“Nghị quyết 98 được Quốc hội thông qua ngày 24/6 và tháng 8 chính thức có hiệu lực. Trong đó, nội dung được Sở Công thương thực hiện thời gian tới, đó là sử dụng các mái nhà của trụ sở công để đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời mái nhà”, đại diện Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết.
Phát triển điện mặt trời trên mái nhà vừa giảm chi phí vừa cung cấp nguồn năng lượng xanh, sạch.
Xu hướng sử dụng năng lượng xanh hiện nay đang là một xu thế trên toàn cầu. TP Hồ Chí Minh đang có tiềm năng về năng lượng mặt trời khá lớn, bên cạnh đó nguồn năng lượng cung cấp cho TP Hồ Chí Minh không đủ nhiều nên thành phố cũng sử dụng năng lượng từ các địa phương lân cận điều phối về.
Trong khi đó, nguồn điện mặt trời từ mái nhà là rất lớn nhưng đang bị bỏ phí. Bởi, khi sử dụng các mái nhà của các cơ quan Nhà nước, trụ sở của các đơn vị sự nghiệp công lập, công ty có vốn Nhà nước… để lắp đặt điện mặt trời, thì khi đó những mái nhà này đã trở thành tài sản công, muốn sử dụng thì phải theo Luật tài sản công. Tuy nhiên, Luật tài sản công thì chưa có định nghĩa việc sử dụng mái nhà tài sản công như thế nào.
Chính vì vậy, nội dung này được đưa vào Nghị quyết 98 là mong đợi của người dân. Việc đầu tư điện mặt trời trên mái nhà các trụ sở công vừa giúp các trụ sở đó tiêu thụ năng lượng vừa giúp tiết kiệm chi phí, góp phần làm giảm áp lực tiêu thụ điện lưới. Đặc biệt, việc phát triển hệ thống năng lượng mặt trời mang ý nghĩa về mặt xã hội và môi trường khi thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng sạch, xanh, góp phần giảm hiệu ứng nhà kính, giảm phát thải khí CO2 và giảm bức xạ nhiệt cho các tòa nhà.
Theo số liệu của Sở Công thương, hiện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, trụ sở do Nhà nước quản lý có diện tích mái nhà là 1 triệu 232 ngàn m2, nếu lắp hết thì mỗi năm có thể sản sinh ra 180 - 200 triệu kWh.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc - Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, Sở Công thương đang chuẩn bị các bước để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong thời gian sắp tới. Mục tiêu là lắp đặt các hệ thống điện mặt trời để sử dụng tại chỗ tự sản tự tiêu và cũng xin một cơ chế để Bộ Công thương xem xét, đó là cơ chế bù trừ để xem là lượng điện sản xuất ra mà còn dư thừa thì có thể có một cơ chế cho các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trong thời gian tới. Sở Công thương hiện đang tập hợp số liệu các trụ sở để cuối tháng 7/2023 sẽ báo cáo UBND thành phố.
Mới đây, ngày 15/5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 500 phê duyệt quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, mục tiêu là đến năm 2030, 50% tòa nhà công sở, nhà dân sẽ sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu.
T.Hà/cand.com.vn
Nguồn: https://cand.com.vn/thi-truong/phat-trien-dien-mat-troi-mai-nha-o-tru-so-cong-i701227/