Nhiều đời nay, đồng bào các dân tộc, sống thưa thớt 2 bên bờ, cũng chỉ kịp gùi ít nước của dòng sông này về ăn, uống, sinh hoạt hằng ngày. Thế rồi, bổng một hôm có đoàn khảo sát, thiết kế mang nhiều thiết bị, cứ thế xông thẳng vào rừng, họ ngắm, họ đo, họ khoan, họ ghi chép. Gần 1 năm trời cứ lọ mọ như vậy, có trời mới biết họ làm gì, họ lội dọc theo sông Sê San rậm rạp, đầy nguy hiểm, thời đó bọn FulRo còn nhiều lắm, nếu gặp thì có thể mất mạng. Đêm nằm trên đất nhiễm chất độc màu da cam và vắt nhiều như lá rừng, nhưng có lẽ do say nghề, nên các kỹ sư và công nhân khảo sát thiết kế PECC1, chẳng hề nao núng.
|
Những người khảo sát năm xưa
|
Lúc ra khỏi bìa rừng, nhìn họ bủng beo, hầu như ai cũng bị sốt rét, da xanh, chỉ còn giữ được nụ cười với kết quả khảo sát ưng ý (chắc thế), mặc dù trước khi đến đây họ là những trai tráng.
Sau 1 thời gian ngắn, lãnh đạo 6 tỉnh miền Trung ngồi lại để nghe báo cáo kết quả khảo sát thiết kế, nhiều ý kiến đóng góp rất trách nhiệm, hồ hởi, giống như chuẩn bị cho 1 trận đánh lớn, thống nhất báo lên cấp trên. Đúng là nhanh như điện, ngày 4/11/1993, Bác Sáu Dân (Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc ấy) bay vào chỉ đạo khởi công công trình Thủy điện Ialy.
Hàng ngàn năm nay chưa lần nào vùng đất Tây Nguyên, tập trung nhiều xe, máy, thiết bị thi công nhiều đến thế, tiếng động cơ xe máy, tiếng nổ mìn phá đá suốt ngày đêm vang dội cả vùng rừng núi. Thế rồi đường giao thông rộng, dài, trải nhựa, chắc nụi, chọc sâu vào trong rừng, đồng bào bán cà phê, mủ cao su, mua xe máy, chạy vèo vèo, thật mát mặt. Các cháu được xây trường để học, người bệnh được xây bệnh xá để nằm điều trị, nhiều khu dân cư trở thành thị trấn, buôn bán sầm uất, người dân có đồng ra đồng vào, vui lắm.
Công trường tấp nập, hối hả, người Nga, người Việt làm việc có lúc quên ăn, những thiết bị to nặng khủng lồ được chở đến công trình như máy phát phát điện, máy biến áp nặng hàng trăm tấn, mọi việc được sắp xếp khoa học, tuần tự, gãy gọn, thế rồi các hạng mục lớn như: đập chính xong, cửa nhận nước xong, lắp máy xong, trạm biến áp xong, chạy thử xong, đúng ngày 12/5/2000, phát điện lên lưới, điện chạy khắp cả nước, đồng bào Tây Nguyên nhảy múa, hê hê, vui thế.
Thừa thắng xông lên, được cấp trên cho phép EVN tổ chức thi công tiếp các nhà máy Sê San3, Sê San 4 phía dưới và nhà máy Pleikrong phía trên, gần đây Công ty cổ phần Vĩnh Sơn - Sông Hinh thấy hấp dẫn, cũng góp 1 tay làm nốt nhà máy Thượng Kon Tum và rất nhiều nhà máy thủy điện khác do tư nhân đầu tư, xây dựng.
|
Tuyến năng lượng, nhà máy thủy điện Ialy |
Thế là một khối nước của sông Sê San không còn chảy 1 cách vô trách nhiệm nữa mà phải qua nhiều lần chảy vào máy, gửi lại thế năng của mình chuyển thành điện năng giúp cho dân giàu nước mạnh.
Giàu thật mà, đến nay chỉ riêng 3 nhà máy thủy điện: Ialy, Sê San3, Plei Krông do Công ty Thủy điện Ialy quản lý, vận hành đã phát 100 tỷ kwh điện, tiết kiệm 50 triệu tấn than tương đương, nếu qui ra là 125 nghìn tỷ tiền than (để phát điện bằng than) góp phần giữ giá điện ổn định trong những năm vừa qua, nộp các loại thuế cho địa phương (Gia Lai và Kon Tum) trên 10 nghìn tỷ, là con số mơ ước của các tỉnh không có thủy điện. Nguồn thu này ổn định cho cả 100 năm sau. Về mặt kỹ thuật, nghe lóm mấy anh trong nghề bảo cụm nhà máy này như 1 trụ cầu tải điện Bắc - Nam, ổn định điện áp, tần số, giống như ổn định huyết áp & nhịp đập quả tim, nếu lên xuống thất thường thì dể đi xa, đúng vậy thì quan trọng thật.
Đội ngũ quản lý, vận hành được đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn cao, biên chế gọn nhẹ, Công ty thủy điện Ialy quản lý cả 3 nhà máy, hầu như các hỏng hóc thiết bị đều được kỹ sư công nhân của Công ty tự sửa, ngoài ra còn đi giúp sửa chữa cho các nhà máy bạn. Lượn 1 vòng qua các nhà máy đều thấy sạch, đẹp, gọn gàng, ngăn nắp, người vận hành luôn túc trực bên máy, theo dõi các đồng hồ hiển thị, phát hiện hỏng hóc, xử lý kịp thời.
Cũng phải nói rằng những người làm việc ở đây như những người lính biên phòng, họ canh giữ tài sản, bảo vệ an ninh cho toàn dòng sông, và phải sống giữa núi rừng cả đời cho đến ngày nghỉ hưu. Họ sống thân thiện với đồng bào Tây Nguyên, giúp đỡ người nghèo, dạy các cháu học hành và bất cứ việc gì có thể giúp.
Sau nhiều năm, trở lại dòng sông Sê San, thấy thay đổi nhiều quá. Nhờ các đập ngăn nước nên cả con sông dài hàng trăm km, mặt hồ rộng mênh mông, trông như biển cả nhân tạo giữa núi rừng, luôn đầy nước trong xanh. Với tôi cảnh này thật sự là 1 kỳ quan thiên nhiên, nó tạo độ ẩm quanh năm nên các cánh rừng xanh tươi bốn mùa, 4 công trình thủy điện về đêm thắp điện sáng, như những lâu đài lộng lẫy là biểu tượng của công nghiệp hóa giữa đại ngàn, người dân cũng văn minh hẳn lên, cuộc sống nhộn nhịp hẳn lên.
Dòng sông đẹp lên, cảnh quan đẹp lên, các nhà máy hiện đại, kiến trúc rất đẹp, nguồn thu nhìn con số hàng năm rất đẹp, người dân nơi đây cũng ấm no, hình thành nghề đánh bắt cá trong lòng hồ, toàn cá loại ngon, cá anh vũ, cá lăng (thuộc loại đặc sản) và nhiều người được đào tạo và tuyển dụng vào làm trong các nhà máy, mặc đồng phục đẹp hẵng lên.
Sông Sê San thật sự đẹp ngỡ ngàng, bây giờ là dòng năng lượng, tuyến năng lượng quan trọng của đất nước.