Theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, ngày 24/11, Việt Nam và Nhật Bản đã tổ chức đối thoại lần thứ 7 về chính sách môi trường tại thủ đô Tokyo
Bộ trưởng Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Tsuyoshi Yamaguchi tại lễ ký kết. Ảnh: Đào Thanh Tùng/Phóng viên TTXVN tại Tokyo
Tại cuộc đối thoại, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản Tsuyoshi Michael Yamaguchi đã thảo luận các biện pháp nhằm tăng cường hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực môi trường và biến đổi khí hậu, trong đó tập trung vào việc thực hiện mục tiêu cam kết mà các thủ tướng hai nước đã nêu tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP26).
Phát biểu tại cuộc đối thoại, Bộ trưởng Trần Hồng Hà bày tỏ tin tưởng rằng với sự quan tâm của hai bên, quan hệ hợp tác trong lĩnh vực môi trường, biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế tuần hoàn giữa Việt Nam và Nhật Bản sẽ ngày càng được thúc đẩy và phát triển hơn nữa ngoài các lĩnh vực phòng chống thiên tai, quản lý rác thải nhựa đại dương.
Kết thúc đối thoại, hai bộ trưởng đã ký Kế hoạch hợp tác chung về biến đổi khí hậu hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Đây là văn kiện hợp tác có ý nghĩa rất quan trọng góp phần thực hiện các cam kết mà các thủ tướng hai nước đã công bố tại COP26.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Tsuyoshi Yamaguchi ký Kế hoạch hợp tác chung về biến đổi khí hậu hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Ảnh: Đào Thanh Tùng/Phóng viên TTXVN tại Tokyo
Trả lời phỏng vấn TTXVN sau cuộc đối thoại, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, tại cuộc đối thoại, các nội dung mà hai bộ trưởng thảo luận đã tập trung vào các nội dung sẽ đóng góp vào thỏa thuận sắp tới của hai chính phủ là làm thế nào để xây dựng một lộ trình có tính thực tiễn và có cơ sở để thực hiện thỏa thuận đến năm 2050 sẽ giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính ròng bằng 0. Trong các nội dung thảo luận, Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản cũng nhấn mạnh vấn đề hợp tác toàn diện (với Việt Nam), từ khâu xây dựng, hoàn thiện các chính sách và thể chế, đồng thời sẽ tăng cường trao đổi để hỗ trợ về kỹ thuật. Và đây cũng là thời điểm hai nước cần phải có các dự án lớn để tập trung chuyển đổi năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo, năng lượng gió và hydrogen với việc áp dụng các công nghệ mới và hiện đại.
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, hai bộ trưởng cũng tập trung thảo luận để tiếp tục làm tốt hơn các nội dung trước đây như Cơ chế Tín chỉ chung. Bộ trưởng nhấn mạnh “giai đoạn trước là giai đoạn mang tính chất thử nghiệm, còn giai đoạn này là giai đoạn triển khai trên thực tế thông qua các cơ chế trao đổi về công nghệ, chuyển giao công nghệ, các cơ chế sử dụng tín dụng xanh để hỗ trợ thúc đẩy các vấn đề này.
Thanh Tùng - Phạm Tuân (TTXVN)
https://baotintuc.vn/thoi-su/viet-nam-va-nhat-ban-doi-thoai-ve-chinh-sach-moi-truong-20211124202628584.htm