Chiến sự giữa Nga và Ukraine đã đẩy thế giới bước vào một cuộc khủng hoảng năng lượng có chiều sâu và phức tạp chưa từng thấy, trong đó châu Âu là trung tâm. Với hơn 45% nguồn cung năng lượng đến từ Nga, EU đã phải chật vật tìm nguồn cung thay thế, giá cả tăng vọt và lo ngại không thể cung cấp điện cho người dân. Trải qua một năm đầy thử thách, EU đã có một bước chuyển đổi “thần tốc”, cố gắng thoát khỏi sự phụ vào khí đốt của Nga bằng cách đẩy mạnh ngành năng lượng tái tạo. Các chuyên gia nhận định rằng, chiến sự ở Ukraine như “chất xúc tác” đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng của EU.
Theo Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol, khi cuộc xung đột bước sang năm thứ hai sẽ nổi lên sự biến đổi sâu sắc, và cuộc khủng hoảng vẫn chưa kết thúc. Bên cạnh những rủi ro về việc đầu tư quá mức vào cơ sở hạ tầng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), nhiều chuyên gia tin rằng cuộc chiến ở Ukraine đã tạo động lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng. Ông Fatih Birol cho biết, vào tháng 12.2022, chính phủ các nước đã hứa hẹn sẽ biến cuộc khủng hoảng này trở thành một bước chuyển lịch sử và sang một hệ thống năng lượng sạch hơn, giá cả phải chăng hơn và an toàn hơn.
Mong muốn của các quốc gia là tăng cường an ninh năng lượng bằng cách giảm sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu - chủ yếu là nhiên liệu hóa thạch, và thay vào đó được tiếp cận nhiều năng lượng sản xuất trong nước hơn - phần lớn trong số đó có khả năng đến từ năng lượng tái tạo và các nguồn năng lượng phi hóa thạch khác.
Ảnh minh hoạ/ Nguồn: ITN
Từng bước tự chủ năng lượng
Sức ép từ việc thiếu nguồn cung năng lượng từ Nga đã thúc đẩy EU đa dạng hóa nguồn cung và gia tăng tiến trình chuyển đổi xanh trong lĩnh vực năng lượng. Để thay thế khí đốt của Nga nhập qua đường ống, châu Âu tăng nhập khí đốt hóa lỏng (LNG) từ các đối tác khác, nhất là Mỹ trong thời gian qua. Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, từ tháng 1 - tháng 8.2022, tổng lượng khí đốt EU nhập khẩu từ Nga, bao gồm cả LNG, đã giảm 39 tỷ mét khối. Trong cùng thời gian, nguồn cung cấp LNG từ Mỹ tăng gần 80%. Bên cạnh đó, các quốc gia EU cũng không ngừng nỗ lực tự chủ năng lượng thông qua các dự án năng lượng tái tạo và hoàn thiện cơ chế phát triển các nguồn năng lượng xanh.
Theo Bloomberg, một năm trước, châu Âu đã phải chi khoảng 1 tỷ USD mỗi ngày để trả các hoá đơn về khí đốt, dầu mỏ và than đá nhập khẩu từ Nga, và hiện nay châu lục này chỉ còn phải trả một phần rất nhỏ. Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula von der Leyer bày tỏ sự tự hào khi đã dần thoát khỏi sự phụ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch của Nga, và quá trình này diễn ra nhanh hơn so với dự tính ban đầu. Châu Âu đang thúc đẩy đa dạng hóa nguồn cung cấp nhiên liệu hóa thạch và đẩy mạnh đầu tư vào năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời. Việc lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời trên khắp châu Âu đã khiến công suất quang điện đạt 40 gigawatt vào năm 2022, tăng 35% so với năm 2021.
Kế hoạch RepowerEU - kế hoạch nhằm giúp các nước trong Liên minh châu Âu chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga, được đưa vào tháng 5.2022 đã sửa đổi các mục tiêu "Thỏa thuận xanh" về hiệu quả năng lượng từ 9% lên 13% và sử dụng năng lượng tái tạo ( từ 40% lên 45% vào năm 2030. Một quy định cũng đã được thông qua vào tháng 12.2022 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc lắp đặt các trang trại năng lượng mặt trời và gió.
Bên cạnh việc đa dạng hóa nguồn cung, EU cũng nỗ lực đưa ra các phương án điều chỉnh thị trường năng lượng, như chuẩn bị các đề xuất điều chỉnh thị trường theo hướng cố gắng giảm tác động của biến động giá nhiên liệu hóa thạch đối với hóa đơn tiền điện của người tiêu dùng trong khối. EC đưa ra một số lựa chọn để điều chỉnh cách thức bán điện của các nhà máy điện, một phần trong kế hoạch cải tổ thị trường mà EC sẽ đề xuất vào tháng 3 tới. Bên cạnh đó, uỷ ban cũng kêu gọi thêm nhà thầu công tham gia các dự án năng lượng tái tạo. Với những nỗ lực nêu trên, tiến trình tự chủ năng lượng của châu lục này được dự báo sẽ củng cố vững chắc hơn trong những năm tới.
Tiêu thụ giảm ngoài dự đoán
Vào năm 2022, công suất sản xuất năng lượng mặt trời châu Âu đã tăng 25%. Đây là một bước tiến mới khi lần đầu tiên, năng lượng gió và năng lượng mặt trời cùng nhau sản xuất nhiều điện hơn so với khí đốt hoặc than đá. Doanh số bán máy bơm nhiệt (loại thiết bị có thể hoạt động mà không cần nhiên liệu hóa thạch để sưởi ấm) đã tăng gấp đôi ở Ba Lan và Bỉ, đồng thời tăng 56% ở Đức và 50% ở Phần Lan. Doanh số bán xe điện đạt mức cao kỷ lục, chiếm 12% tổng số xe mới. Sự sụt giảm trong tiêu thụ cũng vượt quá mong đợi.
Theo tổ chức tư vấn độc lập Bruegel, nhu cầu khí đốt đã giảm khoảng 12% trong năm, ví dụ ở Hà Lan, đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1972. Từ tháng 10.2022, mức tiêu thụ điện cũng giảm đáng kể ở hầu hết các nước châu Âu, giảm 8,5% trong quý IV. Về giá trị tuyệt đối, Pháp ghi nhận mức giảm lớn nhất trong năm là -22 TWh. Hầu hết các mức giảm này là do nhiệt độ mùa đông ôn hòa hơn bình thường và tác động của giá năng lượng đối với ngân sách hộ gia đình và công nghiệp. Hơn nữa, trong khi lượng khí thải CO2 toàn cầu tăng thêm 1% vào năm 2022, thì lượng khí thải này của EU lại giảm 0,8%. Vào tháng 11, số liệu ghi nhận châu Âu đứng ở mức thấp nhất trong vòng 30 năm trở lại đây. Nhà phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch Lauri Myllyvirta cho biết, nhiều người cho rằng cuộc khủng hoảng nhiên liệu hóa thạch sẽ dẫn đến sự gia tăng lượng khí thải của EU, song thực tế lại hoàn toàn ngược lại. EU đang tăng nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch không phải vì tiêu thụ tăng mà để thay thế nguồn cung cấp của Nga.
Bên cạnh những tín hiệu tích cực, nhiều chuyên gia cũng lo ngại rủi ro về các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng khí đốt tự nhiên hóa lỏng, vốn đã tăng lên gấp bội kể từ khi chiến sự nổ ra, và điều này có thể khiến người dân châu Âu rơi vào tình trạng phụ thuộc mới. Từ tháng 1 - tháng 9.2022, EU đã nhập khẩu LNG nhiều hơn 68% so với cùng kỳ năm 2021, đặc biệt là từ Mỹ, Nga và Qatar, trong đó Pháp là nhà nhập khẩu lớn nhất ở châu Âu. Khoảng 30 cảng nhập khẩu đã được lên kế hoạch và công suất bổ sung 195 tỷ mét khối mỗi năm dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2026. Cơ sở hạ tầng, đặc biệt là thiết bị nổi, có thể được tháo dỡ hoặc chuyển giao cho các nước đang phát triển có nhu cầu. Song, các tổ chức phi chính phủ và các chuyên gia chỉ ra nguy cơ "bế tắc" dài hạn khi EU đặt mục tiêu giảm 35% mức tiêu thụ khí đốt vào năm 2030. Nếu gộp tất cả các dự án đang ở các giai đoạn phát triển khác nhau, sẽ có nguy cơ đầu tư quá mức gây hại cho khí hậu.
Như Ý/daibieunhandan.vn
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/qua-trinh-chuyen-doi-nang-luong-duoc-thuc-day-manh-me-i316980/