Trung Quốc sẽ theo đuổi việc giảm carbon theo con đường của mình

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã lên tiếng khẳng định: Trung Quốc sẽ đi theo con đường riêng của mình để cắt giảm lượng khí thải carbon.
 

Tại cuộc gặp với đặc phái viên khí hậu Mỹ John Kerry trong chuyến công du của ông Kerry tại Trung Quốc về việc kêu gọi hành động nhanh hơn để đối phó với khủng hoảng khí hậu, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã lên tiếng khẳng định: Trung Quốc sẽ đi theo con đường riêng của mình để cắt giảm lượng khí thải carbon.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và đặc phái viên khí hậu Mỹ John Kerry
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và đặc phái viên khí hậu Mỹ John Kerry

Tại Hội nghị quốc gia về bảo vệ môi trường, ông Tập Cận Bình đã đưa ra cam kết của Trung Quốc đối với các mục tiêu carbon kép của mình đạt mức cao nhất vào năm 2030 và trung hòa carbon vào năm 2060 là “không thể lay chuyển”.

“Tuy nhiên, cách thức và cường độ để đạt được mục tiêu này phải do chính Trung Quốc quyết định và sẽ không bao giờ bị ảnh hưởng bởi quốc gia khác,” ông Tập Cận Bình cho biết thêm.

Trong cuộc gặp với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, ông Kerry nhấn mạnh “Trung Quốc cần phải khử cacbon trong ngành điện, cắt giảm lượng khí thải mêtan và giảm nạn phá rừng”, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong một tuyên bố.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tiếp đặc phái viên khí hậu Mỹ John Kerry
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tiếp đặc phái viên khí hậu Mỹ John Kerry

Ông John Kerry cũng đưa ra lời kêu gọi Trung Quốc “thực hiện các bước bổ sung để tăng cường tham vọng khí hậu của mình nhằm tránh những tác động tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng khí hậu.”

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào năng lượng sạch. Công suất năng lượng mặt trời của Trung Quốc hiện lớn hơn phần còn lại của thế giới và quốc gia này cũng đang dẫn đầu thế giới về công suất điện gió và xe điện.

Mặt khác, Trung Quốc cũng đã đẩy nhanh việc phê duyệt các nhà máy điện than mới do sự tập trung vào “an ninh năng lượng”, làm dấy lên mối lo ngại từ các chuyên gia môi trường rằng những dự án mới này sẽ khiến quá trình chuyển đổi khỏi than đá diễn ra chậm hơn và khó khăn hơn.

Những phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị cho thấy, Trung Quốc không muốn bị thúc giục hoặc bị coi là yếu thế trước áp lực về môi trường của thế giới, đặc biệt là từ Mỹ.

Trung Quốc và Mỹ là hai quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới, vì vậy, bất kỳ nỗ lực nào nhằm giải quyết khủng hoảng khí hậu đều cần đến việc cắt giảm sâu lượng khí thải từ hai cường quốc này.

Hiện nay, lượng khí thải của Trung Quốc cao hơn gấp đôi so với Mỹ nhưng trong lịch sử, Mỹ đã thải ra môi trường nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới.

Trung Quốc và các quốc gia đang phát triển nhanh khác từ lâu đã lập luận rằng các quốc gia giàu nhất thế giới, đặc biệt là những nước ở phương Tây có thể trở nên giàu có trong khi thải ra lượng khí thải carbon khổng lồ trong nhiều thập kỷ.

Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang ở mức tồi tệ nhất trong nhiều năm qua khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới mâu thuẫn với nhau về một loạt vấn đề, từ địa chính trị đến thương mại và công nghệ.

Chính phủ Mỹ đã cho rằng hợp tác khí hậu với Trung Quốc nên là một vấn đề độc lập, tách biệt với các tranh chấp khác.

Nhưng đối với phía Bắc Kinh lại nhìn nhận khác. Năm ngoái, họ đã cắt đứt các cuộc đàm phán về khí hậu với Mỹ để phản đối chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện lúc đó là bà Nancy Pelosi tới Đài Loan giữa đợt nắng nóng khủng khiếp nhất mà Trung Quốc từng có trong 60 năm qua.

Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị và ông John Kerry
Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị và ông John Kerry

Khi gặp ông Vương Nghị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông John Kerry đã lên tiếng nhấn mạnh hai nước “không thể để những khác biệt song phương cản trở việc đạt được tiến bộ cụ thể” trong hợp tác khí hậu.

Nhưng ông Vương Nghị tiếp tục khẳng định sự hợp tác này “không thể tách rời khỏi môi trường tổng thể của quan hệ Trung-Mỹ”. Ông Vương Nghị đã thúc giục Mỹ theo đuổi “chính sách hợp lý, thực dụng và tích cực đối với Trung Quốc” và “xử lý đúng đắn vấn đề Đài Loan”, khi Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.

Thừa nhận những khó khăn ngoại giao giữa hai bên trong những năm gần đây, ông John Kerry một lần nữa cho rằng, khí hậu nên được coi là một thách thức “tự do” đòi hỏi nỗ lực chung của các nền kinh tế lớn nhất thế giới để giải quyết.


Linh Đan/tapchicongthuong.vn

Nguồn: https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/trung-quoc-se-theo-duoi-viec-giam-carbon-theo-con-duong-cua-minh-107780.htm