Điện mặt trời mái nhà là dự án lắp đặt ở trên mái nhà, ngành điện chỉ có thể khảo sát đúng hiện trạng có mái nhà, tính toán công suất, nếu đạt các tiêu chuẩn về điện thì thỏa thuận đấu nối.
Những lỗ hổng trong phát triển mặt trời, mà cụ thể là ở Tây Nguyên đã được chỉ rõ từ ý kiến của các cơ quan chức năng và thực tế tại các địa phương.
Để phát triển nguồn năng lượng tái tạo bền vững, tránh lãng phí và đúng với chủ trương của Chính phủ, sự kỳ vọng của người dân luôn là mục tiêu đặt ra của các bộ, ngành.
Các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc cần có các văn bản liên quan đến hậu kiểm và xử lý vi phạm mạnh hơn để vá lỗ hổng cho vấn đề này.
(Ảnh minh họa: Phan Tuấn Anh/TTXVN)
Trách nhiệm do ai?
Theo Bộ Công Thương, mặt trời mái nhà được lắp đặt trên các công trình chăn nuôi, trồng trọt, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản và các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn khác.
Các trang trại này thực hiện theo quy định tại Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT ngày 28/2/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định tiêu chí kinh tế trang trại.
Chủ trang trại chăn nuôi, trồng trọt ... có trách nhiệm tổ chức sản xuất kinh doanh phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn.
“Các hệ thống mặt trời mái nhà trên các trang trại này nếu không đúng các quy định nêu trên sẽ không được ký hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN),” Bộ Công Thương cho hay.
Theo EVN, mặt trời mái nhà là dự án lắp đặt ở trên mái nhà. Ngành điện chỉ có thể khảo sát đúng hiện trạng có mái nhà, tính toán công suất, nếu đạt các tiêu chuẩn về điện thì thỏa thuận đấu nối.
Còn việc cấp phép xây dựng, đất đai có chuyển đổi mục đích, có làm trang trại hay không là trách nhiệm của địa phương và đây không phải thẩm quyền của ngành điện.
Ngoài các hồ sơ, thủ tục, điều kiện quy định tại các văn bản liên quan đến hợp đồng mua bán, đấu nối điện, các đơn vị điện lực cũng không được phép đòi hỏi các điều kiện, thủ tục, giấy tờ nào khác không thuộc thẩm quyền của đơn vị, gây khó khăn cho các nhà đầu tư.
Theo ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), sau khi đấu nối, ký hợp đồng mua bán điện, các nội dung liên quan đến lĩnh vực điện như: công suất, chất lượng điện năng, thời gian phát... sẽ do công ty điện lực tỉnh tiếp tục giám sát.
Nội dung liên quan đến hoạt động của các dự án nông nghiệp, trang trại nông nghiệp sẽ do địa phương xã, huyện, tỉnh giám sát hoạt động.
Thực tế cho thấy, nhiều nhà đầu tư lợi dụng chính sách mua mặt trời giá cao để làm trên mái trang trại nhưng thực chất không trồng cây và chăn nuôi.
Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho hay, về mặt pháp lý, Chính phủ đã phân cấp cho địa phương. Người dân tại đó đều có đăng ký hộ khẩu, có giấy phép địa phương cấp nên khi tiến hành xây dựng dự án, có làm trang trại không thì trách nhiệm thuộc về các địa phương.
Nếu có trường hợp điện lực địa phương thông đồng với chủ đầu tư, cơ quan điều tra xử lý cả hai bên.
Sẽ xử lý nghiêm
Theo đánh giá của các chuyên gia, khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo; trong đó, có mặt trời mái nhà là chủ trương lớn của Chính phủ nhưng chính những lỗ hỗng trong quy định khiến mặt trời mái nhà đang bị biến tướng và sai quy định nhà nước.
Do vậy, cần quy định một cách cụ thể việc kiểm soát trong xây dựng, lắp đặt các dự án mặt trời mái nhà để không xảy ra tình trạng dự án nông nghiệp “ma” đấu nối, mua điện trục lợi chính sách.
(Ảnh minh họa: Phan Tuấn Anh/TTXVN)
Theo ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh, để ngăn chặn trục lợi chính sách mặt trời, bắt buộc phải có quy định về hậu kiểm rõ ràng mới quy được trách nhiệm quản lý và xử lý giữa các bên.
Các địa phương và sở công thương các tỉnh cùng điện lực địa phương cần có thanh tra đột xuất, thanh tra thường kỳ để phối hợp xử lý với nhau.
Về các quy định hậu kiểm, ông Hà Đăng Sơn cho rằng, cần đặt ra các quy định bổ sung, như: chế tài hậu kiểm chuẩn, theo lộ trình thời gian sau 6 tháng, 9 tháng hay 1 năm.
Nếu hết thời hạn, chưa đạt được các tiêu chí trang trại nông nghiệp thì hợp đồng mua bán điện theo giá ưu đãi của mặt trời mái nhà vô hiệu hóa, buộc phải trả lại tiền thừa hoặc bị cắt hợp đồng bán điện.
“Trái lại, trong thời gian vừa qua, các cơ quan, đơn vị không có quy định hậu kiểm rõ ràng. Các hoạt động sai phạm vẫn tiếp diễn mà không quy trách nhiệm, xử phạt được,” ông Hà Đăng Sơn nói.
Theo ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, việc “lách” dự án là hành vi gian dối. Các tổ chức, cá nhân đang trục lợi chính sách của Nhà nước để được ưu đãi giá điện cao và dựa vào hành vi, nếu cần thì có thể xử lý hình sự.
Tuy nhiên, nói về công tác hậu kiểm, ông Dũng cho rằng, sẽ rất khó để kiểm tra hết toàn bộ các địa phương, bởi nguồn lực có hạn. Mọi chính sách đều không bao trùm được hết tất cả hiện tượng, chưa kể các chính sách dành cho mặt trời cũng liên tục thay đổi để phù hợp với tình hình thực tế.
Để xử lý trách nhiệm khi phát hiện sai phạm, ông Dũng cho rằng có rất nhiều bên liên quan. Cụ thể, sau khi đấu nối, ký hợp đồng mua bán điện, các nội dung liên quan đến lĩnh vực điện như công suất, chất lượng điện năng, thời gian phát... sẽ do công ty điện lực tỉnh tiếp tục giám sát. Nội dung liên quan đến hoạt động của các dự án nông nghiệp lại do địa phương từ cấp xã, huyện, tỉnh giám sát...
“Việc xử lý có vi phạm hay không sẽ thuộc quyết định của địa phương, còn Bộ chỉ quản lý theo lĩnh vực điện. Nhưng nếu địa phương nói “cái này vi phạm về quản lý đất đai, nông nghiệp” mà bị thu hồi thì dự án đó không có cơ sở tồn tại. Số tiền điện vi phạm suốt thời gian đó sẽ được truy thu đến cùng so với mức chênh lệch của hệ thống mặt trời đơn thuần,” ông Dũng cho hay.
Theo ông Hoàng Tiến Dũng, những sai phạm liên quan đến phát triển mặt trời mái nhà “lách luật” xây dựng theo hình thức trang trại là sai phạm nghiêm trọng. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến an toàn hệ thống điện quốc gia khi nguồn năng lượng tái tạo phát lên lưới lớn, tập trung cục bộ tại một số địa phương.
Trong quá trình thanh kiểm tra tại 10 địa phương vừa qua, Bộ Công Thương đã tìm được nhiều sai phạm của nhiều tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện dự án mặt trời mái nhà.
Ông Hoàng Tiến Dũng cho rằng, cần phải xử lý nghiêm những hành vi vi phạm trên. Trên cơ sở những sai phạm và kết quả kiểm tra, Bộ sẽ tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Từ đó, làm cơ sở tham mưu trong quá trình xây dựng chính sách và lập quy hoạch trong thời gian tới; đảm bảo phát triển đồng bộ nguồn năng lượng Mặt Trời với hạ tầng lưới điện truyền tải và nhu cầu sử dụng điện của đất nước.
Trong dự thảo Quy hoạch Điện VIII đang được xây dựng, Bộ Công Thương cũng sẽ rà soát lại các chương trình phát triển nguồn điện, đầu tư lưới điện và kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo để làm sao giảm thiểu tối đa những lỗ hổng trong vận hành hệ thống điện; hạn chế tối đa việc cắt giảm các nguồn năng lượng tái tạo và rà soát vốn đầu tư hợp lý cho chương trình phát triển điện lực trong các giai đoạn sắp tới.
Bộ Công Thương cũng đang dự thảo theo hướng bổ sung quy định tự dùng tối thiểu 20% sản lượng mặt trời, tức là chỉ thanh toán tiền điện tối đa là 80%. Các đề xuất khác vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu…
Trước đó, ngày 17/2/2021, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương, các địa phương, EVN rà soát các vấn đề liên quan đến phát triển mặt trời; nghiên cứu, xử lý ngay các vấn đề phát sinh chưa lường hết trong phát triển mặt trời, nhất là mặt trời mái nhà.
Bên cạnh đó, kiểm tra, thanh tra về phát triển mặt trời mái nhà tại địa phương, các công ty điện lực thời gian vừa qua; kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm các sai phạm nếu có, nhất là các hành vi trục lợi chính sách.
Theo TTXVN/Vietnam+
https://kinhtemoitruong.vn/va-lo-hong-trong-phat-trien-dien-mat-troi-o-cac-tinh-tay-nguyen-57399.html