Thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực điện lực

Sáng 25/11, tại Hà Nội, Hội Điện lực Việt Nam (VEEA) phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khai mạc Hội nghị khoa học và công nghệ Điện lực toàn quốc năm 2022 với chủ đề: “Chuyển đổi số và nâng cao hiệu quả vận hành hệ thống điện quốc gia”.
 

Theo ban tổ chức, nhu cầu về năng lượng nói chung, điện năng nói riêng ngày càng tăng đặt ra những yêu cầu cấp thiết cho ngành điện, phục vụ cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Trong bối cảnh vừa phải đảm bảo điện năng cho phát triển kinh tế xã hội, vừa phải đảm bảo các yêu cầu về dịch chuyển năng như cam kết của Việt Nam tại COP26 “Việt Nam phấn đấu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”, một yêu cầu cấp thiết đặt ra cho ngành điện là phải nâng cao, tối ưu hoá hiệu quả vận hành hệ thống điện quốc gia.

Thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực điện lực ảnh 1

Ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam phát biểu tại hội nghị

Để giải quyết được yêu cầu này, song song với các biện pháp đang được thực hiện như: đẩy nhanh tiến độ đưa vào vận hành các công trình nguồn, lưới điện, giải tỏa các nguồn điện, xuất nhập khẩu điện… việc đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực Điện lực là một xu hướng, yêu cầu tất yếu, phù hợp với chủ trương của Chính phủ.

EVN trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, với đặc thù là một ngành công nghiệp hoạt động mang tính hệ thống, có trình độ công nghệ cao và hiện đại, ngành Điện nói chung và EVN nói riêng đã và đang nỗ lực lao động, học tập, tích lũy kinh nghiệm, nghiên cứu ứng dụng khoa học, tiếp cận và làm chủ kỹ thuật, công nghệ hiện đại để quản lý và khai thác hiệu quả hệ thống điện Việt Nam.

Đến nay, tổng công suất đặt nguồn điện trong toàn hệ thống điện Việt Nam là 78.300 MW, trong đó EVN và các đơn vị trong EVN đang quản lý vận hành 29.800 MW, chiếm tỷ lệ 38% tổng công suất đặt toàn hệ thống. Tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo chiếm tới 26,5% công suất trong toàn hệ thống. Số lượng khách hàng sử dụng điện trên cả nước cũng đã lên tới trên 30 triệu khách hàng.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã chỉ huy vận hành an toàn, ổn định, hiệu quả hệ thống điện Việt Nam, đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, giữ vững an ninh năng lượng quốc gia.

Thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực điện lực ảnh 2

Tham luận Chuyển đổi số công tác điều độ hệ thống điện của EVNHANOI được trình bày tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, EVN đã sớm tiếp cận và triển khai các kế hoạch, giải pháp tổng thể, đồng bộ nhằm phát huy hiệu quả cao nhất của các công nghệ số trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng của EVN và các đơn vị thành viên.

EVN đã tổ chức nghiên cứu, xây dựng và triển khai Đề án Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam với mục tiêu cơ bản hoàn thành chuyển đổi số vào năm 2022 và trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025.

Thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực điện lực ảnh 3

Phần trình bày của đại diện Công ty TNHH Siemens Việt Nam

Cụ thể, đến nay, trong lĩnh vực sản xuất, EVN đã hoàn thành cập nhật 97,3% dữ liệu thiết bị điện đang vận hành tại các nhà máy, đường dây truyền tải từ 110kV đến 500kV.

Các dịch vụ điện trực tuyến đã được EVN chỉ đạo triển khai mạnh mẽ và đã đạt kết quả rất khả quan, trong đó 99,67% các yêu cầu của khách hàng được tiếp nhận qua các kênh tổng đài và các kênh trực tuyến; 97,90% các giao dịch được thực hiện theo phương thức điện tử; tỷ lệ tiền điện được thanh toán theo các phương thức không sử dụng tiền mặt đạt 97,32%; tỷ lệ khách hàng thanh toán không sử dụng tiền mặt là 90,72%.

EVN là một trong các đơn vị đi đầu và hoàn thành đầu tiên việc kết nối cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia cho 2 dịch vụ điện/25 dịch vụ công thiết yếu của các bộ, ngành được Thủ tướng Chính phủ giao...

Với tinh thần làm việc tích cực, tập trung và trách nhiệm cao, Hội nghị đã được nghe rất nhiều tham luận của các đơn vị tập trung vào các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực: Nguồn điện, Truyền tải điện, Phân phối điện, Kinh doanh và Sử dụng điện năng.

Các tham luận của các đơn vị được đánh giá rất cao bởi tính ứng dụng và thiết thực trong công tác nâng cao hiệu quả vận hành lưới điện. Hội nghị cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp để hoàn thiện các đề tài cũng như các ý kiến phản biện mang tính chất xây dựng của các đại biểu. Đây cũng là cơ hội để các tác giả cũng như tập thể các tác giả hoàn thiện hơn đề tài của mình để có thể ứng dụng trong thực tế.

P.V/tienphong.vn

Nguồn: https://tienphong.vn/thuc-day-chuyen-doi-so-trong-linh-vuc-dien-luc-post1489807.tpo