Phát triển bền vững giao thông xanh

Theo kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, TP. Hồ Chí Minh đưa ra mục tiêu đến năm 2030 giảm 10% phát thải và tiến tới nền kinh tế carbon thấp (phát triển bền vững hoặc giảm phát thải 30% nếu có sự hỗ trợ của quốc tế). Một trong những chương trình của thành phố để giảm khí thải là nghiên cứu các giải pháp thay thế, dùng nhiên liệu sạch cho các phương tiện giao thông, do hoạt động giao thông chiếm tỷ lệ phát thải lớn so với các lĩnh vực còn lại.
 

Góp phần giảm tải ô nhiễm không khí

Tại buổi họp báo của Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 và Phục hồi kinh tế TP. Hồ Chí Minh, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, song song với việc quan trắc chất lượng môi trường, kịp thời cảnh báo chất lượng không khí khu vực ô nhiễm tới người dân; Sở cũng phối hợp với Sở Giao thông Vận tải triển khai các giải pháp cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông, phát triển giao thông công cộng; từng bước sử dụng nhiên liệu “xanh” để giảm mức độ ô nhiễm không khí do hoạt động giao thông gây ra.

Ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam đánh giá, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến phát thải gây ô nhiễm không khí có thể kể đến là hoạt động giao thông. Do đó, việc quản lý lượng khí phát thải nhà kính trong lĩnh vực này là vô cùng cần thiết. Trong chiến lược Phát triển giao thông vận tải của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 cũng đặt ra yêu cầu cơ bản về phát triển giao thông công cộng. Theo đó, khuyến khích việc đầu tư phương tiện vận tải công cộng khối lượng lớn sử dụng năng lượng sạch, ít gây ô nhiễm môi trường như tàu điện ngầm, tàu điện trên cao và xe buýt nhanh…

Ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh cho hay, thành phố có đề án phát triển giao thông công cộng đến năm 2030. Trong đó, mục tiêu là phát triển bền vững, ưu tiên hướng tới sử dụng phương tiện và năng lượng sạch - năng lượng tái tạo. Cụ thể, thành phố sẽ thực hiện chuyển đổi xe buýt chạy bằng diesel sang chạy điện hoặc CNG; xây dựng các chính sách ưu tiên đối với ô tô, xe máy chạy điện; triển khai các dịch vụ xe đạp điện nơi công cộng, hạn chế hoạt động của mô tô và xe gắn máy 2 - 3 bánh…

Thực tế trong 10 năm qua, TP. Hồ Chí Minh phát triển xe buýt sử dụng khí nén thiên nhiên (CNG), chiếm khoảng 20% trên tổng số xe buýt đang hoạt động. Theo quy hoạch, TP. Hồ Chí Minh sẽ có 6 tuyến BRT với tổng chiều dài khoảng 100km và BRT số 1 là tuyến đầu tiên được triển khai. Hiện nay, mạng lưới xe buýt có 126 tuyến với 2.100 xe đang hoạt động. Đến năm 2025, thành phố sẽ mở rộng mạng lưới xe buýt lên 260 tuyến, với 3.000 xe.

TP. Hồ Chí Minh hướng tới phát triển bền vững giao thông xanh. Nguồn: ITN
TP. Hồ Chí Minh hướng tới phát triển bền vững giao thông xanh
Nguồn: ITN

Mở rộng dịch vụ xe đạp công cộng

Cùng với việc phát triển mạng lưới xe buýt, theo Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh, dự kiến đầu năm 2023, dịch vụ xe đạp công cộng sẽ mở rộng ra toàn TP. Hồ Chí Minh, góp phần mang lại lợi ích thiết thực trong bảo vệ môi trường và phát triển giao thông hiện đại.

Được biết, dịch vụ xe đạp công cộng tại TP. Hồ Chí Minh được thí điểm triển khai từ cuối năm 2021, với 500 xe đặt tại 43 vị trí trên địa bàn quận 1, dịch vụ đã được người dân hưởng ứng tích cực. Là đơn vị thực hiện thí điểm xe đạp công cộng tại quận 1, đại diện Tập đoàn Trí Nam chia sẻ, khi mới triển khai, qua 3 tháng, đã có trên 100.000 khách đăng ký sử dụng xe đạp công cộng với hơn 120.000 giờ sử dụng và tổng quãng đường gần 700.000km.

Về lâu dài, để khuyến khích người dân sử dụng xe đạp như một phương tiện thường xuyên, việc mở rộng mô hình xe đạp công cộng sang các quận khác, kết nối hiệu quả với các trạm xe buýt là việc làm cần thiết. Nhiều quận, huyện như Gò Vấp, Phú Nhuận, Nhà Bè... cũng đã gửi danh sách các vị trí dự kiến đặt trạm xe đạp công cộng; Sở Giao thông Vận tải đang nghiên cứu các làn đường dành riêng cho xe đạp để tạo điều kiện cho loại hình này phát triển.

Ngoài ra, theo lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải, thành phố cũng sẽ nghiên cứu triển khai làn đường riêng cho xe đạp để ưu tiên, tạo sự an toàn, thuận lợi cho người sử dụng. Thực hiện chủ trương hướng đến phát triển giao thông xanh nên TP. Hồ Chí Minh luôn khuyến khích, tạo điều kiện cho nhà đầu tư xây dựng mô hình xe công cộng, xe điện và các phương tiện năng lượng sạch. Từ đó, kết nối các đầu mối giao thông, tiến tới mục tiêu hạn chế xe cá nhân, hướng tới xây dựng và phát triển đô thị bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

 
Nguyễn Thúy/daibieunhandan.vn

Nguồn: https://daibieunhandan.vn/moi-truong/phat-trien-ben-vung-giao-thong-xanh-i311526/