Việt Nam có lợi thế để phát triển năng lượng gió (Ảnh: VnEconomy)
Là một trong năm quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu trên thế giới do đường bờ biển dài, nhiều khu vực có nền thấp và khí hậu nóng, Việt Nam phải đối mặt với những rủi ro cao từ mực nước biển dâng, lũ lụt, hạn hán và các sự kiện thời tiết khắc nghiệt khác đe dọa sự phát triển kinh tế - xã hội và tính bền vững của môi trường. Chính phủ Việt Nam đã chủ động xây dựng, triển khai sớm nhiều chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu trên nhiều lĩnh vực, trong đó lĩnh vực năng lượng được đặc biệt chú trọng. Tính đến đầu tháng 11 năm nay, có 81/85 dự án NLTT chuyển tiếp với tổng công suất 4.597,86MW đã gửi hồ sơ cho công ty mua bán điện để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện. Trong đó, 69 dự án với tổng công suất 3.927,41MW đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 07/01/2023 của Bộ Công thương.
EVN và chủ đầu tư các dự án điện chuyển tiếp đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng mua bán điện (PPA) với 63/69 dự án; trong đó Bộ Công thương đã phê duyệt giá tạm cho 62 dự án với tổng công suất 3.399,41MW.
Số lượng dự án chuyển tiếp đã hoàn thành thủ tục COD, chính thức được phát điện thương mại lên lưới là 21 dự án/phần dự án điện gió, điện mặt trời với tổng công suất 1.201,42MW, bao gồm: Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ 1, Phù Mỹ 3; Nhà máy điện mặt trời Thiên Tân 1.2, Thiên Tân 1.3; Nhà máy điện mặt trời tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận (450MWac); Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 1; Nhà máy điện gió Hướng Hiệp 1; Nhà máy điện gió Nhơn Hội - Giai đoạn 2; Nhà máy điện gió Hướng Linh 7; Nhà máy điện gió Hiệp Thạnh; Nhà máy điện gió VPL Bến Tre; Nhà máy điện gió Hanbaram; Nhà máy điện gió Bình Đại; Nhà máy điện gió Hòa Đông 2; Nhà máy điện gió Viên An; Nhà máy điện gió Bình Đại số 2, Bình Đại số 3; Nhà máy điện gió Tân Ân 1 - Giai đoạn 2021-2025; Nhà máy Điện gió Lạc Hòa 2; Nhà máy Điện gió Hưng Hải Gia Lai; Nhà máy Điện gió Thanh Phong giai đoạn 1.
Năng lượng mặt trời (NLMT) đã nổi lên như một nhân tố chủ chốt trong bối cảnh năng lượng khu vực. Trong đó, Việt Nam đã có sự tăng trưởng nhanh chóng trong đầu tư phát triển NLMT trong những năm gần đây. Đến năm 2023, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu thị trường NLMT ở Đông Nam Á.
Sự tăng trưởng đó được thúc đẩy bởi các cam kết quốc tế nhằm giảm phát thải khí nhà kính theo Thỏa thuận Paris, và được đẩy nhanh hơn nữa bởi giá nhiên liệu hóa thạch khó lường, dễ bị ảnh hưởng bởi các cú sốc bên ngoài.
Lắp đặt hệ thống điện mặt trời (Ảnh: VNEEP)
Công suất điện mặt trời lắp đặt tại Việt Nam đã tăng đáng kể trong 5 năm qua, đạt khoảng 19GW vào năm 2022. Sự tăng trưởng đáng kể này có thể là nhờ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, biểu giá ưu đãi hấp dẫn (FIT) và nguồn tài nguyên tuyệt vời. Sự bùng nổ NLMT ở Việt Nam diễn ra từ năm 2017 đến năm 2020, nhờ áp dụng giá FIT ở mức giá ban đầu là 0,0935 USD/kWh, cho các dự án hoàn thành trước ngày 30/6/2019. Khung giá FIT thứ hai được thiết lập từ ngày 1/7/2019, với 0,0709 USD/kWh cho trang trại, 0,0769 USD/kWh cho NLMT nổi và 0,0838 USD/kWh trên mái nhà, áp dụng cho các dự án hoàn thành vào cuối năm 2020.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực: Dự kiến đến năm 2025, tổng công suất nguồn điện mặt trời của Việt Nam sẽ đạt 14.450MW và đến 2030 là 20.050MW. Đến thời điểm hiện tại đã thực hiện bổ sung vào quy hoạch 10.300MW điện mặt trời. Như vậy, để đạt được mục tiêu đề ra, giai đoạn 2021-2025, Việt Nam cần bổ sung khoảng 4.000MW (tương ứng 5.000MWp) và giai đoạn 2026-2030 cần bổ sung khoảng 5.600MW (7.000MWp).
Với lợi thế đường bờ biển dài hơn 3.000 km và nhiều hải đảo, năng lượng gió, Việt Nam có tiềm năng phát triển rất lớn, ước tính khoảng 512GW. Năng lượng gió ở Việt Nam có tiềm năng lớn nhất trong bốn nước của khu vực, với hơn 39% tổng diện tích của Việt Nam được ước tính là có tốc độ gió trung bình hằng năm lớn hơn 6m/s ở độ cao 65m, tương đương công suất 512GW.
Trong những năm gần đây, điện gió đã trở thành một trong những nguồn NLTT phát triển nhanh nhất tại Việt Nam. Tính đến tháng 7/2023, tổng công suất lắp đặt điện gió tại Việt Nam đã đạt 1.000MW, chiếm khoảng 4% tổng công suất điện lắp đặt của cả nước.
Trong thời gian tới, điện gió tiếp tục được kỳ vọng là một trong những nguồn NLTT chủ lực của Việt Nam. Tổng công suất nguồn điện gió dự kiến phát triển đến năm 2025 là 6.030MW và đến năm 2030 là 10.090MW. Hiện tại đã bổ sung vào quy hoạch 4.800MW, nhưng trong giai đoạn 2021-2025, cần bổ sung khoảng 1.200MW và giai đoạn 2026-2030, bổ sung 4.000MW.
Như vậy, đến năm 2025, tổng điện năng của điện gió, điện mặt trời đạt 36 tỷ kWh (vượt chiến lược phát triển năng lượng tái tạo khoảng 2,6 lần). Còn nhiệt điện than chiếm khoảng 37,1% tổng công suất lắp đặt nguồn điện (giảm 13% so với quy hoạch điện 7 điều chỉnh), nhiệt điện khí chiếm 13,7% (không thay đổi so với quy hoạch), thủy điện chiếm 18,2%, thủy điện nhỏ và năng lượng tái tạo chiếm 25,5% (cao hơn quy hoạch điện 7 điều chỉnh gần 13%).
Hồng Nhung/tapchimattran.vn
Nguồn: https://tapchimattran.vn/thuc-tien/viet-nam-huong-toi-tuong-lai-nang-luong-an-toan-ben-vung-55977.html