Thỏa thuận JETP là công cụ đắc lực giúp Việt Nam đạt mục tiêu giảm phát thải

Đại diện đến từ Tập đoàn HSBC cho rằng, Thỏa thuận Hợp tác Chuyển dịch Năng lượng Công bằng (JETP) sẽ là công cụ đắc lực giúp Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
 

Thỏa thuận JETP là công cụ đắc lực giúp Việt Nam đạt mục tiêu giảm phát thải.

Thỏa thuận JETP là công cụ đắc lực giúp Việt Nam đạt mục tiêu giảm phát thải.

JETP là cách để đẩy nhanh quá trình giảm dần sử dụng than đá

Theo nhận định của ông Christian Déséglise, Giám đốc phụ trách Cơ sở hạ tầng và Sáng tạo Bền vững của Tập đoàn HSBC, người phụ trách chính của ngân hàng trong Thỏa thuận JETP (Just Energy Transition Partnership) với Indonesia và Việt Nam, các thỏa thuận này đang ngày trở nên phổ biến bởi chúng có thể quy tụ nhiều bên lại để cùng tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi năng lượng sạch và công bằng ở các nền kinh tế mới nổi phụ thuộc nhiều vào than đá.

Về cơ bản, đây là các thỏa thuận tài chính đa phương nhằm đẩy nhanh tiến trình loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch, đồng thời giải quyết được những hệ lụy xã hội xảy ra trong chính quá trình ấy.

Mô hình này lần đầu tiên thu hút sự chú ý vào năm 2021, khi một thỏa thuận trị giá 8,5 tỷ USD được công bố cho Nam Phi, với sự hợp tác của Pháp, Đức, Vương quốc Anh, Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU). Tiếp nối thỏa thuận đó là gói 20 tỷ USD cho Indonesia và một thỏa thuận 15,5 tỷ USD cho Việt Nam vào năm 2022. Dự kiến sắp tới sẽ có thêm các thỏa thuận dành cho Ấn Độ và Senegal.

Thỏa thuận JETP là công cụ đắc lực giúp Việt Nam đạt mục tiêu giảm phát thải ảnh 1

Ông Christian Déséglise, Giám đốc phụ trách Cơ sở hạ tầng và Sáng tạo Bền vững của Tập đoàn HSBC, người phụ trách chính của ngân hàng trong Thỏa thuận JETP (Just Energy Transition Partnership) với Indonesia và Việt Nam.

Hợp tác chính là chìa khóa

Cũng theo ông Christian Déséglise, hành trình giảm phát thải carbon của một quốc gia đòi hỏi sự chung tay của nhiều bên. Đó là người dân của chính nước đó, chính phủ và các đơn vị cung cấp tiện ích cũng như đối tác bên ngoài giúp tài trợ cho quá trình chuyển đổi.

Đây một tập hợp gồm các nhà tài trợ tài khí hậu cũng như nhóm đầu tư công và tư, điển hình là các chính phủ G7, các ngân hàng phát triển và định chế tài chính.

Thỏa thuận JETP cho phép những người có vai trò chủ chốt hợp tác cùng nhau trong việc thiết kế, tìm kiếm nguồn tài trợ và triển khai một kế hoạch phù hợp với nhu cầu và đặc điểm cụ thể của mỗi quốc gia. Thỏa thuận được củng cố thêm bởi cam kết từ phía quốc gia đó nhằm thúc đẩy các tham vọng khí hậu, tương ứng với cam kết tài trợ và hỗ trợ từ phía các đối tác bên ngoài.

Hỗ trợ những cộng đồng bị ảnh hưởng

Việc ngừng sử dụng các nhà máy nhiệt điện than và thay thế bằng năng lượng tái tạo sẽ là trọng tâm chính trong các kế hoạch, nhưng phải được triển khai làm sao để giảm thiểu được tác động tiêu cực.

Đó là lý do tại sao mục tiêu thứ ba của các thỏa thuận JETP là thực hiện các chính sách hỗ trợ những cộng đồng bị ảnh hưởng, ví dụ như đảm bảo người lao động ở các vùng khai thác than có thể tiếp cận chương trình đào tạo lại cho người lao động.

Thỏa thuận JETP có thể khai mở công nghệ mới

Đại diện đến từ HSBC cho rằng, các sáng kiến cũng sẽ khuyến khích đầu tư vào các công nghệ và ngành nghề "xanh" nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước. Chẳng hạn, với đầu vào phù hợp, Indonesia, quốc gia sản xuất niken lớn nhất thế giới, có thể trở thành nhà sản xuất lớn trong mảng pin cho xe điện.

"Sự kiện công bố JETP của Nam Phi đã không có mặt đại diện đến từ khu vực tư nhân. Theo quan điểm của tôi, đây thực sự là một thiếu sót. Đưa khu vực kinh tế tư nhân tham gia ngay từ đầu có thể tạo điều kiện giúp huy động tài chính quy mô lớn và mở ra những cơ hội về vốn lớn hơn.

Trường hợp của Indonesia và Việt Nam, đại diện ngành tài chính là Liên minh tài chính Glasgow vì mục tiêu cân bằng phát thải (Glasgow Financial Alliance for Net Zero - GFANZ). Trong đó, HSBC đóng vai trò chủ đạo, giúp nhận diện những rào cản đối với đầu tư tư nhân tại mỗi quốc gia, cũng như đề xuất các giải pháp", ông Christian Déséglise chia sẻ.

Cụ thể, JETP của Việt Nam sẽ huy động 7,75 tỷ USD từ Nhóm Các nước Đối tác Quốc tế (International Partners Group - IPG) đứng đầu là EU và Vương quốc Anh và nguồn tài chính tư nhân đối ứng tương đương từ các thành viên Nhóm làm việc chuyên trách của GFANZ trong đó có HSBC.

HSBC đang phối hợp cùng GFANZ và Bộ Tài nguyên và Môi trường thảo luận các bước tiếp theo nhằm triển khai JETP với sự hỗ trợ của HSBC. Những nỗ lực này đã được thảo luận trong cuộc họp gần đây của ông Surendra Rosha, đồng Tổng Giám đốc HSBC châu Á - Thái Bình Dương và các quan chức Việt Nam, trong số đó có buổi trao đổi với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà.

Với tư cách là một ngân hàng, HSBC cũng đang hỗ trợ cho Cơ chế Chuyển đổi Năng lượng than, nhằm mục đích tạo điều kiện cho việc loại bỏ sớm các tài sản than ở châu Á. Sáng kiến này, do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) dẫn đầu, cũng nằm trong khuôn khổ phục vụ cho Thỏa thuận JETP.

Tài chính phối hợp là then chốt

Các dự án năng lượng tái tạo ở Indonesia và Việt Nam trước đây thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn. Nguyên nhân thì rất phức tạp và đa dạng, từ những cân nhắc về rủi ro tín dụng và ngoại hối đến các vấn đề chính trị và pháp lý. Trong các nhóm làm việc, HSBC sẽ giải quyết các vấn đề liên quan đến “khả năng sinh lời” của dự án và tìm cách khắc phục.

Các định chế tài chính phối hợp như Pentagreen, liên doanh của HSBC với công ty đầu tư Temasek, có thể là một giải pháp khả thi. Định chế này có thể tài trợ vốn cho những dự án mà các ngân hàng thường không mặn mà.

HSBC mong muốn đóng góp vai trò trong việc hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang một thế giới bền vững hơn. Đó là một phần quan trọng trong chiến lược của HSBC với tư cách là một doanh nghiệp. Bên cạnh đó, HSBC là một ngân hàng toàn cầu, nhưng có am hiểu sâu rộng về thị trường Indonesia và Việt Nam.

"Chúng tôi có thể mang những hiểu biết thị trường và mạng lưới tại địa phương của mình đến với cộng đồng toàn cầu để thúc đẩy các quan hệ đối tác", ông Christian Déséglise khẳng định.

Cũng theo ông Christian Déséglise, những thỏa thuận này mới đang ở giai đoạn khởi đầu. Đó là những sáng kiến mang tính dài hơi với các gói tài trợ ban đầu dự kiến được giải ngân trong vòng 3 đến 5 năm.

"Điều quan trọng là tất cả các bên duy trì cam kết và đi cùng với với nhau qua thời gian. Nếu thành công, tôi tin rằng các thỏa thuận JETP có thể tạo ra mô hình kiểu mẫu cho mục tiêu giảm phát thải carbon trên toàn thế giới", ông Christian Déséglise bày tỏ.

THU THẢO/mekongasean.vn

Nguồn: https://mekongasean.vn/thoa-thuan-jetp-la-cong-cu-dac-luc-giup-viet-nam-dat-muc-tieu-giam-phat-thai-post20270.html