Tăng cường huy động nguồn lực tài chính cho quá trình chuyển dịch năng lượng xanh

Chiều 18/4/2023, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng đã có cuộc tiếp và làm việc với Đặc phái viên Liên minh châu Âu (EU) và Đặc phái viên Vương quốc Anh liên quan tới cơ chế Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), tài chính xanh và khuôn khổ pháp lý tài chính.
 

Thứ trưởng Võ Thành Hưng chủ trì cuộc làm việc. Ảnh: Gia Hân

Thứ trưởng Võ Thành Hưng chủ trì cuộc làm việc. Ảnh: Gia Hân

Tham dự cuộc làm việc có ông Tibor Stelbaczky – Cố vấn chính về Ngoại giao Năng lượng, Cơ quan Đối ngoại châu Âu (EEAS), Đặc phái viên của EU về JETP; Ông Chris Taylor – Đặc phái viên của Vương quốc Anh về JETP.

Năm 2022, Chính phủ Việt Nam và Nhóm các đối tác Quốc tế (IPG) đã ký kết thỏa thuận JETP. Thông qua việc ký kết thỏa thuận, Chương trình JETP dự kiến sẽ huy động 15,5 tỷ USD từ nguồn tài chính công và tư nhân trong vòng 3-6 năm để hỗ trợ quá trình chuyển dịch xanh của Việt Nam, góp phần hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Phát biểu mở đầu cuộc làm việc, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng vui mừng chào đón Đoàn công tác đã tới thăm và làm việc tại Bộ Tài chính; đồng thời, bày tỏ cảm ơn phía EU, Vương quốc Anh cùng các nước đối tác đã tạo điều kiện hỗ trợ để Việt Nam tham gia thỏa thuận về chuyển đổi năng lượng xanh.  

Chia sẻ về nguồn hỗ trợ tài chính, Thứ trưởng Võ Thành Hưng cho biết, Việt Nam vừa từ một quốc gia thu nhập thấp mới tham gia vào nhóm các nước thu nhập trung bình thấp và đang bước vào giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong khi đó, phải thực hiện mục tiêu giảm phát thải mạnh mẽ với lộ trình nhanh tương đương hoặc cao hơn mục tiêu của nhiều nước phát triển. Do đó, Việt Nam rất cần có nguồn hỗ trợ thiết thực về mặt tài chính từ các đối tác phát triển. 

Quá trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam là tất yếu, tuy nhiên, theo Thứ trưởng Võ Thành Hưng, phía Việt Nam vẫn cần có lộ trình, bước đi và phương thức thực hiện khả thi, hiệu quả nhằm đảm bảo không làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế đất nước, đặc biệt là lợi ích của doanh nghiệp và người dân trong quá trình chuyển đổi này. Đồng thời, Thứ trưởng khẳng định, nhu cầu đầu tư nhằm đảm bảo an ninh năng lượng cho quốc gia, xử lý các vấn đề biến đổi khí hậu là nguồn đầu tư chính đáng.

Thứ trưởng nhấn mạnh, Bộ Tài chính đang nghiên cứu, thiết lập thị trường tín chỉ cacbon, khuyến khích trồng rừng, giảm phát thải cacbon, khí nhà kính. Trong đó, Bộ Tài chính mong muốn nhận được sự hỗ trợ của EU, Vương quốc Anh và các nước đối tác để thiết lập thị trường này; Khuyến khích các doanh nghiệp nghiên cứu để phát hành trái phiếu xanh.

Ông Tibor Stelbaczky – Cố vấn chính về Ngoại giao Năng lượng, Cơ quan Đối ngoại châu Âu (EEAS), Đặc phái viên của EU về JETP phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Gia Hân

Ông Tibor Stelbaczky – Cố vấn chính về Ngoại giao Năng lượng, Cơ quan Đối ngoại châu Âu (EEAS), Đặc phái viên của EU về JETP phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Gia Hân

Phát triển thị trường trái phiếu xanh là một trong các nhiệm vụ đặt ra tại Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như các nhà tài trợ quốc tế hoàn thiện khung khổ pháp lý về trái phiếu xanh từ cấp Luật đến Nghị định.

Thứ trưởng khẳng định, đối với trái phiếu doanh nghiệp xanh, Bộ Tài chính khuyến khích các doanh nghiệp phát hành để huy động vốn đầu tư cho các dự án có tính chất bảo vệ môi trường. Trong năm 2023, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức tư vấn nước ngoài để hỗ trợ một số doanh nghiệp triển khai phát hành trái phiếu xanh theo thông lệ quốc tế, làm tiền đề để phát triển thị trường trái phiếu xanh trong thời gian tới.

“Bộ Tài chính cam kết sẽ thực hiện đúng trách nhiệm được giao nhằm đóng góp hiệu quả nhất vào quá trình triển khai thỏa thuận hợp tác JETP. Trong quá trình đó, chúng tôi mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, tư vấn của EU, Vương quốc Anh và các nước đối tác về mặt chuyên môn kỹ thuật để hoàn thành việc huy động tài chính cho chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam”, Thứ trưởng Võ Thành Hưng chia sẻ.

Phát biểu cảm ơn sự tiếp đón chu đáo của Bộ Tài chính, ông Tibor Stelbaczky – Cố vấn chính về Ngoại giao Năng lượng, Cơ quan Đối ngoại châu Âu (EEAS), Đặc phái viên của EU về JETP cho biết, phía EU, Vương Quốc Anh và nhóm các nước IPG rất hy vọng được cùng với Việt Nam thúc đẩy các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã đưa ra, nhất là các cam kết tại COP26.

“JETP chính là con đường, là phương tiện để chúng ta có thể triển khai được những cam kết này. Cùng với đó, chúng tôi tin tưởng rằng, trên cơ sở mối quan hệ đối tác này sẽ xây dựng được kế hoạch huy động nguồn lực. Vai trò của nhóm các nhà tài trợ IPG là cung cấp chuyên môn kỹ thuật, cố vấn hỗ trợ, nguồn lực để giúp Việt Nam chuyển đổi năng lượng sạch”, ông Tibor Stelbaczky bày tỏ.

Ông Chris Taylor – Đặc phái viên của Vương quốc Anh về JETP phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Gia Hân

Ông Chris Taylor – Đặc phái viên của Vương quốc Anh về JETP phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Gia Hân

Bên cạnh đó, Đặc phái viên của EU thông tin thêm, Chính phủ Việt Nam đã cam kết sẽ nhanh chóng thành lập Ban Thư ký của chương trình JETP và bắt đầu đi vào vận hành cuối tháng 4 này. “Chúng tôi cho rằng, Bộ Tài chính có một vai trò quan trọng trong quá trình hoạt động, vận hành của Ban Thư ký này”, ông Tibor Stelbaczky cho hay.

Tại cuộc làm việc, ông Chris Taylor – Đặc phái viên của Vương quốc Anh về JETP nhấn mạnh: “Chắc chắn, chúng ta sẽ phải có sự phân tích cụ thể về vấn đề chi phí tài chính về các cấu phần, giai đoạn sử dụng cũng như dự kiến các nguồn tài chính, chính sách... nhằm đảm bảo hiệu quả và sự tối ưu nhất về chi phí đối với Việt Nam.”

Gia Hân/tapchitaichinh.vn

Nguồn: https://tapchitaichinh.vn/tang-cuong-huy-dong-nguon-luc-tai-chinh-cho-qua-trinh-chuyen-dich-nang-luong-xanh.html