thủ tướng, trợ lý thủ tướng

Thủ tướng Phạm Minh Chính có thêm một Trợ lý

Theo quyết định bổ nhiệm do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký, ông Trịnh Mạnh Linh được bổ nhiệm làm Trợ lý Thủ tướng Phạm Minh Chính, kể từ ngày 15/8.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký quyết định số 959, bổ nhiệm ông Trịnh Mạnh Linh làm Trợ lý Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Trước đó, ông Trịnh Mạnh Linh từng đảm nhiệm vai trò là Thư ký của Ủy viên Bộ Chính trị Phạm Minh Chính từ thời làm Trưởng Ban Tổ chức Trung ương khóa XII.

Thủ tướng Phạm Minh Chính hiện có 1 Trợ lý là ông Đỗ Ngọc Huỳnh và 1 Thư ký là ông Nguyễn Văn Thắng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính có thêm một Trợ lý - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính (Ảnh: Minh Châu).

Theo Quy định 30 của Bộ Chính trị quy định về tiêu chuẩn, điều kiện, nhiệm vụ, quy trình bổ nhiệm, chính sách, chế độ đối với chức danh trợ lý, thư ký, Thủ tướng được sử dụng không quá 4 Trợ lý. Trong trường hợp cần thiết, nếu có nhu cầu sử dụng số lượng trợ lý nhiều hơn quy định phải báo cáo Bộ Chính trị xem xét, quyết định.

Trợ lý của Thủ tướng được hưởng lương và chính sách, chế độ tương đương thứ trưởng.

Quy định 30 của Bộ Chính trị yêu cầu nhiều quy định chung của chức danh Trợ lý, như về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, về trình độ chuyên môn và năng lực, uy tín.

Ngoài những tiêu chuẩn, điều kiện chung, chức danh Trợ lý phải có trình độ chuyên môn phù hợp, am hiểu sâu về lĩnh vực được phân công; có năng lực nghiên cứu, phân tích, tổng hợp thông tin và tham mưu; có khả năng phối hợp công tác.

Chức danh Trợ lý, theo Quy định 30, cũng phải giữ chức vụ trưởng hoặc tương đương hoặc có hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo tương đương vụ trưởng trở lên ít nhất là 3 năm. Trường hợp đặc biệt, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Bộ Chính trị quy định chức danh Trợ lý có nhiệm vụ tham mưu, đề xuất xây dựng và triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch hoạt động của lãnh đạo; chủ động nắm tình hình, nghiên cứu, cập nhật thông tin, phân tích, tham mưu, đề xuất những nội dung liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của lãnh đạo.

Trợ lý cũng là người trực tiếp hoặc phối hợp với cơ quan, cá nhân có liên quan tham mưu, chuẩn bị văn bản, bài viết, bài phát biểu… theo yêu cầu của  lãnh đạo, và thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của lãnh đạo.

Về quyền hạn, chức danh Trợ lý được phối hợp với cơ quan, cá nhân có liên quan để thực hiện nhiệm vụ; theo dõi tiến độ thực hiện các công việc được giao; được yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ công việc.

Trợ lý cũng là người được mời tham dự và phát biểu trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo thuộc phạm vi công việc, theo Quy định 30 của Bộ Chính trị.