Việt Nam có thể xuất khẩu điện sang Singapore từ năm 2030

Nếu các cơ quan chức năng tạo hành lang pháp lý, sớm phê duyệt và cho phép tiến hành khảo sát, sử dụng khai thác vùng biển và xuất khẩu điện,… năm 2030, dự án hợp tác đầu tư, xuất khẩu điện sang Singapore từ nguồn năng lượng tái tạo ngoài khơi tại Việt Nam có thể có dòng điện thương mại.
 

Việt Nam có thể xuất khẩu điện sang Singapore vào năm 2030 - Ảnh 1.

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam Lê Mạnh Cường

Ngày 10/2 vừa qua, tại Singapore, nhân chuyến thăm chính thức Singapore của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) và Sembcorp Utilities Pte. Ltd. (SCU) đã ký thỏa thuận hợp tác đầu tư, xuất khẩu điện sang Singapore từ nguồn năng lượng tái tạo ngoài khơi tại Việt Nam. 

Sự kiện đánh dấu bước phát triển mới của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh mới là năng lượng tái tạo.

Vừa trở về từ Singapore, Tổng Giám đốc PTSC Lê Mạnh Cường đã dành cho Báo Điện tử Chính phủ cuộc trao đổi về dự án quan trọng này.

Hiện thực hóa mối quan hệ "Đối tác kinh tế số, kinh tế xanh"

Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC) và Sembcorp Utilities Pte. Ltd. (SCU) vừa ký thỏa thuận hợp tác đầu tư, xuất khẩu điện sang Singapore từ nguồn năng lượng tái tạo ngoài khơi tại Việt Nam. Xin ông cho biết một số thông tin về thỏa thuận này?

Tổng Giám đốc PTSC Lê Mạnh Cường: Thực hiện chủ trương của lãnh đạo Chính phủ về việc thiết lập mối quan hệ "Đối tác kinh tế số, kinh tế xanh" giữa Việt Nam và Singapore, Tập đoàn Sembcorp Industries (Tập đoàn có vốn sở hữu của Chính phủ Singapore) đã trao đổi, thống nhất cùng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giao cho Sembcorp Utilities Pte Ltd (SCU) và PTSC triển khai thực hiện việc hợp tác. 

Theo đó, tháng 11/2022, PTSC và SCU đã ký bản ghi nhớ với sự chứng kiến của đại diện Bộ Công thương Singapore (MTI), Cơ quan quản lý thị trường điện Singapore (EMA), đại sứ hai nước và đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Tiếp theo đó, PTSC và SCU đã bắt tay ngay vào thảo luận, thống nhất và ký kết thỏa thuận phát triển chung để cụ thể hóa việc hợp tác và tiến hành trao thỏa thuận nhân chuyến thăm chính thức Singapore của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ngày 10/2 vừa qua.

Theo nội dung thỏa thuận, PTSC và SCU sẽ hợp tác đầu tư trang trại điện gió ngoài khơi tại Việt Nam với công suất ban đầu dự kiến khoảng 2,3 GW và xuất khẩu điện trực tiếp sang Singapore qua đường cáp ngầm cao thế dưới biển.

Thỏa thuận quy định chi tiết về cơ chế hợp tác, cơ chế ra quyết định, tỷ lệ góp vốn giữa các bên, kế hoạch triển khai các công việc chuẩn bị, triển khai dự án cũng như kế hoạch thành lập công ty liên doanh khi đạt đầy đủ các điều kiện.

Việt Nam có thể xuất khẩu điện sang Singapore vào năm 2030 - Ảnh 2.

Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành hai nước chứng kiến lễ trao thỏa thuận hợp tác phát triển chung giữa PTSC và Công ty Sembcorp Utilities Pte. Ltd. (SCU) trong việc phát triển dự án điện gió ngoài khơi để xuất khẩu sang Singapore - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ông có thể cho biết về kỹ thuật triển khai thì có khó khăn gì khi đường cáp ngầm đưa điện từ dự án tại Việt Nam đến Singapore khá dài?

Tổng Giám đốc PTSC Lê Mạnh Cường: Đây là một trong những thách thức của dự án, tuy nhiên, trên thế giới đã có nhiều dự án tương tự được triển khai, như dự án cáp ngầm North Sea Link dài 720 km, công suất 1.400 MW kết nối lưới điện và chia sẻ nguồn điện từ năng lượng tái tạo giữa Na Uy và Vương quốc Anh.

Chúng tôi tin tưởng có thể vượt qua được trở ngại này. Chúng tôi sẽ bố trí hệ thống lưu trữ điện năng (ESS) đủ lớn cũng như áp dụng một số giải pháp về kỹ thuật để giảm thiểu tổn thất điện năng trong quá trình vận chuyển.

Tiếp theo việc ký thỏa thuận hợp tác, chúng tôi sẽ tiến hành thuê các đơn vị tư vấn quốc tế chuyên nghiệp để bắt tay ngay vào việc triển khai nghiên cứu và thực hiện dự án.

Nhu cầu điện sạch của các quốc gia ngày càng gia tăng

Ngoài vấn đề kỹ thuật, tuyến cáp ngầm dẫn điện phải đi qua vùng biển của nước thứ 3. Việc này được xử lý ra sao, thưa ông?

Tổng Giám đốc PTSC Lê Mạnh Cường: Hiện nay, các nước ASEAN đang triển khai chương trình liên kết lưới điện nên việc hợp tác xuất khẩu điện sạch từ Việt Nam sang Singapore sẽ góp phần vào việc hiện thực hóa chương trình này. 

Chính phủ Singapore hiện cũng tham gia liên kết lưới điện Lào - Thái Lan - Malaysia - Singapore (LTMS) và đã tiến hành nhập khẩu điện từ Lào qua lưới điện LTMS.

Với xu hướng chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu thì nhu cầu về điện sạch của các quốc gia sẽ ngày càng gia tăng. 

Trong khi đó Việt Nam là nước duy nhất trong ASEAN có nguồn năng lượng gió ngoài khơi quy mô lớn (theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, về mặt kỹ thuật, tiềm năng gió ngoài khơi của Việt Nam vào khoảng 599 GW). 

Chúng tôi nhận thấy dự án là cơ hội cho các nước có liên quan cùng tham gia cũng như có thể xuất khẩu điện sạch từ năng lượng gió ngoài khơi của Việt Nam sang các nước khác, mang lại lợi ích cho các quốc gia và làm tăng hiệu quả đầu tư của dự án.

Việt Nam có thể xuất khẩu điện sang Singapore vào năm 2030 - Ảnh 3.

Để chuẩn bị cho dự án hợp tác đầu tư, xuất khẩu điện sang Singapore, PTSC đã tìm hiểu nhiều mô hình trang trại điện gió ngoài khơi tại các nước có ngành điện gió phát triển. Trong ảnh là chuyến khảo sát một mô hình điện gió ngoài khơi của PTSC tại Na Uy.

Khoảng cách giữa hai quốc gia khá xa có làm tăng chi phí đầu tư, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh về giá điện?

Tổng Giám đốc PTSC Lê Mạnh Cường: Để đạt mục tiêu phát thải ròng carbon bằng 0 vào năm 2050, Chính phủ Singapore có kế hoạch nhập khẩu 30% nhu cầu điện năng vào năm 2035 từ các nguồn năng lượng sạch cũng như đưa ra lộ trình đánh thuế carbon lũy tiến tăng dần, từ S$5/tCO2e (tấn CO2 quy đổi) hiện nay lên $25/tCO2e vào 2024 - 2025, $45/tCO2e vào 2026 - 2027, tiến tới mức $50-80/tCO2e vào 2030.

Cùng với khó khăn trong thu xếp vốn đầu tư thì trong tương lai giá điện từ các nguồn phát thải nhiều carbon truyền thống sẽ ngày càng gia tăng. Hiện nay các nước, các doanh nghiệp đều có nhu cầu về năng lượng xanh (như trường hợp của LEGO khi xây dựng nhà máy tại Việt Nam) và chỉ có năng lượng xanh mới giải quyết được bài toán tín chỉ carbon. 

Nhu cầu về năng lượng xanh sẽ ngày càng gia tăng nhanh chóng. Do vậy các doanh nghiệp, các nước như Singapore sẽ sẵn sàng trả chi phí tương xứng cho nguồn năng lượng xanh này.

Nếu thuận lợi, năm 2030 có thể xuất khẩu điện

Vậy ông có thể cho biết lộ trình triển khai dự án như thế nào?

Tổng Giám đốc PTSC Lê Mạnh Cường: Một dự án điện gió ngoài khơi thường phải mất tối thiểu từ 5-7 năm triển khai mới có thể phát điện thương mại. Hiện nay chúng tôi đã nộp hồ sơ xin khảo sát lên Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. 

Trường hợp các cơ quan chức năng hỗ trợ, tạo hành lang pháp lý, sớm phê duyệt và cho phép chúng tôi được tiến hành khảo sát, sử dụng khai thác vùng biển và xuất khẩu điện thì chúng tôi sẽ sớm khởi động dự án để có thể có dòng điện thương mại vào năm 2030.

Trân trọng cảm ơn ông!

Mạnh Hùng (thực hiện)/baochinhphu.vn

Nguồn: https://baochinhphu.vn/viet-nam-co-the-xuat-khau-dien-sang-singapore-tu-nguon-nang-luong-tai-tao-102230219112906793.htm