Trung Quốc mở cửa có tác động thế nào tới các thị trường toàn cầu?

Sau 3 năm theo đuổi chính sách zero Covid, Trung Quốc đã “mở cửa” trở lại với thị trường toàn cầu. Thay đổi này sẽ có tác động như thế nào tới các thị trường?
 

Giới đầu tư đang “đặt cược” việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ gia tăng nhu cầu với thị trường đồng, quặng sắt và tạo lực đẩy cho cổ phiếu công nghệ. Chỉ số CSI 300 đại diện cho thị trường chứng khoán Đại lục đã tăng hơn 20% kể từ đáy gần nhất, chính thức xác nhận bước vào thị trường giá tăng (bull market).

Tuy nhiên, sự hồi phục của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn đối diện nhiều rủi ro khó đoán định. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu suy yếu, nhu cầu tại Mỹ và châu Âu sụt giảm, hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc được dự báo sẽ không quá tích cực.

“Các thị trường toàn cầu đang có kỳ vọng cao đối với việc Trung Quốc mở cửa, tuy nhiên, chặng đường còn dài và nhiều bất ổn”, Ken Cheung, chiến lược gia trưởng thị trường tiền tệ khu vực châu Á tại Mizuho Bank chia sẻ.

Bên cạnh đó, việc thanh khoản thị trường bất động sản Trung Quốc ngưng trệ và những hệ quả của chính sách giãn cách kéo dài cũng tác động tiêu cực tới thị trường tiêu dùng trong nước, cũng như sức khoẻ tài chính của doanh nghiệp nội địa.

“Cần nhớ rằng, Trung Quốc đã thực thi nghiêm ngặt chính sách zero Covid trong 3 năm. Quãng thời gian này đủ để thói quen tiêu dùng thay đổi khá nhiều”, Ken Cheung bình luận thêm.

Dưới đây là dự báo tác động của việc Trung Quốc mở cửa đối với các thị trường hàng hoá – tài chính toàn cầu.

Nhu cầu với hàng hoá cứng gia tăng

Hàng hóa cứng (hard commodity) bao gồm khoáng sản (đồng, bạc, vàng,..) và năng lượng khái thác (dầu thô, khí tự nhiên, và các sản phẩm tinh chế từ chúng). Trung Quốc là một trong những thị trường tiêu thụ lớn nhất với hàng hoá cứng.

He Tianyu, chiến lược gia thị trường hàng hoá tại CRU cho biết, thị trường bất động sản và xây dựng hồi phục, đẩy mạnh đầu tư năng lượng tái tạo và công nghệ chế tạo tăng trưởng là động lực chính thúc đẩy nhu cầu sử dụng đồng.

Trong khi đó, Shreyas Madabushi, nhà phân tích tại Citi Group nhận định, giá quặng sắt có thể đạt mức 130 USD/tấn khi nhu cầu từ thị trường Trung Quốc gia tăng.

Với thị trường dầu khí, giá dầu thô Brent, loại tiêu chuẩn trên thị trường toàn cầu, đã giảm kể từ khi Trung Quốc bắt đầu nới lỏng các quy định chống dịch vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo, nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ tăng lên mức cao kỷ lục, đạt 101,7 triệu thùng/ngày trong năm nay khi Trung Quốc mở cửa trở lại.

Nhu cầu tiêu thụ dầu tại thị trường Trung Quốc đã giảm mạnh trong năm 2022, đánh dấu năm đi xuống đầu tiên kể từ 1990. Tuy nhiên, thị trường có dấu hiệu điều chỉnh kể từ tháng 11 với mức tăng thêm 470.000 thùng/ngày so với tháng 10/2022, theo số liệu của IEA.

Jeff Currie, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường hàng hoá tại Goldman Sachs ước tính, nhu cầu tăng lên từ thị trường Trung Quốc có thể giúp giá dầu tăng khoảng 5 USD/thùng. 

Diễn biến giá quặng sắt, đồng và dầu trong những tháng qua

Các đồng tiền châu Á hưởng lợi

Đồng nhân dân tệ đã tăng giá so với USD kể từ khi quá trình mở cửa bắt đầu, tuy nhiên, giới chức Trung Quốc đã cảnh báo việc nhân dân tệ sẽ không giữ xu thế tăng giá so với USD. Đây được xem là nỗ lực  ngăn chặn hoạt động đầu cơ.

Theo Ken Cheung, giới chuyên gia nhận định thị trường sẽ có biến động theo cả 2 chiều tăng - giảm và dự báo kết thúc năm 2023, tỷ giá nhân dân tệ - USD sẽ ở mức 6,7 nhân dân tệ đổi 1 USD.

Trong khi đó, đồng bath Thái được hưởng lợi nhờ làn sóng du khách Trung Quốc bắt đầu tìm tới quốc gia này. Điều này có thể giúp đồng bath giảm bớt ảnh hưởng tiêu cực của việc USD tăng giá.

Đồng đô Úc nhiều khả năng sẽ tăng giá khoảng 3% trong năm nay, khi nhu cầu từ Trung Quốc gia tăng với các sản phẩm hàng hoá – nguyên liệu từ thị trường này.

Trong số các quốc gia châu Á, đồng won Hàn Quốc có thể tăng giá mạnh nhất. Dù vậy, triển vọng kinh tế không lấy làm tích cực và một số xung đột địa chính trị có thể khiến hoạt động xuất khẩu từ Hàn Quốc sang Trung Quốc chịu ảnh hưởng tiêu cực, từ đó giảm bớt mức tăng giá của đồng won. 

Mức thay đổi tỷ giá của một số đồng tiền châu Á so với USD kể từ tháng 10/2022 tới nay

Các thị trường chứng khoán liên kết với Trung Quốc theo xu hướng tăng

Các chiến lược gia tại Goldman Sachs dự báo, tăng trưởng lợi nhuận của chứng khoán Trung Quốc có thể đạt 17% năm 2023, tăng so với dự báo trước đó là 13%. Với việc là con đường kết nối các nhà đầu tư quốc tế với thị trường Đại lục, chứng khoán Hồng Kông cũng sẽ theo xu hướng tăng và tăng trưởng lợi nhuận cổ phiếu có thể đạt 34% trong năm nay.

Các thị trường chứng khoán Malaysia, Thái Lan và Singapore cũng đón cơn gió thuận chiều khi có nhiều doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh gắn kết với thị trường Trung Quốc.

Một điểm nhấn đáng chú ý là nhóm cổ phiếu công nghệ nhiều khả năng tăng trưởng mạnh nhất. Chiến lược gia tại Morgan Stanley nhận định, các công ty công nghệ vốn hoá lớn, thanh khoản cao có thể chứng kiến giá cổ phiếu leo dốc. 

Diễn biến một số chỉ số chứng khoán kể từ khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa

Thị trường trái phiếu hồi phục, lãi suất theo hướng tăng

Chính phủ Trung Quốc đang có động thái hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản. Điều này đồng nghĩa với việc trái phiếu do nhóm doanh nghiệp bất động sản – xây dựng phát hành nhận lực đỡ từ chính sách.

Trái phiếu phát hành bằng đồng USD từ các doanh nghiệp bất động sản như Country Garden và Dalian Wanda đang dần quay trở lại mức giá hợp lý hơn sau giai đoạn khủng hoảng. Trong tháng 1/2023, Wanda phát hành đợt trái phiếu bằng đồng USD đầu tiên trong hơn 1 năm qua, kỳ vọng có thể gỡ khó cho tình hình tài chính của doanh nghiệp.

“Động lực với thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã quay trở lại. Các chính sách hỗ trợ của nhà quản lý cổ vũ nhóm ngân hàng tư nhân và các quỹ đầu tư rót tiền trở lại vào thị trường này”, một nhà phân tích tại ngân hàng Trung Quốc cho biết.

Tư Thuần/baodautu.vn

Nguồn: https://baodautu.vn/trung-quoc-mo-cua-co-tac-dong-the-nao-toi-cac-thi-truong-toan-cau-d182878.html