Bộ Công Thương vừa trình Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) lên Chính phủ. Theo các chuyên gia, Quy hoạch điện VIII đã có những điểm mới đó là không ưu tiên phát triển điện than, tập trung phát triển các dự án điện thân thiện với môi trường.
Không ưu tiên điện than
Quá trình xây dựng Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương đã tổ chức các cuộc hội thảo giữa kỳ, cuối kỳ, tiến hành tham vấn cộng đồng về nội dung đề án và đã nhận được hàng nghìn ý kiến của các bộ, ngành, đơn vị liên quan sau khi báo cáo Hội đồng thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án Quy hoạch điện VIII.
Toàn cảnh Nhà máy Điện Cà Mau của PVPower (Petrovietnam) vận hàng khai thác đáp ứng đủ điện cho khu vực. Ảnh: Hoàng Anh
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh (Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam) Hà Đăng Sơn khẳng định: Quy hoạch điện VIII không có chuyện ưu tiên điện than. Tuy nhiên, vấn đề dự án đã phê duyệt cần cơ chế để loại bỏ. Trước đây, Quy hoạch điện VII có loại bỏ một số dự án điện than do có những căn cứ cụ thể. Dự thảo Quy hoạch điện VIII đã ghi rất rõ dự án nào vẫn được triển khai trong điều kiện nào, dự án nào sẽ loại bỏ.
Đồng thời cho rằng, ưu tiên dự án nào rất là khó, bởi ưu nhược điểm khác nhau. Bản Quy hoạch trình tháng 10 vừa rồi bổ sung thêm 2GW điện gió ngoài khơi. Còn 4GW hay 5GW thậm chí 10GW không phải là con số để bốc thuốc, khi quy hoạch đã phải tính toán mô hình, cân đối trong điều kiện thực tế. Nếu xây 10GW xong, mà không có lưới truyền tải thì sẽ không đáp ứng được. Còn truyền tải nếu để cho tư nhân đầu tư phải dựa trên cơ sở khung pháp lý, mức giá...
Tại Hàn Quốc khi làm quy hoạch cũng chỉ đặt mục tiêu phát triển điện gió ngoài khơi có mấy GW. Trong khi họ là quốc gia thuộc diện phát triển cao và có đầy đủ các nền tảng về khoa học công nghệ, luyện kim, công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ, công nghiệp thông minh... cũng như khả năng tài chính mạnh. Nguyên nhân là bản thân Hàn Quốc cũng nhìn nhận phải có những giai đoạn thử nghiệm để xem xét điều chỉnh chính sách phù hợp, đảm bảo đáp ứng tất cả các lợi ích, chứ không phải câu chuyện chỉ vì lợi ích của các nhà đầu tư điện gió.
Độ mở cho phát triển
Đề án quy hoạch điện VIII được xây dựng trên cơ sở 3 quan điểm cốt lõi, gồm: Thứ nhất, phát triển điện lực đi trước một bước nhằm cung cấp đủ điện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu điện cho sinh hoạt của Nhân dân. Thứ hai, phát triển đồng bộ nguồn và lưới; thực hiện đầu tư phát triển điện lực cân đối giữa các vùng, miền trên cơ sở sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng sơ cấp của mỗi vùng miền; không xây dựng thêm các đường dây truyền tải điện liên miền giai đoạn 2021 - 2030; hạn chế tối đa việc xây dựng mới các đường dây tải điện liên miền giai đoạn 2031 - 2045. Thứ ba, tiếp tục xem xét, phát triển thủy điện, năng lượng tái tạo và năng lượng mới (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, điện rác…) với quy mô phù hợp. Xem xét lộ trình giảm các nguồn điện than, phát triển các nguồn điện khí LNG một các hợp lý. Tăng cường nhập khẩu điện trên cơ sở tuân thủ các văn bản ghi nhớ đã cam kết.
Tới thời điểm hiện tại, đã có nhiều biến động lớn trong phát triển điện lực, như việc Quốc hội đã quyết định dừng thực hiện nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận; Chính phủ đã ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, và Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam (chủ yếu do các nhà đầu tư tư nhân thực hiện - là điểm mới so với trước đây khi hầu hết các dự án, công trình điện đều do các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đầu tư); sự phát triển của công nghệ trong sản xuất và truyền tải điện (đặc biệt là công nghệ điện mặt trời, điện gió), dẫn tới khả năng giảm sâu giá thành sản xuất của loại hình nguồn điện này…
Hầu hết các chuyên gia năng lượng đều cho rằng, Quy hoạch điện VIII có nhiều tiến bộ do đã rút ra rất nhiều từ những bài học kinh nghiệm của các quy hoạch điện trước. Ưu điểm là tương đối đồng bộ, toàn diện được soạn thảo tương đối công phu. Song, Quy hoạch điện VIII nên cân nhắc vấn đề thị trường điện cạnh tranh, tránh độc quyền và tăng giá điện sử dụng mệnh lệnh hành chính. Cơ bản, cốt lõi hướng đến thị trường điện cạnh tranh thực sự, hình thành việc cung cầu do thị trường điều tiết. Do đó, kể cả có hay không quy hoạch nhưng phải dựa vào thị trường quyết định, từ giá điện tái tạo, điện mặt trời và điện gió... đã phê duyệt mới bền vững lâu dài.
Rõ ràng, trong tương lai, ngành điện Việt Nam sẽ ngày càng gặp nhiều thách thức lớn hơn trong việc thoả mãn nhu cầu tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống Nhân dân. Do đó, chuyên gia Hà Đăng Sơn đưa ra quan điểm, trong quy hoạch điện không thể “nghiến răng” đưa ra một con số mà chưa biết tính thực tiễn đến đâu. Sửa một luật 5 năm, nếu có nhanh nhất cũng phải mất 3 năm. Quy hoạch điện tận 10 năm, sau đó là tầm nhìn đến 2045. Câu nói của Thủ tướng rất đúng, chính xác: Việt Nam nỗ lực tối đa để thực hiện các cam kết của mình. Tức là các cam kết bằng văn bản thỏa thuận Paris và với sự hỗ trợ mạnh mẽ của quốc tế, nhất là các quốc gia phát triển về vấn đề tài chính và chuyển giao công nghệ hướng tới mục tiêu. Tuy nhiên, có làm được hay không lại nằm trong cam kết mà phải có sự hỗ trợ từ quốc tế. Quy hoạch điện VIII đang có một độ mở để thực hiện được…
https://kinhtedothi.vn/quy-hoach-dien-viii-huong-den-thi-truong-dien-canh-tranh-440308.html