Việt Nam có tiềm năng gió lớn nhất khu vực Đông Nam Á
Ưu điểm chính của năng lượng gió ngoài khơi là khả năng tạo ra điện cao hơn vì tốc độ gió trên đại dương thường ổn định hơn và mạnh hơn so với trên đất liền. Một điểm cộng khác là có thể lắp đặt các trang trại gió ngoài khơi trên vùng biển rộng lớn mà ít hoặc không ảnh hưởng đến các khu dân cư.
Là nước nhiệt đới với bờ biển dài hơn 3.200km, tổng diện tích biển khoảng 1 triệu km2, Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng điện gió, đặc biệt điện gió ngoài khơi rất lớn. Theo kết quả khảo sát của chương trình đánh giá về năng lượng cho châu Á của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam có tiềm năng điện gió lớn nhất khu vực Đông Nam Á, ước đạt 513.360MW, lớn gấp 200 lần công suất của Nhà máy Thủy điện Sơn La. Đáng chú ý, trên thế giới, công nghệ năng lượng tái tạo đang phát triển vượt bậc, chi phí công nghệ đang giảm nhanh, các giải pháp công nghệ về truyền tải, lưu trữ điện đang có những tiến bộ mới. Đây là cơ hội tốt để Chính phủ Việt Nam tiếp tục xây dựng chính sách, kế hoạch hiện thực hóa mục tiêu chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh. “Chú trọng phát triển năng lượng xanh, sạch và bền vững, đáp ứng các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu được xác định là mục tiêu then chốt và xuyên suốt trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam. Phát triển điện gió, điện gió ngoài khơi và từng bước hình thành ngành công nghiệp nội địa về lắp đặt, thi công, chế tạo thiết bị nhằm tăng tính tự chủ, giảm giá thành là định hướng lớn của Chính phủ Việt Nam trong những năm sắp tới”-ông Phạm Nguyên Hùng, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Một góc Nhà máy điện gió Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: TRẦN MINH
Cần khung thể chế rõ ràng cho phát triển điện gió
Việc phát triển điện gió ngoài khơi có ý nghĩa lớn vì có thể kết hợp các mục tiêu tăng trưởng kinh tế-xã hội, an ninh năng lượng, công nghiệp hóa với phát thải carbon thấp hướng đến mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Song đối với điện gió ngoài khơi, cơ hội rất nhiều nhưng thách thức cũng rất lớn. Theo ông Bùi Vĩnh Thắng, Giám đốc Quốc gia tại Việt Nam của Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu, để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, Việt Nam cần cả nguồn lực kỹ thuật và nguồn lực tài chính. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các dự án điện gió ngoài khơi, vốn mất rất nhiều thời gian và cần những khoản đầu tư lớn để thiết kế, xây dựng và thương mại hóa. Vì vậy, để bảo đảm tính khả thi cho các dự án điện gió ở Việt Nam, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đều cần một khung thể chế rõ ràng, ổn định; đồng thời đề xuất cần thiết thành lập một Ủy ban điều phối liên bộ, do Bộ Công Thương chủ trì để đẩy nhanh việc giải quyết các vướng mắc trong phát triển điện gió. “Các chính sách và quy định cần được hoạch định khẩn trương, rõ ràng để bảo đảm đạt được mục tiêu 7.000MW điện gió ngoài khơi vào năm 2030 như mục tiêu của dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045”, ông Bùi Vĩnh Thắng cho hay.
Chia sẻ về thách thức trong phát triển điện gió ngoài khơi hiện nay, ông Phạm Nguyên Hùng cho rằng, nguồn điện gió ngoài khơi trong giai đoạn đến năm 2030 vẫn là nguồn điện có chi phí đầu tư xây dựng cao. Bên cạnh đó, phát triển điện gió ngoài khơi đòi hỏi cao về hạ tầng đồng bộ, tăng cường khả năng vận hành của hệ thống và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Với tính phức hợp của dự án điện gió ngoài khơi (gồm cả công trình trên bờ và trên biển), cần thiết phải hoàn thiện các văn bản luật và dưới luật, hoàn chỉnh các quy định về khảo sát dự án, giao khu vực biển, đánh giá tác động môi trường... Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh cho biết, Việt Nam chưa có kinh nghiệm phát triển loại hình nguồn điện gió ngoài khơi do tính chất phức tạp về kỹ thuật và công nghệ, quy trình và thủ tục đầu tư, quy mô đầu tư lớn. Do đó, cần phải có một lộ trình rõ ràng với những bước đi rất cụ thể của từng bộ, ngành hay các bên liên quan để hiện thực hóa các cam kết cũng như các chiến lược và định hướng, mục tiêu cụ thể về phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Trong đó, để thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư từ khu vực tư nhân cho lĩnh vực điện gió và điện gió ngoài khơi, ông Hà Đăng Sơn kiến nghị, cần hoàn thiện khung pháp lý và thể chế để bảo đảm các nguồn vốn đầu tư khi thu hút về sẽ có đầy đủ cơ sở, căn cứ để các bộ, ngành liên quan khẩn trương rà soát cũng như phê duyệt để triển khai kịp tiến độ đặt ra, đặc biệt cho giai đoạn từ nay đến năm 2030.
Vũ Dung/www.qdnd.vn
Nguồn: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/thao-rao-can-phat-trien-dien-gio-ngoai-khoi-717826