Chủ tàu nhỏ nguy cơ phá sản
Sáng nay (11/5), tại Hà Nội, Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) phối hợp với TCT Hàng hải VN (VIMC) tổ chức tọa đàm "Hàng hải VN - phát triển xanh và bền vững".
Ông Kitack Lim, Tổng thư ký Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO)
Tại tọa đàm, ông Nguyễn Ngọc Ánh, Trưởng ban Vận tải biển của Tổng công ty Hàng hải VN (VIMC) cho biết, việc áp dụng nghiêm ngặt các quy định mới của IMO như Phụ lục VI Công ước MARPOL quy định về nhiên liệu hàm lượng lưu huỳnh dưới 0,5 %; Lắp đặt thiết bị kiểm soát nước dằn tàu BWM; Quy định về Chỉ số hiệu quả năng lượng với tàu hiện có (EEXI), Chỉ thị cường độ Carbon (CII)… đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các chủ tàu nhỏ và các nước nhỏ.
Theo ông Ánh, việc sử dụng nhiên liệu hàm lượng lưu huỳnh dưới 0,5% làm tăng 25% - 35% chi phí so với sử dụng nhiên liệu hàm lượng lưu huỳnh dưới 3,5%. Do đó, việc áp dụng các qui định này làm tăng chi phí rất lớn cho các chủ tàu nhỏ.
Đặc biệt, quy định về EEXI và CII có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 cũng trở thành gánh nặng với các chủ tàu Việt Nam.
Đại diện VIMC cho rằng, để đạt được chỉ số EEXI theo yêu cầu của IMO, hầu hết các tàu cũ đều phải giảm công suất máy chính, có tàu giảm đến 50% công suất dẫn đến phải giảm tốc độ tàu, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả khai thác và không tốt cho tình trạng kỹ thuật máy chính.
Nhiều tàu cũ cũng không đáp ứng được yêu cầu về CII, bắt buộc phải giảm công suất máy xuống rất thấp, tổn hại đến kỹ thuật máy và giảm sâu tốc độ tàu hoặc phải cho tàu dừng hoạt động.
Trong khi, để đạt được chỉ số CII trong 3 năm liên tiếp từ 2023 - 2026 và các năm tiếp theo, phải giảm phát thải CO2 ít nhất 2% ngoài việc trang bị thêm các thiết bị hoặc các chủ tàu phải thực hiện các biện pháp hoán cải lớn về kết cấu. Hoặc chủ tàu phải đầu tư tàu sử dụng loại nhiên liệu mới như LNG, Methanol… các biện pháp này bất khả thi với các chủ tàu Việt Nam và nhiều chủ tàu nhỏ của các nước khác trên thế giới.
“Việc đầu tư, trẻ hóa đội tàu đáp ứng các qui định trên có chi phí đầu tư rất cao. Nếu không giải quyết hài hòa vấn đề áp dụng các qui định của Công ước và lộ trình khả thi trẻ hóa đội tàu thế giới, tiềm ẩn nguy cơ khủng khoảng năng lực vận tải trên toàn cầu”, ông Ánh nhận định và nói thêm, cần có những giải pháp để giảm thiểu tổn hại lớn trong tương lai gần với các chủ tàu nhỏ và các nước nhỏ trước nguy cơ dừng hoạt động và phá sản.
Cần nhiều chính sách hỗ trợ
Tổng thư ký IMO Kitack Lim chụp hình kỷ niệm với các đơn vị, doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam
Từ những khó khăn, đại diện VIMC kiến nghị IMO nghiên cứu giải pháp gia hạn thời gian việc kiểm soát EEXI và CII cho từng khu vực khác nhau như các nước thuộc khối Châu Á, các nước khu vực kinh tế kém phát triển để có điều kiện, lộ trình chuẩn bị nguồn lực tài chính thay thế dần các tàu không đáp ứng được yêu cầu.
Đồng thời, đề nghị IMO nghiên cứu các chính sách linh hoạt khi tàu hoạt động tại khu vực có môi trường nước tương đối tương đồng như trong cùng khu vực Đông Nam Á, khu vực Ấn Độ dương… có thể xem xét việc không phải lắp đặt thiết bị kiểm soát nước dằn tàu BWM.
“Lộ trình kiểm soát khí thải từ vận tải biển cần có giải pháp toàn cầu cho các loại tàu khác nhau và cho các khu vực trên toàn thế giới”, ông Ánh nhấn mạnh và đề xuất IMO sẽ lắng nghe và tiếp nhận những tiếng nói của cả các chủ tàu nhỏ trong Tổ chức để có giải pháp phù hợp khi ban hành và thực thi các quy định của Công ước quốc tế.
Thừa nhận việc tăng trưởng đội tàu phải đi đôi với công nghệ tiên tiến và nỗ lực hướng tới quá trình khử carbon, song ông Nguyễn Quang Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vận tải biển VN (VOSCO) chia sẻ, điều quan trọng là làm thế nào để thực hiện và hỗ trợ các chủ tàu, đặc biệt là các chủ tàu ở các nước đang phát triển như Việt Nam để đáp ứng các quy định của các Công ước khi điều này đỏi hỏi nguồn vốn đầu tư cực kỳ lớn.
Lãnh đạo VOSCO cho rằng, các doanh nghiệp cần được tiếp cận nguồn tài chính với lãi suất ưu đãi và thời gian vay ưu đãi. Từ đó, ông Minh bày tỏ mong muốn IMO làm cầu nối, kết nối các chủ tàu Việt Nam với các ngân hàng/tổ chức tài chính quốc tế... để doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội làm việc với các tổ chức này.
"Cần tạo ra một giải pháp áp dụng trên toàn cầu với những lộ trình trong khuôn khổ phù hợp, để không chỉ đảm bảo phát triển vận tải biển xanh, an toàn, còn giúp các chủ tàu duy trì hiệu quả kinh doanh", ông Minh nói.
Trong khi đó, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chủ tàu VN Nguyễn Mạnh Hà khẳng định, chuyển đổi năng lượng xanh không phải bài toán dễ giải với các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam. Điều này không thể chỉ phụ thuộc vào năng lực, nội lực của từng doanh nghiệp mà cần sự chung tay, hỗ trợ của nhiều cấp, ngành.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 876/2022 phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải carbon, với lộ trình theo cam kết của Việt Nam tại COP 26 về giảm phát thải khí nhà kính và phát thải ròng về không.
Ông Hà cho rằng, một trong những chính sách cụ thể và cần thiết để phát triển đội tàu là Chính phủ có cơ chế chính sách khuyến khích, miễn thuế nhập khẩu và giảm 50% phí trọng tải khi chủ tàu mua và khai thác tàu container từ 1.500 TEUS trở lên, tàu chạy bằng năng lượng sạch như LNG, hydro... đến hết năm 2030.
Phó tổng thư ký Hiệp hội Chủ tàu VN cũng đề cao vai trò quan trọng của Chính phủ, các quỹ đầu tư, sự hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức quốc tế như IMO để đẩy nhanh sự phát triển của công nghệ xanh và hỗ trợ nhiên liệu xanh, đặc biệt với các nhóm nhiên liệu còn có khối lượng thấp.
“Các chủ tàu cần được hoạt động trong một sân chơi bình đẳng. Trong đó, các đội tàu chạy bằng nhiên liệu thay thế đắt tiền hơn có thể cạnh tranh với những đội tàu còn sử dụng nhiên liệu hóa thạch”, ông Hà nhấn mạnh.
Chia sẻ với những khó khăn của các chủ tàu Việt Nam, Tổng thư ký IMO Kitack Lim cho rằng, Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, có tiềm năng lớn để phát triển ngành công nghiệp hơn nhiều lần từ việc có bờ biển dài, dân số và nền kinh tế phát triển nhanh, tăng trưởng kinh tế tốt.
Từ đây, ông Kitack Lim bày tỏ niềm tin các chủ tàu, doanh nghiệp vận tải Việt Nam có thể thực hiện thành công trong công cuộc phát triển hàng hải xanh và bền vững dù nhiều khó khăn, thách thức.
“Mục tiêu giảm phát thải mà IMO đặt ra là tiến tới phát thải ròng về không vào năm 2050. Chúng ta phải cùng nhau nỗ lực để đạt được mục tiêu, thực hiện từng bước và theo từng giai đoạn”, Tổng thư ký IMO chia sẻ và đánh giá các doanh nghiệp Việt Nam đã có tầm nhìn để đạt được mục tiêu giảm phát thải, đặc biệt khi có sự hỗ trợ của Chính phủ một cách mạnh mẽ, linh hoạt.
Hồ An/www.baogiaothong.vn
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/van-tai-bien-gap-kho-vi-quy-dinh-giam-phat-thai-carbon-d590575.html