Thế giới bắt nhịp xu hướng năng lượng tái tạo trong năm 2023

Bước sang năm 2023, thế giới đã bắt đầu chuyển sang xu hướng chuyển đổi năng lượng tái tạo đồng thời tăng cường kiểm soát giá khí đốt đi vào ổn định hơn.
 

Theo hãng Reuters, năm 2022 là một năm đầy thách thức đối với lĩnh vực năng lượng toàn cầu. Cuộc khủng hoảng năng lượng đã ảnh hưởng đến hầu hết các quốc gia trên thế giới trong năm vừa qua.

Xu hướng năng lượng tái tạo trong năm 2023 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters

Bước sang năm 2023, các quốc gia trên thế giới sẽ đi đầu trong xu hướng giảm phụ thuộc nguồn năng lượng và tự chủ hơn trong năng lượng tái tạo. Năng lượng tái tạo đã nổi lên như một trong những giải pháp kịp thời nhất cho những thách thức này. Tại Mỹ, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc phục hồi lưới điện và truyền tải năng lượng liên bang.

"Ngay cả khi không có sự gia tăng hỗ trợ chính sách và không đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 thì đến năm 2050, khoảng 56% sản lượng điện vẫn có thể được cung cấp bởi năng lượng mặt trời và gió", báo cáo triển vọng năng lượng năm 2020 cho biết. 

Điện được sản xuất bằng năng lượng tái tạo đang trở nên cạnh tranh hơn bao giờ hết. Trong nhiều trường hợp, các doanh nghiệp bắt đầu bổ sung năng lượng tái tạo trong nguồn dự trữ năng lượng của quốc gia và được đánh giá là vừa hiệu quả về chi phí vừa đáp ứng mục tiêu thân thiện với môi trường. Vậy, đâu là xu hướng phát triển mà chúng ta nhìn thấy đối với năng lượng tái tạo trong năm 2023?

Với vai trò ngày càng gia tăng của AI trên khắp các lĩnh vực và sự tăng trưởng liên tục của thị trường xe điện (EV), năng lượng tái tạo đang ngày càng trở nên phổ biến trong cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Sử dụng Trí tuệ nhân tạo rộng rãi hơn

Một trong những xu hướng thú vị nhất trong lĩnh vực năng lượng là vai trò của trí tuệ nhân tạo (AI). Tuy nhiên, AI hiện chưa được sử dụng đúng mức trong toàn ngành. 

Theo báo cáo của WEF, việc triển khai AI có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu, chẳng hạn như "tối ưu hóa và tích hợp hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo" đối với lưới điện nhằm hỗ trợ hệ thống phân phối điện chủ động, mở ra các nguồn doanh thu mới đáp ứng nhu cầu linh hoạt.

Tuy nhiên, có những chi phí đáng kể trong việc hiệu chỉnh lại các hệ thống cũng như các phương pháp kinh doanh hỗ trợ AI. Theo các chuyên gia, để đảm bảo tương lai đáng tin cậy và chi phí thấp hơn cho năng lượng đòi hỏi phải tăng tốc áp dụng AI. Và để làm được điều này, thế giới đòi hỏi sự hợp tác ngày càng gia tăng giữa các bên liên quan trong toàn hệ sinh thái và đầu tư nhiều hơn vào các giải pháp sáng tạo.

Lưu trữ năng lượng đóng vị trí trung tâm

Sáng kiến toàn cầu hướng tới năng lượng tái tạo đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy việc áp dụng các giải pháp lưu trữ pin. Vào năm 2023 và trong những năm tới, cả công nghệ lưu trữ pin ngắn hạn và dài hạn sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng. Trong thời gian tới, bộ lưu trữ sẽ trở thành một phần không thể thiếu của lưới điện. Gần đây, những tiến bộ trong AI đã mang lại những đổi mới trong bộ lưu trữ pin mà cách đây vài năm thế giới không thể tưởng tượng được.

Khả năng lưu trữ pin liên quan mật thiết đến thị trường xe điện (EV). Ngày nay, có khoảng 16,5 triệu xe điện đang lưu thông trên đường và đến năm 2050, con số này được dự báo sẽ tăng lên 836 triệu xe điện. Mặc dù có những cải tiến đáng kể về hiệu suất và chi phí lưu trữ năng lượng giảm hơn nhưng trong nhiều trường hợp, mức tăng trưởng này sẽ vượt qua tốc độ nâng cấp cần thiết cho cơ sở hạ tầng tiện ích.

Thiết bị cung cấp điện cho dòng xe điện hay còn gọi là EVSE được xem là một giao thức giúp an toàn cho người lái xe và xe điện trong quá trình sạc. Những trạm sạc sẽ trở thành một phần không thể thiếu của hệ thống lưới điện toàn cầu trong bối cảnh nguồn cung cấp điện ngày càng trở nên phi tập trung hơn.

Hy vọng trong năm 2023

Các vấn đề về chuỗi cung ứng xuất phát từ các điều kiện kinh tế và địa chính trị đã gây ra gián đoạn đáng kể cho quá trình phát triển năng lượng tái tạo vào năm 2022. Mặc dù vậy, công suất năng lượng mặt trời toàn cầu vẫn tiếp tục tăng và dự kiến sẽ vượt qua mức 1 terawatt phát điện vào năm 2023. Việc phát triển và xây dựng các tấm quang điện mạnh hơn sẽ đảm bảo chi phí cho năng lượng mặt trời giảm đi. So với các giải pháp thay thế nhiên liệu hóa thạch, năng lượng mặt trời đang gia tăng cạnh tranh nhu cầu sản xuất ở các nước.

Tại Mỹ, chính quyền ông Biden đã đặt mục tiêu giảm 50% ô nhiễm từ khí nhà kính vào năm 2030 so với năm 2005. Mỹ cũng triển khai Tín dụng thuế đầu tư năng lượng mặt trời (ITC), tạo tiền đề cho sự bùng nổ đầu tư của khu vực tư nhân vào các công nghệ tái tạo trong toàn bộ hệ sinh thái và đặc biệt là năng lượng mặt trời vào năm 2023.

Bước sang năm 2023, bóng đen của Covid-19 có thể vẫn còn kéo dài và căng thẳng địa chính trị đang gây ra xung đột kinh tế: Tất cả các lĩnh vực đều đang chịu áp lực. Thị trường năng lượng phải đối mặt với vô số bất ổn trong năm tới và hơn thế nữa. Tuy nhiên, chính phủ các nước đang định hướng đảm bảo an ninh năng lượng và các chính sách vẫn tiếp tục tăng cường trên khắp thế giới nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và giúp hạ nhiệt giá năng lượng hơn. Động thái này có thể là chất xúc tác cho công nghệ tái tạo và các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong năm 2023. Tuy nhiên, quá trình khử carbon vẫn được đánh giá là rất phức tạp. Vì vậy, việc tham khảo ý kiến từ các chuyên gia có ý nghĩa quan trọng nhằm cung cấp một lộ trình mạnh mẽ hơn hướng tới quá trình khử carbon hiệu quả trên toàn cầu./.

Hồng Nhung/toquoc.vn

 

Nguồn:https://toquoc.vn/the-gioi-bat-nhip-xu-huong-nang-luong-tai-tao-trong-nam-2023-20230116094531338.htm