"Thế vận hội xanh" của Trung Quốc có thật sự “xanh"?

Trung Quốc muốn nhân cơ hội tổ chức Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh để cho thế giới thấy những nỗ lực xây dựng môi trường bền vững của mình. Tuy nhiên, những lo ngại về chi phí môi trường cho Thế vận hội xanh này có vẻ là khá đắt đỏ.

Một trạm chạy bằng than ở thành phố Trương Gia Khẩu, một trong những địa điểm tổ chức Thế vận hội mùa đông. Ảnh: AFP.

Rất khó để xác minh độc lập các tuyên bố của Bắc Kinh xung quanh Thế vận hội, bắt đầu vào ngày 4 tháng 2. Các nhà môi trường nói với AFP rằng họ sợ phản ứng dữ dội từ các nhà chức trách nếu họ phân tích các mục tiêu xanh của Bắc Kinh.

Lời hứa của Trung Quốc

Trung Quốc đã cam kết rằng năng lượng cung cấp cho Thế vận hội chỉ sử dụng năng lượng gió, thủy điện và năng lượng mặt trời, mặc dù đất nước chủ nhà vẫn phụ thuộc vào than để cung cấp năng lượng cho gần 2/3 nền kinh tế của mình.

Thành phố Trương Gia Khẩu, một trong ba trung tâm Olympic, đã lắp đặt các trang trại điện gió rộng hàng trăm mẫu Anh có thể sản xuất 14 triệu kilowatt điện, tương tự như năng lượng mà Singapore có thể sản xuất.

Các nhà chức trách cũng đã bao phủ các sườn núi bằng các tấm pin mặt trời mà họ cho rằng sẽ tạo ra thêm bảy triệu kilowatt điện.

Ủy ban tổ chức Thế vận hội Bắc Kinh nói với AFP rằng Trung Quốc đã xây dựng một "nhà máy điện chuyên dụng sử dụng năng lượng tạo ra từ các nguồn tái tạo, lưu trữ và truyền đến tất cả các địa điểm". Điều này sẽ đảm bảo cung cấp điện không bị gián đoạn, họ nói.

Tuy nhiên, nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng dựa vào nhiên liệu than hàng thập kỷ, và vẫn đang xây dựng nhiều nhà máy nhiệt điện hơn so với phần còn lại của thế giới cộng lại.

Môi trường khói bụi có ảnh hưởng đến Thế vận hội?


Trong nỗ lực xóa tan bầu trời khói bụi khét tiếng của Bắc Kinh trước Thế vận hội, bếp than ở 25 triệu hộ gia đình ở miền bắc Trung Quốc đã được thay thế bằng gas hoặc điện. Hàng chục nghìn nhà máy cũng bị phạt vì vượt quá giới hạn khí thải. Các nhà máy thép xung quanh Bắc Kinh cũng đã được lệnh cắt giảm một nửa sản lượng.

Theo Bộ Môi trường Trung Quốc, số ngày bị ô nhiễm nặng ở thủ đô Trung Quốc giảm xuống còn 10 ngày vào năm 2020 so với 43 vào năm 2015, nhưng chất lượng không khí của thành phố vẫn thường xuyên vượt quá tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Một đánh giá năm 2015 của Greenpeace cho rằng: "Bài học lớn nhất từ Thế vận hội Olympic 2008 (cũng tại Bắc Kinh)... là nhận thức được rằng việc chỉ chuyển các ngành công nghiệp thải nhiều khói bụi từ Bắc Kinh sang các tỉnh lân cận sẽ không mang lại những cải thiện lâu dài về chất lượng không khí".

Các môn thể thao mùa đông sẽ được tổ chức như thế nào?

Thành phố Bắc Kinh cực kỳ căng thẳng về nguồn cung nước, với 185 mét khối nước mỗi người mỗi năm cho 21 triệu dân, chưa bằng 1/5 lượng nước cung cấp theo tiêu chuẩn của Liên Hợp Quốc.

Các nhà bảo vệ môi trường nói rằng việc quảng bá các môn thể thao mùa đông dựa vào băng và tuyết nhân tạo có thể làm trầm trọng thêm thảm họa về nước.

Carmen de Jong, đến từ Đại học Strasbourg, cho biết: "Để tổ chức Thế vận hội ở một địa điểm hoặc khu vực không có tuyết (như Trung Quốc) là không bền vững vì nó sử dụng nhiều nước và năng lượng, làm hỏng đất và gây xói mòn. Việc một đất nước tổ chức các sự kiện không dựa trên nguồn lực chính không chỉ là không bền vững mà còn vô trách nhiệm."

Phúc Hà

https://www.saigondautu.com.vn/ho-so/the-van-hoi-xanh-cua-trung-quoc-co-that-su-xanh-100665.html