Tiền tuyến mới cho an ninh năng lượng của châu Âu là một tòa nhà văn phòng khiêm tốn nhìn ra một vịnh hẹp ở Stavanger, Na Uy. Bên trong, một công ty có tên là Petoro giám sát ba chục mỏ dầu và khí đốt tự nhiên lớn nhất ở châu Âu, trên thềm lục địa giàu dầu mỏ của Na Uy.
Tại vùng biển Na Uy với những giàn khoan ngoài khơi khổng lồ và các giếng sâu hàng nghìn mét dưới mặt nước là nơi giúp châu Âu sưởi ấm nhà cửa và tạo ra điện kể từ khi bắt đầu cuộc chiến của Nga ở Ukraine bắt đầu.
Thành phố Stavanger là trung tâm năng lượng của Na Uy. Ảnh: Thomas Ekstrom/The New York Times.
Khi Nga giảm xuất khẩu khí đốt tự nhiên vào năm ngoái, Na Uy hiện là nhà cung cấp nhiên liệu chính của châu Âu. Na Uy cũng đang cung cấp một lượng dầu lớn hơn cho các nước láng giềng, thay thế dầu của Nga bị cấm vận.
Kristin Fejerskov Kragseth, Giám đốc điều hành của Petoro, một công ty nhà nước quản lý các kho dầu mỏ của Na Uy, cho biết: “Chiến tranh đã định lại bản đồ năng lượng toàn cầu, đồng thời chứng minh rằng năng lượng của Na Uy cực kỳ quan trọng đối với châu Âu.
Là một quốc gia nhỏ có biên giới với Nga, Na Uy không phải là thành viên của Liên minh châu Âu, nhưng nước này rất lắng nghe các nước láng giềng. Sau khi chiến tranh bắt đầu, Brussels và các quốc gia châu Âu, đặc biệt là Đức, vốn phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga, đã nhờ đến sự giúp đỡ của Oslo.
Jonas Gahr Store, Thủ tướng Na Uy, cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “Đóng góp của Na Uy cho châu Âu là duy trì và tăng cường xuất khẩu khí đốt".
Na Uy đã sản xuất một lượng lớn khí đốt, vận chuyển nó qua các đường ống dưới biển đến Bắc Âu. Các công ty năng lượng đã thực hiện các điều chỉnh làm tăng sản lượng khí đốt thay cho dầu mỏ. Kết quả là sản lượng khí đốt đã tăng 8% vào năm ngoái, khiến Na Uy trở thành nguồn cung cấp khoảng 1/3 lượng khí đốt tiêu thụ ở châu Âu.
Na Uy đã gặt hái được những phần thưởng tài chính hậu hĩnh khi cung cấp năng lượng cho châu Âu. Giống như các công ty năng lượng như Shell và BP đã đạt được mức lợi nhuận kỷ lục vào năm ngoái, công ty năng lượng Petoro (Na Uy) đã kiếm được khoảng 50 tỷ đôla vào năm 2022, gần gấp ba lần so với con số vào năm 2021. Không kém cạnh, tập đoàn dầu khí đa quốc gia Equinor (Na Uy) cũng đã báo cáo khoản thu nhập được điều chỉnh kỷ lục là 75 tỷ đôla.
Doanh thu từ dầu khí đã đóng góp 125 tỷ đôla cho nhà nước Na Uy vào năm 2022, theo ước tính của chính phủ - nhiều hơn khoảng 100 tỷ đô la so với năm 2021.
Nhưng liệu lợi nhuận bội thu của ngành công nghiệp Na Uy có tiếp tục hay không lại là một câu hỏi khác. Giá khí đốt ở châu Âu đã giảm trong nhiều tháng và hiện chỉ bằng khoảng 1/8 so với mức đỉnh mà họ đạt được vào mùa hè năm ngoái. Và chiến tranh thực sự có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của lục địa từ khí đốt sang năng lượng tái tạo đang được tiến hành trước cuộc xâm lược.
Na Uy sẽ có thể duy trì dòng khí đốt cao đến châu Âu trong những năm tới. Vào năm 2020, chính phủ nước này đã áp dụng các thay đổi thuế tạm thời để đảm bảo rằng đại dịch không làm ngừng đầu tư vào ngành. Những ưu đãi này đã dẫn đến sự bùng nổ của hoạt động khoan và phát triển mới, trị giá ước tính khoảng 43 tỷ USD.
Aker BP, một công ty dầu khí có trụ sở bên ngoài Oslo, có kế hoạch đầu tư 19 tỷ đôla để tăng sản lượng lên một phần ba vào năm 2028. “Chúng tôi luôn khoan các giếng thăm dò,” Karl Johnny Hersvik, Giám đốc điều hành cho biết.
Theo Mathias Schioldborg, nhà phân tích tại Rystad Energy, một công ty tư vấn có trụ sở tại Na Uy, trong vài năm tới, sản lượng từ những mỏ mới này sẽ đủ để bù đắp sự sụt giảm từ những mỏ cũ hơn. Các kịch bản do chính phủ mô hình hóa cho thấy sản lượng dầu khí ở Na Uy đạt mức cao nhất vào cuối thập kỷ này, sau đó là một sự suy giảm kéo dài.
Tuy nhiên, điều đáng nghi ngờ là Na Uy có thể cung cấp nhiều khí đốt cho châu Âu hay không khi mạng lưới đường ống dẫn khí đốt của Na Uy tới lục địa này có những hạn chế.
Giống như hầu hết các nước châu Âu, Na Uy đã bắt đầu quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch hơn. Ngành công nghiệp dầu khí đang chuyển đầu tư vào các trang trại gió ngoài khơi và tìm cách cắt giảm lượng khí thải từ sản xuất dầu khí bằng cách cung cấp năng lượng cho máy bơm và các thiết bị khác bằng điện thay vì khí đốt hoặc dầu diesel.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này khiến một số người trong ngành lo lắng, họ nghi ngờ rằng các công nghệ tái tạo sẽ không tạo ra đủ việc làm được trả lương cao để duy trì khoảng 6% lực lượng lao động hiện đang làm việc trong lĩnh vực dầu khí.
Hilde-Marit Rysst, lãnh đạo SAFE, một công đoàn đại diện cho 12.000 công nhân năng lượng, cho biết làm việc trên các giàn khoan dầu khí thú vị và bổ ích hơn so với công việc có sẵn trong ngành năng lượng tái tạo.
Ông Sverdrup, Giám đốc Viện các vấn đề quốc tế của Na Uy cho hay: “Để Na Uy có một tương lai, chúng ta phải phù hợp với hệ thống năng lượng tương lai ở châu Âu”.
Lê Na (Theo NY Times)/www.congluan.vn
Nguồn: https://www.congluan.vn/nho-nga-na-uy-thang-lon-tren-thi-truong-nang-luong-chau-au-post242931.html