Gói tài chính của Việt Nam sẽ là gói thứ ba trong một loạt thỏa thuận lớn mà các quốc gia G7 đạt được để giúp các nước nghèo hơn đối phó với biến đổi khí hậu, giảm phụ thuộc vào than và chuyển đổi sang năng lượng sạch hơn.
Thỏa thuận cũng sẽ bao gồm các hỗ trợ về kỹ thuật nhằm giúp Việt Nam ban hành các quy định về năng lượng tái tạo, trong bối cảnh Việt Nam đặt mục tiêu đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2050.
|
Cảng Than ở Hà Nội.
|
Việt Nam, một trong 20 quốc gia tiêu thụ than hàng đầu thế giới, ban đầu dự định ký kết cái gọi là "Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng" với các nước G7 tại hội nghị thượng đỉnh toàn cầu COP27 về biến đổi khí hậu vào tháng 11, nhưng các cuộc đàm phán cấp cao đã bị đình trệ trước cuộc họp.
Các nhà đàm phán phương Tây do Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh dẫn đầu đã nhiều lần tăng tài trợ cho để thuyết phục Việt Nam ủng hộ đề xuất này.
Theo nguồn tin của Reuters, một nửa trong số 15,5 tỷ USD thỏa thuận sẽ đến từ khu vực công và phần còn lại từ các nhà đầu tư tư nhân. Chỉ một phần nhỏ kinh phí sẽ đến dưới hình thức trợ cấp, trong khi phần lớn đầu tư công sẽ đến dưới hình thức cho vay.
Dự kiến biên bản ghi nhớ về gói tài chính khí hậu trị giá 15,5 tỷ USD giúp Việt Nam chuyển đổi sang năng lượng sạch, giảm phụ thuộc vào than có thể sẽ được ký kết hôm nay (ngày 14/12) tại Hội nghị thượng đỉnh EU - ASEAN ở Brussels.
Trong bài phát biểu với chủ đề "Tăng cường thương mại ASEAN - EU: Phát triển bền vững cho tất cả mọi người" khi dự Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh ASEAN - EU tại thủ đô Brussels, Bỉ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề cập đến vấn đề biến đổi khí hậu, một trong những vấn đề tiếp tục thách thức các nền kinh tế vốn đã bị bào mòn bởi dịch bệnh Covid-19, bên cạnh các vấn đề khác như lạm phát, đứt gãy chuỗi cung ứng, an ninh năng lượng, lương thực...
Biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu nên phải có cách tiếp cận toàn cầu, tăng cường đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương. Nó cũng tác động tới mọi người dân, nên phải có cách tiếp cận toàn dân, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể.
Theo Thủ tướng, doanh nghiệp phải có nguồn tài chính xanh, công nghệ xanh, quản lý xanh, nhân lực xanh, trong khi Nhà nước cần thiết lập thể chế phù hợp, hướng tới phát triển kinh tế xanh và bền vững. Các nước phát triển cần giúp đỡ các quốc gia đang phát triển về tài chính, nhân lực, công nghệ, quản trị và thể chế trong nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu.
Thành An/vnbusiness.vn
Nguồn: https://vnbusiness.vn/viet-nam/viet-nam-dat-goi-tai-chinh-15-5-ty-usd-de-giam-phu-thuoc-vao-than-1090009.html