cho rằng, chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo là xu hướng toàn cầu. Việt Nam có tiềm năng rất lớn về nguồn năng lượng tái tạo để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước và còn nhiều dư địa để thực hiện các giải pháp hiệu quả năng lượng. Theo đó, có 3 mục tiêu chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam gồm: an ninh năng lượng; cung cấp năng lượng với chi phí chấp nhận được và thực hiện các cam kết bảo vệ môi trường ở Việt Nam.
"Việt Nam cần xây dựng chiến lược giảm phát thải thông qua chuyển dịch năng lượng nhằm góp phần cùng cộng đồng quốc tế đạt được trung hòa carbon vào năm 2050. Đồng thời, ứng dụng, phát triển công nghệ năng lượng tái tạo và giải pháp hiệu quả năng lượng tại các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm ở Việt Nam sẽ là một nội dung quan trọng trong Chiến lược giảm phát thải dài hạn ở Việt Nam", PGS.TS. Phạm Hoàng Lương nói.
Lưu Hiệp/cand.com.vn
Nguồn: https://cand.com.vn/thi-truong/xu-huong-chuyen-dich-sang-nang-luong-sach-la-tat-yeu-i710101/