'Tầm nhìn gần' của chính sách ưu đãi điện mặt trời áp mái

Bộ Công thương chỉ khuyến khích điện mặt trời mái nhà tự dùng tại công sở, nhà ở, mà không được thực hiện trên các công trình khác như trường học, bệnh viện, khu công nghiệp, khách sạn. Đó là quan điểm của Bộ Công thương, cho thấy 'tầm nhìn gần' về một chính sách lẽ ra phải được khuyến khích rộng rãi hơn...
 

Sao không thể mở rộng đối tượng?

Cuối tháng 6/2023, Bộ Công thương báo cáo Thủ tướng Phạm Minh Chính về dự thảo cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà lắp tại nhà ở, công sở, trụ sở doanh nghiệp (DN) để tự sử dụng, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác. Đây là bước đi được Bộ Công thương đề xuất nhằm từng bước thực hiện Quy hoạch điện VIII khi yêu cầu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở, 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu (tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia), với mục tiêu đạt 2.600MW điện mặt trời mái nhà theo quy hoạch này.

Trong dự thảo, Bộ Công thương đề xuất người dân, DN lắp điện mặt trời mái nhà tại nhà ở, trụ sở làm việc sẽ được miễn giấy phép hoạt động điện lực, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh điện; được miễn hoặc giảm các loại thuế, phí và được vay vốn với lãi suất ưu đãi. Các công sở thuộc cơ quan hành chính sự nghiệp, bộ, ngành sẽ được ngân sách ưu tiên bố trí vốn khi lắp đặt loại năng lượng này cho mục đích tự dùng tại chỗ.

Điều gây chú ý là riêng cơ chế lắp điện mặt trời tự dùng tại các nhà máy, xưởng sản xuất, bệnh viện, chưa được Bộ Công thương đưa vào chương trình. Lý giải về vấn đề này, Bộ Công thương cho biết trước mắt chỉ khuyến khích phát triển loại nguồn điện tại gia đình, trụ sở công sở, DN theo hình thức tự dùng với công suất phù hợp, không ảnh hưởng nhiều tới vận hành hệ thống điện. Còn cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà tại nhà xưởng, nhà máy, trường học, bệnh viện, khu công nghiệp (KCN)... với quy mô lớn phải cần thời gian nghiên cứu, thẩm định. Việc hạn chế này nhằm kiểm soát công suất phù hợp hệ thống, đề phòng phát triển ồ ạt, gây áp lực lên lưới điện.

Ngoài ra, chỉ cần khoảng 12,5% nhà dân trên cả nước lắp mỗi gia đình 1kW trong năm 2023 là đã hoàn thành mục tiêu tăng thêm về điện mặt trời mái nhà cho cả kỳ quy hoạch (2021 - 2030) được đặt ra. Bộ Công thương kiến nghị cho phép điện mặt trời mái nhà để tự sản, tự tiêu, tự sử dụng được liên kết với lưới điện (đấu nối sau công-tơ mua điện) nhưng không phát điện lên lưới. Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành cơ chế khuyến khích này.

Tuy nhiên, các bộ, ngành đề nghị mở rộng thêm phạm vi lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu, nhưng Bộ Công thương lại nói "không". Nhiều ý kiến của các chuyên gia ngành điện đề nghị không nên "gói" trong cơ chế chỉ khuyến khích làm điện mái nhà ở, công sở, trụ sở DN mà nên có cơ chế khuyến khích lắp điện mái cho các công trình khác đang hoạt động dịch vụ và sản xuất, có mức tiêu thụ năng lượng lớn như trường học, bệnh viện, khách sạn, KCN..., vì đây là nguồn điện sạch bổ sung rất lớn. Đặc biệt, đối với các DN trong các KCN, rất nhiều nơi đang cần lắp điện mặt trời để có chứng chỉ xanh, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của một số thị trường nhập khẩu lại không có trong cơ chế khuyến khích lắp đặt điện mặt trời áp mái tự sản, tự tiêu; thậm chí các dịch vụ khách sạn cũng cần đáp ứng chuẩn xanh, đáp ứng lựa chọn của các khách hàng lớn.


Hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp trên nóc một trụ sở doanh nghiệp tại TPHCM. Ảnh: EVNHCM

Thực tế, các DN có nhà máy ở các KCN hay trường học đa số có mặt bằng lớn, có thể thu về nguồn điện tái tạo cao, giúp giảm chi phí năng lượng, giảm tải cho hệ thống điện quốc gia. Hơn nữa, nguồn năng lượng tái tạo này chỉ mục đích phục vụ tại chỗ, không phát lên lưới thì không đe dọa khả năng truyền tải, nhưng giải quyết rất lớn tình trạng thiếu điện vào mùa cao điểm. Do vậy, việc bỏ các đối tượng cần "xanh" ngoài cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tự sản, tự tiêu là chưa phù hợp với thực tế. Hậu quả, nước ta rất khó đạt được mục tiêu phát triển nguồn năng lượng sạch, giảm phát thải và tham gia vào chiến lược phát triển năng lượng xanh của đất nước.

Chính sách ưu đãi chưa hấp dẫn

Phản hồi về những góp ý này, Bộ Công thương dẫn chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, cho biết cơ chế khuyến khích trong dự thảo lần này chỉ áp dụng với điện mặt trời mái nhà lắp tại nhà ở, cơ quan công sở. Việc mở rộng đối tượng sẽ được nghiên cứu trong các quy định sau này, cho thấy "tầm nhìn gần" của chính sách được xem là chiến lược quốc gia, để hy vọng đạt Net zero vào năm 2050 như cam kết tại COP26.

Về chính sách khuyến khích làm điện mặt trời mái nhà tự tiêu mà Bộ Công thương đưa ra ở hộ gia đình, công sở, vẫn còn rất chung chung, chưa hấp dẫn, chưa thu hút đầu tư. Do vậy, Bộ Kế hoạch - Đầu tư góp ý: "Cần đặt ra mục tiêu cụ thể, được lượng hóa trong từng giai đoạn cùng với các cơ chế, chính sách cần cho phép nhà đầu tư hợp tác với người dân, tổ chức sở hữu, sử dụng nhà, tòa nhà, công sở để lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu theo thỏa thuận giữa hai bên; Nhà nước cần xóa chính sách thuế và phí cụ thể".

Nói như Bộ Công thương, chỉ cần khoảng 12,5% nhà dân trên cả nước lắp mỗi gia đình 1kW trong năm 2023 là đã hoàn thành mục tiêu tăng thêm về điện mặt trời mái nhà cho cả kỳ quy hoạch (2021 - 2030) được đặt ra, nhưng để đạt mục tiêu đó, các hộ dân được hỗ trợ về tài chính, chính sách như thế nào? Điều này rất quan trọng. TPHCM là nơi phát triển mạnh hệ thống điện mặt trời mái nhà với 14.150 hệ thống đang vận hành, tổng công suất 355MW, chiếm khoảng 7% công suất trung bình toàn hệ thống điện. Hệ thống này mỗi năm phát lên lưới khoảng 300.000kWh điện. Nhưng từ đầu 2021 đến nay, phát triển điện mái nhà tại TPHCM tạm dừng để chờ cơ chế, chính sách mới của Chính phủ. Vì vậy, đến nay người dân không muốn lắp đặt điện mặt trời mái nhà nữa vì chính sách chưa rõ ràng, chưa hấp dẫn.

Kinh nghiệm các quốc gia "xanh hóa" nguồn điện cho thấy cần những chính sách rõ ràng. Australia là nước xuất khẩu than lớn thứ hai trên thế giới chỉ sau Indonesia nhưng cũng đã trở thành một cường quốc năng lượng tái tạo. Theo đó, một phần tư số ngôi nhà có lắp pin mặt trời trên mái - tỷ lệ lớn hơn bất kỳ nền kinh tế lớn nào khác và vượt xa mức trung bình toàn cầu. Còn ở Queensland và New South Wales, có tới một nửa số nhà có tấm pin mặt trời. Để làm được điều đó, các bang của Australia đưa ra các chính sách riêng, khuyến khích chủ nhà lắp pin mặt trời và mua pin lưu trữ năng lượng. Các nước như Đan Mạch, Hà Lan, Na Uy... phát triển rất nhanh về năng lượng tái tạo cũng nhờ các chính sách của Nhà nước khuyến khích, ưu đãi cho các hộ gia đình đầu tư...

Còn ở nước ta? Sau khi Việt Nam ký cam kết Net zero, hô hào, kêu gọi người dân lắp điện mặt trời áp mái, cho đến nay vẫn chưa có chính sách ưu đãi nào. Nên nhớ rằng sau khi ký cam cam kết COP26, nhiều quốc gia đã và đang giúp đỡ, tài trợ cho Việt Nam thực hiện cam kết. Muốn nhận được tài trợ từ các nguồn này, Việt Nam cần có những chương trình "xanh hóa" nguồn điện, mà chủ trương cho phép hộ dân lắp điện mặt trời áp mái hoàn toàn có thể biến thành một chương trình rộng lớn hơn, không chỉ Nhà nước mà người dân còn hưởng lợi lớn. Cũng có thể hoàn toàn mở rộng chương trình này, cho phép lắp đặt điện áp mái các KCN, nhà xưởng, nhà máy, trường học, bệnh viện... để tăng công suất, đón đầu.

JETP sẽ huy động 15,5 tỷ USD trong quá trình chuyển đổi xanh cho Việt Nam

Ngày 14/12/2022, các nhà lãnh đạo Việt Nam và nhóm Đối tác Quốc tế (IPG) bao gồm Liên minh Châu Âu (EU), Vương quốc Anh, Pháp, Đức, Hoa Kỳ, Italy, Canada, Nhật Bản, Na Uy và Đan Mạch đã ký kết thỏa thuận Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Bình đẳng (JETP). Thỏa thuận đối tác này sẽ giúp Việt Nam hiện thực mục tiêu đầy tham vọng Cân bằng phát thải vào năm 2050 (Net zero) đẩy nhanh quá trình đạt đỉnh phát thải khí nhà kính và chuyển dịch từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch. Trước mắt, JETP sẽ huy động 15,5 tỷ USD nguồn tài chính từ khối tư nhân và chính phủ trong 3 đến năm 5 tới để hỗ trợ quá trình chuyển dịch xanh của Việt Nam.


VĨNH HY/congan.com.vn

Nguồn: https://congan.com.vn/an-ninh-kinh-te/tam-nhin-gan-cua-chinh-sach-uu-dai-dien-mat-troi-ap-mai_150639.html