Chuyến hàng module thiết bị điện phân đầu tiên của Lilama lên đường sang Saudi Arabia vào ngày 5/12/2023
“Hạ cánh” ở siêu đô thị 500 tỷ USD
Ngày 5/12/2023, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) làm lễ bàn giao chuyến hàng đầu tiên là 4 module thiết bị điện phân (chứa trong 100 container) lên đường sang Saudi Arabia.
Đây là 4 trong tổng số 110 module theo hợp đồng mà Lilama đã ký với Thyssenkrupp Nucera với nhiệm vụ hoàn tất công việc chế tạo, tổ hợp và nghiệm thu, đóng gói, sau đó xuất khẩu sang Saudi Arabia. Các module này nằm trong Dự án Hydro xanh lớn nhất thế giới, phục vụ nhu cầu năng lượng của siêu đô thị Neom tại Saudi Arabia và xuất khẩu.
Có ngân sách khổng lồ lên tới 500 tỷ USD, Neom - thành phố tương lai được xem là thiên đường nghỉ dưỡng và trung tâm công nghệ toàn cầu - do Thái tử Mohammed bin Salman lên kế hoạch và đã được giới thiệu ra toàn cầu từ năm 2017. Neom cũng là nhân tố chính trong kế hoạch Tầm nhìn 2030 của Saudi Arabia được khởi động từ năm 2016 nhằm đa dạng hóa nền kinh tế, tránh phụ thuộc vào dầu mỏ của quốc gia này.
Với vị trí chiến lược nằm trên Biển Đỏ, nơi gần 13% hàng hóa thương mại của thế giới đi qua và khả năng tiếp cận 40% dân số toàn cầu chỉ với một chuyến bay 6 tiếng, Neom được thiết kế để có khả năng trở thành một cửa ngõ toàn cầu cho thương mại quốc tế.
Các nhà quy hoạch cho biết, thành phố này sẽ chạy hoàn toàn bằng năng lượng tái tạo, 95% cảnh quan và biển xung quanh sẽ được “bảo vệ cho thiên nhiên”. Cùng với các công trình mới dạng siêu tưởng, Neom kỳ vọng sẽ thu hút khoảng 100 triệu lượt du khách tới thăm hằng năm.
Để thực hiện “giấc mơ” năng lượng xanh tại Neom, Dự án Hydro xanh lớn nhất thế giới có tổng mức đầu tư lên tới hơn 8 tỷ USD, sử dụng 100% nguồn năng lượng tái tạo từ điện gió và điện mặt trời để cung cấp tới 600 tấn hydro xanh mỗi ngày nhằm thay thế các nguồn năng lượng hóa thạch và giảm mức phát thải CO2 toàn cầu.
Là một trong những doanh nghiệp tham gia triển khai Dự án Hydro xanh khổng lồ trên, Air Products đã trao cho Thyssenkrupp hợp đồng cung cấp Nhà máy Điện phân công suất hơn 2 GW.
Có quan hệ với Thyssenkrupp ở một số dự án trước đó, đặc biệt là tại Dự án Nhà máy sản xuất phân bón A/U ở Brunei trong vai trò nhà thầu thực hiện gia công chế tạo và lắp đặt thiết bị cơ khí, Lilama đã được Thyssenkrupp lựa chọn hợp tác để thực hiện dự án tại Neom.
Mỗi module điện phân được tổ hợp tại Lilama có chiều dài 55 m, rộng 5 m, cao 8 m, trọng lượng khoảng 200 tấn với hàng ngàn thiết bị được kết nối với nhau, khi đưa vào vận hành sẽ tiêu thụ 20 MW điện năng lượng tái tạo để tạo ra trung bình khoảng 6 tấn hydro xanh/ngày. Nhiên liệu hydro xanh từ dự án tại Neom sẽ được cung cấp cho các phương tiện giao thông vận tải và các nhà máy công nghiệp nặng, góp phần giảm phát thải CO2 ở mức 5 triệu tấn mỗi năm.
Đây không phải lần đầu tiên, Lilama tham gia ngành năng lượng xanh. Trước đó, Lilama và doanh nghiệp phát triển công nghệ hydro xanh hàng đầu thế giới là Thyssenkrupp Nucera cũng đã hoàn thành việc thiết kế, mua sắm, chế tạo và tổ hợp 2 module điện phân 20 MW cho Nhà máy Hydro xanh tại bang Arizona (Mỹ).
Dự kiến, Lilama và Thyssenkrupp Nucera sẽ hoàn thành việc cung cấp các module điện phân cho Dự án Hydro xanh tại Neom vào quý III/2025; đồng thời sẽ cùng nhau triển khai các dự án hydro xanh tiếp theo cho thị trường châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Đông.
Ông Lê Văn Tuấn, Tổng giám đốc Lilama cho hay, với sự hợp tác cùng Thyssenkrupp, Lilama đã nhanh chóng tham gia chuỗi cung cấp dây chuyền sản xuất hydro xanh toàn cầu, góp phần thực hiện mục tiêu net zero.
Đây cũng là một trong những bước đi thành công trong chiến lược chuyển đổi định hướng kinh doanh của Lilama theo xu thế chuyển dịch năng lượng toàn cầu, hướng đến các nguồn năng lượng xanh và bền vững, không phát thải CO2.
Ông Tuấn chia sẻ, để có thể tham gia những lĩnh vực mới của thế giới như các dự án sản xuất hydro xanh nói trên, Lilama đã luôn nỗ lực làm tốt những công việc mà mình được nhận. Từ đó, có cơ hội nhận được nhiều hợp đồng hơn, nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu của các đối tác khó tính và bước lên các bậc thang cao hơn trong chuỗi sản xuất.
“Tham vọng qua một vài dự án sẽ nắm bắt được cả hệ thống, trở thành ‘cây to’, khiến người khác phải ngả mũ rất đáng trân trọng, nhưng để thực hiện được thì không hề đơn giản, nhất là với những doanh nghiệp không đến từ các quốc gia nắm giữ công nghệ nguồn, công nghệ lõi. Điều may mắn với chúng tôi là có nhiều công trình để giữ chân những nhân lực có tay nghề chuyên môn cao”, lãnh đạo Lilama chia sẻ.
Dấu ấn với điện gió ngoài khơi
Không riêng Lilama, Tổng công ty Dịch vụ Kỹ thuật dầu khí (PTSC) cũng rất thấu hiểu việc phải giành được nhiều hợp đồng để giữ chân nhân lực có trình độ cao.
Ông Lê Mạnh Cường, Tổng giám đốc PTSC chia sẻ, các thợ hàn Việt Nam được đánh giá cao tại Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc. Ở Vũng Tàu, đã có những công ty chuyên tuyển dụng nhân sự ngành cơ khí chế tạo chất lượng cao cho Hàn Quốc với mức lương rất tốt.
Bởi vậy, chiến thắng của PTSC tại một số gói thầu chế tạo cho ngành điện gió ngoài khơi gần đây mang ý nghĩa rất quan trọng, khi vừa giữ chân được nhân lực có trình độ chuyên môn cao, vừa mở ra những cơ hội mới cho doanh nghiệp. Cũng từ năm 2021, năng lượng tái tạo trở thành một trong những ngành nghề kinh doanh chính của PTSC.
Ông Cường cho biết, PTSC đang chế tạo và cung cấp 33 kết cấu móng chân đế hút chân không cho turbine của trụ điện gió ngoài khơi tại Dự án Greater Changhua CHW2204 Đài Loan (Trung Quốc) với trị giá hợp đồng khoảng 350 triệu USD theo hợp đồng được ký kết với Tập đoàn Orsted (Đan Mạch) hồi tháng 5/2023.
Các cấu kiện này là giải pháp thân thiện với môi trường, sử dụng thiết kế tiên tiến riêng của Orsted. Khi hoàn thành, đây sẽ là một trong những dự án điện gió ngoài khơi lớn nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Để phục vụ Dự án, PTSC đã đầu tư khoảng 500 tỷ đồng để xây dựng khu vực sơn lớn nhất Đông Nam Á, mỗi khu vực sơn cao tương tương tòa nhà 15 tầng, có thể đưa các trụ điện gió vào theo phương thẳng đứng. Sơn trụ điện gió theo phương thẳng đứng và sơn tổng thể sau khi hoàn thiện đảm bảo nước sơn chống chọi được với khí hậu nóng ẩm của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hạn chế sự ăn mòn của gió biển ngoài khơi.
Mỗi trụ điện dùng hết khoảng 12 tấn que hàn và việc hàn các tấm thép dày gần 30 mm đòi hỏi thợ phải có tay nghề rất cao. Ước tính, Dự án sử dụng 70.000 tấn thép. Đến nay, đã có 131 nhà cung ứng nằm trong chuỗi cung ứng dịch vụ ở Việt Nam tham gia, chưa kể các nhà cung cấp vật tư. Đặc biệt, hàng ngàn việc làm mới được tạo ra từ dự án này.
Trước đó, PTSC đã thắng thầu quốc tế tại gói thầu chế tạo 2 trạm biến áp ngoài khơi (OSS) tại một dự án điện gió ngoài khơi khác ở Đài Loan (Trung Quốc) với quy mô 1.044 MW và gói thầu chế tạo 4 OSS cho dự án điện gió ngoài khơi tại vùng biển Baltic (châu Âu)…
Việc PTSC đặt chân vào lĩnh vực điện gió ngoài khơi đánh dấu sự thay đổi tư duy, chuyển dịch và mở rộng mô hình sản xuất từ đơn chiếc sang sản xuất hàng loạt, quy mô lớn, năng suất cao, chu trình sản xuất theo chuỗi khép kín hoàn toàn khác biệt với dầu khí truyền thống và đưa doanh nghiệp lên một tầm cao mới.
Ở thời điểm hiện nay, PTSC cũng là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam được giấy cấp phép khảo sát biển nhằm phục vụ phát triển dự án điện gió ngoài khơi khi quy mô 2.300 MW để xuất khẩu điện sang Singapore.
Theo Quy hoạch Điện VIII, có khoảng 6.000 MW điện gió ngoài khơi được phát triển đến năm 2030 và đến năm 2050, con số là 70.000 - 91.500 MW.
Tổng giám đốc PTSC cho biết, với công nghệ turbine hiện tại (khoảng 14 MW/turbine), 1 dự án điện gió ngoài khơi có công suất khoảng 1 GW cần đến hơn 70 chân đế, mỗi chân đế có trọng lượng 2.500 - 3.000 tấn. Đây là khối lượng công việc khổng lồ. Do đó, việc xây dựng chuỗi cung ứng nội địa, cung cấp dịch vụ cho các dự án điện gió ngoài khơi rất quan trọng, bởi sẽ mở ra những cơ hội việc làm mới ngay tại Việt Nam trong thời gian tới.
Chia sẻ tại Hội nghị Tổng kết ngành công thương, ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho biết, năm 2023 là năm khó khăn với nhiều ngành sản xuất, trong đó có công nghiệp hỗ trợ. Đơn hàng sụt giảm tại nhiều thị trường chính như châu Âu, Bắc Mỹ, khiến doanh thu bình quân của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ giảm 40%.
Trong bối cảnh thị trường suy giảm, ông Phan Đăng Tuất cho rằng, cần đẩy mạnh kênh xúc tiến để doanh nghiệp trực tiếp ký hợp đồng sản xuất với châu Âu và Bắc Mỹ. Có chính sách để tạo sự liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất cụm chi tiết, giúp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thanh Hương/baodautu.vn
Nguồn: https://baodautu.vn/suc-bat-moi-cua-co-khi-che-tao-voi-nang-luong-xanh-d206317.html