Theo khẳng định của Phó Chủ tịch EC, Việt Nam là nguồn cảm hứng cho các quốc gia đang phát triển học tập và là nơi mở ra nhiều tiềm năng hợp tác trong thời gian sắp tới về phát triển bền vững.
Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn với các đối tác quốc tế nhờ những cam kết mạnh mẽ về khí hậu.Trước đó, Bộ trưởng, Chủ tịch COP 26 Alok Kumar Sharma đã chọn tới Việt Nam trong khuôn khổ chuyến công du Châu Á, nhằm ghi nhận những nhu cầu hợp tác và huy động nguồn tài chính quốc tế cần thiết cho sự chuyển dịch của quốc gia, hướng đến một nền kinh tế phát thải ròng bằng “0”.
Tại chuyến thăm Việt Nam mới đây, ông Frans Timmermans, Phó Chủ tịch Uỷ ban châu Âu cho biết, EU rất ấn tượng với vai trò và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại COP26 cũng như lập trường của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước về đa dạng sinh học (COP15).
Phó chủ tịch EC khẳng định Việt Nam là nguồn cảm hứng cho các quốc gia đang phát triển học tập và là nơi mở ra nhiều tiềm năng hợp tác trong thời gian sắp tới về phát triển bền vững.
Trao đổi về việc triển khai các kết quả Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam xác định thích ứng với biến đổi khí hậu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách và đã rất tích cực, chủ động tham gia cùng cộng đồng quốc tế trong giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu. Việt Nam đã nghiêm túc và nhanh chóng triển khai những cam kết của mình thông qua việc thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia cuối tháng 12/2021 để triển khai thực hiện cam kết tại Hội nghị COP26.
Phó Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Frans Timmermans trong buổi làm việc với Việt Nam.
Với nguyên tắc không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần, Việt Nam sẽ tích cực sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan; xây dựng các kế hoạch, biện pháp, lộ trình cụ thể và rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch có liên quan; đẩy mạnh hợp tác công tư, huy động nguồn lực cho thích ứng với biến đổi khí hậu; điều chỉnh cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, ít phát thải khí nhà kính; thúc đẩy phát triển mạnh các nguồn năng lượng điện tái tạo, chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch một cách phù hợp, bền vững, bảo đảm công bằng, công lý; xây dựng lộ trình nhanh chóng chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng điện.
Đặc biệt, Thủ tướng đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 với sự tham gia của các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ. Đến nay đã có nhiều đối tác phát triển cam kết hợp tác với Việt Nam triển khai thực hiện cam kết.
Việt Nam đã luật hóa nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành các Nghị định có liên quan về bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone cũng như các quy định về các biện pháp hành chính có liên quan, Bộ TNMT cũng đã ban hành Thông tư hướng dẫn chi tiết về ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bàn về các nhiệm vụ trong thời gian tới, Việt Nam sẽ thực hiện một số hoạt động trọng tâm nhằm thực hiện kết quả đạt được tại Hội nghị COP26 như: tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, quy định pháp luật về ứng phó biến đổi khí hậu; điều chỉnh cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, ít phát thải khí nhà kính và chống chịu tốt trước các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Trong đó, với lộ trình xây dựng và phát triển thị trường carbon, Việt Nam hiện mới đang ở giai đoạn chuẩn bị điều kiện cần thiết để xây dựng thị trường carbon trong nước. Mục tiêu đến năm 2028, Việt Nam sẽ tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức; quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới.
Trên cơ sở đó, để cụ thể hoá các cam kết quốc tế cũng như sự chuyển đổi mục tiêu phát triển theo hướng bền vững, Phó chủ tịch EC cho biết sẽ cùng với các quốc gia Liên minh châu Âu cũng như các tổ chức quốc tế, các đối tác chiến lược sẽ đồng hành và hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu cam kết.
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đưa ra đề xuất Ủy ban châu Âu và các quốc gia cộng đồng Liên minh châu Âu trong thời gian tới xem xét thúc đẩy một số hoạt động hỗ trợ kỹ thuật giúp Việt Nam luật hóa các cam kết tại COP26, đặc biệt là mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào giữa thế kỷ.
Đồng thời, Việt Nam mong muốn hợp tác triển khai các dự án chuyển đổi năng lượng, các dự án chuyển đổi giao thông sạch, nhất là các dự án năng lượng mới như hydrogen xanh; Hỗ trợ Việt Nam thành lập thị trường carbon trong nước kết nối với thị trường quốc tế; Triển khai các dự án bảo tồn, trồng rừng, thích ứng với biến đổi khí hậu; Triển khai cam kết giảm phát thải khí metan, Bộ TN&MT sẽ tập trung vào việc giảm phát thải metan thông qua xử chất thải theo mô hình tuần hoàn; mong muốn EU hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực thực hiện…
Lan Anh (T/h)
https://kinhtemoitruong.vn/viet-nam-la-nguon-cam-hung-cho-cac-quoc-gia-trong-phat-trien-ben-vung-64327.html