TP.HCM muốn hoán đổi du khách với 13 tỉnh, thành miền Tây

Các tỉnh, thành miền Tây có 3 trục tuyến du lịch liên kết với TP.HCM để hoàn thiện sản phẩm Những nẻo đường phù sa, Non nước hữu tình và Sắc màu vùng biên.

Ngày 18/3, UBND tỉnh Bạc Liêu phối hợp cùng UBND TP.HCM và 12 tỉnh, thành còn lại ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tổ chức chương trình liên kết du lịch, phát động mở cửa lại ngành này trong điều kiện bình thường mới.

Hai ngày trước, nhiều doanh nghiệp lữ hành, công ty du lịch của TP.HCM và các tỉnh, thành miền Tây đã có chuyến khảo sát các sản phẩm du lịch về đêm tại TP Bạc Liêu để kết nối du lịch với TP.HCM và các tỉnh, thành trong vùng.

Doanh thu của doanh nghiệp du lịch giảm 95-100%
Nhiều năm qua, du lịch cơ bản trở thành ngành mũi nhọn của TP.HCM. Sở Du lịch TP.HCM thống kê được lượng du khách quốc tế đến địa phương này bằng 50% của cả nước và khách nội địa cũng chiếm tỷ lệ 1/3. Tổng doanh thu của ngành du lịch TP.HCM bằng 25% cả nước và lượng khách du lịch tăng trưởng trung bình 13% trong giai đoạn 2013-2019.

Từ năm 2019 đến nay, các chương trình kết nối du lịch TP.HCM và các vùng trọng điểm trên cả nước được triển khai rộng rãi, hiệu quả, tạo sự lan tỏa đến cộng đồng với doanh nghiệp du lịch. Tuy nhiên, dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế, đời sống, xã hội. Trong đó, ngành du lịch chịu ảnh hưởng trực tiếp.


Du lịch sinh thái điện gió ven biển Bạc Liêu. Ảnh: Anh Nhật.

Các tỉnh miền Tây còn gánh phải thiệt hại kép từ dịch Covid-19 và khô hạn. Lượng du khách và doanh thu sụt giảm mạnh, tăng trưởng của ngành này năm 2020 giảm sâu, tác động không nhỏ đến tăng trưởng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) của mỗi tỉnh, thành.

Nhiều doanh nghiệp lữ hành cũng chịu tác động kép - giảm khách và bồi thường một số nhóm chi phí của các tour bị hủy. Ngành du lịch có hơn 98% doanh nghiệp vừa và nhỏ nên ít có khả năng tự “chống chọi” khi gặp rủi ro. Vì vậy, một số công ty có lượng khách và doanh thu giảm 95-100% so với cùng kỳ năm trước. Hệ quả là nhiều doanh nghiệp phải chuyển loại hình kinh doanh hoặc đóng cửa.

Trong điều kiện ngành du lịch mở cửa như hiện nay, TP.HCM và 13 tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa dòng khách 2 chiều. Nếu làm bài toán hoán đổi, 1/3 của 10 triệu dân TP.HCM đi du lịch ở miền Tây và 1/3 của 20 triệu dân vùng này đi du lịch TP.HCM sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn trước mắt của các doanh nghiệp. Việc này cũng xóa bỏ dần tâm lý e ngại đi du lịch của người dân.

“TP.HCM xác định là cửa ngõ du lịch, cần có các sản phẩm để hút dòng khách từ các tỉnh, thành khác đến trải nghiệm các chương trình du lịch liên kết, từ thành phố về đồng bằng”, lãnh đạo Sở Du lịch TP.HCM chia sẻ.

Bạc Liêu 2 lần có nghị quyết về du lịch
Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết hơn 2 năm qua, TP.HCM và các tỉnh miền Tây chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Trong đó, lĩnh vực du lịch chứng kiến sự suy giảm nghiêm trọng, có những giai đoạn ngành này gần như “đóng băng”.

Với sự khởi sắc dần của ngành du lịch, TP.HCM và các tỉnh, thành miền Tây cần thiết phải tăng cường liên kết hợp tác vùng, liên vùng để ngành du lịch các địa phương cùng nhau vượt qua khó khăn. Việc liên kết này càng trở nên quan trọng hơn trong thời điểm hiện nay, khi vẫn còn tiềm ẩn những khó khăn, thách thức đan xen như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, tình hình an ninh - chính trị trên thế giới, khu vực còn nhiều diễn biến phức tạp.

“Chúng tôi muốn khẳng định với các doanh nghiệp, nhà đầu tư rằng vùng Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều điều kiện thuận lợi để thu hút du khách trong và ngoài nước. Địa bàn này còn nhiều dư địa để liên kết với TP.HCM, tạo ra không gian du lịch đặc sắc, đáp ứng được nhiều phân khúc thị trường, thúc đẩy sự lan tỏa kinh tế du lịch liên vùng nếu có các cơ chế, chính sách phù hợp, cũng như nhận được sự đồng hành của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước”, ông Thiều nói.

Theo ông Thiều, Bạc Liêu 2 lần ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch, phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, tạo bước đột phá nhằm phát triển toàn diện cả về phạm vi, quy mô và chất lượng; đảm bảo phát triển bền vững.

"Trước mắt, chúng tôi phấn đấu đến năm 2025 đón hơn 7 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt khoảng 10.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 7% trong tổng GRDP của tỉnh", lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh.


Du khách check-in cánh đồng hoa ở Bạc Liêu. Ảnh: Việt Tường.

Trao đổi với Zing, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung cho biết địa phương đang tập trung 6 nhóm giải pháp chính gồm truyền thông, xúc tiến quảng bá; liên kết hợp tác phát triển du lịch; xây dựng sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; đào tạo nguồn nhân lực du lịch; quy hoạch và đầu tư hạ tầng du lịch; tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch.

Các chỉ tiêu về lượt khách và tổng thu từ du lịch của Kiên Giang đã tăng trưởng trở lại; công tác đảm bảo an ninh, an toàn phòng, chống dịch bệnh đã được các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp quan tâm triển khai thực hiện theo hướng dẫn của Trung ương và địa phương; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai đồng bộ các giải pháp xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch Kiên Giang, liên kết hợp tác phát triển du lịch với các địa phương, tập trung hoàn thiện, nâng chất lượng các điểm đến theo lộ trình mở cửa du lịch để thu hút du khách quay trở lại.

Trong 2 tháng đầu năm 2022, Kiên Giang đón hơn một triệu lượt khách du lịch (tăng 27,1% so với cùng kỳ, đạt 18,8% kế hoạch năm). Trong đó, TP Phú Quốc đón 740.000 lượt khách (tăng hơn 30% so với cùng kỳ, đạt 19,5% kế hoạch), khách quốc tế ước đón 18.687 lượt khách (đạt 10,4% kế hoạch năm);

Riêng chương trình đón khách quốc tế đến Phú Quốc sử dụng hộ chiếu vacine, Phú Quốc đón 10 chuyến bay với 1.282 khách từ Hàn Quốc, Lào, Kazakhstan, Uzbekistan, Thái Lan.

Từ năm 2020, TP.HCM với 13 tỉnh, thành miền Tây liên kết tạo ra 3 sản phẩm du lịch theo tuyến là Những nẻo đường phù sa, kết nối TP.HCM - Tiền Giang - Vĩnh Long - Cần Thơ - Hậu Giang - Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau; tuyến Non nước hữu tình kết nối TP.HCM - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh; tuyến Sắc màu vùng biên kết nối TP.HCM kết nối TP.HCM - Tiền Giang - Long An - Đồng Tháp - An Giang và Tiền Giang.

Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm 2022, TP.HCM với các tỉnh miền Tây phát triển các sản phẩm du lịch là tổ chức khảo sát, đánh giá, góp ý và đề xuất phát triển các chương trình du lịch liên kết trên tuyến Những nẻo đường phù sa kết hợp tuyến Sắc màu vùng biên.

Ngoài ra, các tỉnh, thành này còn tọa đàm đánh giá, góp ý và đề xuất phát triển các chương trình du lịch liên với chủ đề Khơi nguồn dòng chảy Phương Nam tại Long An.

https://zingnews.vn/tphcm-muon-hoan-doi-du-khach-voi-13-tinh-thanh-mien-tay-post1303360.html