|
Quy hoạch không gian biển mở cơ hội khai thác tiềm năng lớn về năng lượng gió ngoài khơi. (Ảnh minh họa) |
Chủ động tham vấn ý kiến nhiều bên
Tại Hội nghị Trung ương 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong các giải pháp chủ yếu nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách, Chiến lược nêu rõ “khẩn trương xây dựng quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ”.
Sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 24/7/2020 về phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch không gian biển quốc gia. Mục tiêu chung của nhiệm vụ này là: “Bảo đảm khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các tài nguyên biển và hải đảo trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa lợi ích kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế trên các vùng đất ven biển, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời thuộc quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam”.
Lập quy hoạch không gian biển quốc gia là một nhiệm vụ khó và phức tạp, lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam. Do vậy, trong những năm qua đã diễn ra nhiều cuộc thảo luận chính sách, hội thảo tham vấn ý kiến các cơ quan liên quan, chuyên gia, nhà khoa học, quản lý ở các cấp, ngành địa phương đến Trung ương, nhằm tháo gỡ những vướng mắc, đảm bảo chất lượng quy hoạch và tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội. Thực tế này cũng cho thấy chủ đề quy hoạch không gian biển hiện đang thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận trên cả nước, đặc biệt tại các tỉnh, thành có biển.
Gần đây, ngày 5-6/1, tại Quảng Bình, Bộ TN&MT đã phối hợp với UBND tỉnh Quảng Bình, dưới sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP), Đại sứ quán Na Uy tại Hà Nội tổ chức Hội thảo về “Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (sau đây gọi tắt là Quy hoạch vùng bờ).
Theo quy định của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo 2015, vùng bờ là khu vực chuyển tiếp giữa đất liền hoặc đảo với biển, bao gồm vùng biển ven bờ và vùng đất ven biển. Trong đó, vùng biển ven bờ có ranh giới trong là đường mép nước biển thấp nhất trung bình nhiều năm (18,6 năm) và ranh giới ngoài cách đường mép nước biển thấp nhất trung bình nhiều năm với khoảng cách bằng 06 hải lý do Bộ TN&MT xác định và công bố. Vùng đất ven biển bao gồm các xã, phường, thị trấn có biển thuộc 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển.
Đánh giá tổng quan về thực tế xây dựng và hoàn thiện pháp luật, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân cho biết: “Là một quốc gia ven biển có bờ biển dài, nhiều đảo; đứng trước những thách thức về ô nhiễm môi trường, sự suy giảm nguồn lợi và tài nguyên biển và tác động của biến đổi khí hậu, trong những năm qua, Việt Nam đã tích cực xây dựng và triển khai thực hiện chính sách, pháp luật phục vụ công tác quản lý Nhà nước về biển và hải đảo và tăng cường hợp tác quốc tế… Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là loại quy hoạch đa ngành, khó và phức tạp, lần đầu tiên được lập ở Việt Nam theo cách tiếp cận không gian, tổng hợp”.
Mục tiêu của Quy hoạch nhằm phát triển bền vững vùng bờ dựa trên sự nâng cao hiệu quả quản lý và khai thác, sử dụng tài nguyên theo cách tiếp cận quản lý tổng hợp, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; cải thiện sinh kế và mức sống của cộng đồng dân cư ven biển gắn với bảo tồn và phát triển giá trị tự nhiên, sinh thái, văn hóa; giữ vững trật tự xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh.
Kết hợp học hỏi kinh nghiệm quốc tế
Tài nguyên không gian biển là có hạn và việc quản lý chúng đã được nhiều quốc gia có biển coi trọng từ rất sớm. Từ những năm 1970, quy hoạch không gian biển đã được coi là một công cụ quản lý không gian biển quan trọng và hệ thống quy hoạch không gian biển thế giới đã không ngừng được hoàn thiện và phát triển, từ quy hoạch công viên biển ban đầu và phân vùng sinh vật biển đến phân vùng chức năng biển có phối hợp mâu thuẫn giữa việc sử dụng không gian biển.
Theo các chuyên gia, Việt Nam có thể nghiên cứu, học tập từ những thực tiễn tốt và rút ra bài học kinh nghiệm từ các quốc gia biển trên thế giới đã xây dựng thành công các mô hình quy hoạch vùng bờ, đơn cử Vương quốc Anh, Bỉ, Hà Lan, Đức, Na Uy, Hoa Kỳ, Úc và Chile,…
“Na Uy là một trong những quốc gia đầu tiên xây dựng các kế hoạch quản lý vùng bờ và đại dương. Các kế hoạch này được xây dựng và hoàn thiện trong nhiều năm – vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Những vùng biển của Na Uy hiện nằm trong số những vùng biển được quản lý tốt nhất thế giới, với giá trị được tạo ra ở mức cao. Cụ thể là đại dương đóng góp 70% trong tổng doanh thu xuất khẩu của Na Uy”, Phó Đại sứ Mette Moglestue – Đại sứ quán Na Uy chia sẻ trong khuôn khổ hội thảo.
“Kinh nghiệm quản lý tích hợp biển và đại dương của Na Uy cho thấy việc phát triển một nền kinh tế đại dương mạnh mẽ đồng thời với việc đảm bảo môi trường biển sạch và lành mạnh là điều hoàn toàn có thể. Một quy hoạch không gian biển có chất lượng là chìa khóa thành công”, bà Moglestue bổ sung thêm.
“Việc quản lý bền vững các khu vực biển và ven biển là công cụ quan trọng giúp Việt Nam trong phát triển kinh tế biển xanh, thúc đẩy phát triển các ngành mới giúp tăng thu nhập và tạo công ăn việc làm”, ông Patrick Haverman, Phó Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho ý kiến.
“Đặc biệt, quy hoạch vùng bờ và quy hoạch không gian biển mở cơ hội khai thác tiềm năng to lớn về năng lượng gió biển như một nguồn năng lượng tái tạo quan trọng để đạt mục tiêu về khí hậu của Việt Nam. Quy hoạch vùng bờ cũng sẽ giúp đảm bảo phát triển tối ưu và hài hòa giữa các ngành trong khai thác, sử dụng tài nguyên ven biển của Việt Nam, cũng như đảm bảo bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, giữ gìn các giá trị văn hóa, lịch sử, nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu”, ông Haverman khẳng định.