Một cơ sở điện phân hydro tại Trung Quốc
“Sau một khởi đầu chậm chạp, Trung Quốc đã vươn lên và dẫn đầu trong việc triển khai sản xuất hydro qua điện phân: Vào cuối năm nay, công suất điện phân hydro của Trung Quốc dự kiến sẽ đạt 1,2 GiW, tương đương 50% công suất sản xuất toàn cầu”, trích nhận xét của IEA trong báo cáo dành riêng cho hydro.
Máy điện phân hydro là thiết bị công nghiệp, sử dụng điện để tách hydro và oxy từ phân tử nước (H20). Nguồn điện đến từ những nguồn phát thải carbon thấp hoặc không có carbon (năng lượng mặt trời, gió, thủy điện hoặc hạt nhân).
Với quá trình chuyển dịch năng lượng đang diễn ra, máy điện phân hydro đóng vai trò cần thiết nhằm thay thế phương thức sản xuất hydro công nghiệp theo phương thức truyền thống, vốn dùng nhiên liệu hóa thạch (khí metan CH4). Đây là một phương pháp trong ngành hóa dầu, rẻ tiền nhưng thải ra nhiều CO2.
Theo IEA, sản lượng hydro ít phát thải carbon có thể đạt 38 triệu tấn vào năm 2030 nếu đã hoàn thiện mọi dự án đã công bố từ trước đó. Nhưng tổ chức lo ngại rằng lạm phát sẽ đẩy cao chi phí mua sắm thiết bị, “khiến các dự án lâm vào rủi ro” và “làm giảm hiệu quả từ viện trợ của chính phủ”. IEA chỉ rõ: “Ước tính chi phí ban đầu của một số dự án đã tăng thêm 50%”.
Về mặt tiêu thụ, cơ quan này cũng bày tỏ lo ngại khi thế giới thay thế hydro “xám” bằng hydro “xanh” với tốc độ quá chậm. Báo cáo nhấn mạnh: “Vào năm 2022, hoạt động sản xuất hydro ít phát thải carbon diễn ra rất chậm, chỉ đáp ứng 0,7% nhu cầu hydro toàn cầu”, “điều này ngụ ý rằng việc sản xuất và sử dụng hydro vào năm 2022 đã thải ra 900 triệu tấn CO2 tương đương”.
Từ đó, báo cáo kết luận: “Hoạt động sản xuất hydro ít phải thải carbon vẫn chưa đạt được mức cần thiết nhằm đáp ứng những mục tiêu về khí hậu. IEA mong muốn được thấy nhiều mối hợp tác quốc tế hơn nhằm “tránh làm phân mảnh thị trường”.
Ngọc Duyên/Petrotimes
AFP
Nguồn: https://petrotimes.vn/trung-quoc-kiem-soat-mot-nua-cong-suat-hydro-toan-cau-695114.html