Theo kiến nghị của các doanh nghiệp, việc đưa các dự án đã có trong Quy hoạch điện hiện hành khỏi Quy hoạch điện VIII đang xây dựng nếu diễn ra sẽ gây hậu quả lớn về kinh tế và uy tín của môi trường đầu tư.
Nguy cơ bị loại khỏi Quy hoạch điện VIII dù chưa triển khai
Theo đó, một số doanh nghiệp đầu tư vào điện mặt trời tại Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đăk Lăk, Long An, Gia Lai vừa gửi thư kiến nghị lên Chính phủ và Bộ Công thương việc sớm ban hành cơ chế phát triển điện mặt trời và cho dự án đã có trong quy hoạch được tiếp tục triển khai với kế hoạch phát điện trong giai đoạn 2021-2025.
Các doanh nghiệp này cho rằng, sau khi có chủ trương của Chính phủ tại Quyết định 11/2017/QĐ-TTg, các nhà đầu tư đã thực hiện các hồ sơ pháp lý để triển khai dự án và đã hỗ trợ địa phương trong công tác chuẩn bị dự án, lập hồ sơ bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực hiện có.
Trong quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư, các nhà đầu tư đã gặp nhiều khó khăn do quá trình thẩm định quy hoạch kéo dài, dẫn tới không kịp hoàn thành dự án trước thời điểm 1/7/2019 để được hưởng giá bán điện ưu đãi.
Các dự án này cũng đã được đề xuất bổ sung vào quy hoạch điện lực và được Bộ Công thương thẩm định xong theo đúng quy trình tại Thông tư 43/2013/TT-BCT. Tiếp đó, các dự án đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về chủ trương bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực tại văn bản 1632/TTg-CN, ngày 20/11/2020.
Nhiều dự án điện mặt trời có nguy cơ bị loại khỏi Quy hoạch điện VIII dù chưa triển khai.
Sau khi có chủ trương này, các nhà đầu tư đã nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật nhưng tới nay vẫn chưa được chấp thuận.
Trước đó, vào đầu tháng 3/2022, UBND tỉnh Nghệ An đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 2 dự án điện mặt trời trên địa bàn. Đó là Dự án Nhà máy điện mặt trời tại khu vực hồ Khe Gỗ (huyện Quỳnh Lưu), công suất 250 MWp, sản lượng điện sản xuất năm đầu tiên là 339,129 triệu KWh, tổng mức đầu tư 4.100 tỷ đồng, sử dụng diện tích đất 303,48 ha thuộc địa bàn vùng lòng hồ Khe Gỗ. Thứ hai là Dự án Nhà máy điện năng lượng mặt trời hồ Vực Mấu (huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai), có diện tích 216,23 ha, công suất 200 MWp, sản lượng điện năm đầu tiên sản xuất là 265,8 triệu KWh, tổng vốn đầu tư 3.700 tỷ đồng.
Được biết, dự án đã được sở, ngành chức năng thẩm định bước 1, gồm hồ sơ pháp lý về năng lực và hiện trạng sử dụng đất. Dự kiến từ tháng 2 đến tháng 12/2022, chủ đầu tư sẽ hoàn tất thủ tục pháp lý đầu tư và khởi công triển khai lắp đặt các hạng mục từ tháng 1/2023, tháng 12/2023 sẽ khánh thành đóng điện và vận hành thương mại.
Ngoài 2 dự án kể trên, khoảng 10 doanh nghiệp muốn làm điện mặt trời tại Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Lắk, Long An, Gia Lai đã vừa cùng ký đơn kiến nghị lên Chính phủ và Bộ Công thương về việc sớm ban hành cơ chế phát triển điện mặt trời và cho dự án đã có trong quy hoạch được tiếp tục triển khai với kế hoạch phát điện trong giai đoạn 2021-2025.
Đây là những doanh nghiệp có dự án nằm trong số 26 dự án điện mặt trời được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung Quy hoạch điện VII điều chỉnh theo đề nghị của Bộ Công thương để triển khai thực hiện theo cơ chế đấu thầu/đấu giá phát triển điện mặt trời được cấp có thẩm quyền ban hành tại Văn bản 1632/TTg-CN, ngày 20/11/2020.
Tuy nhiên điều đáng nói là việc cấp chủ trương cho các dự án điện mặt trời vẫn diễn ra trong thời điểm Bộ Công thương đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương tạm dừng cấp chủ trương đầu tư dự án điện gió, điện mặt trời đã có trong Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia được phê duyệt, nhưng chưa triển khai tính tới ngày 26/1/2022 để chờ kết quả rà soát trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Quy hoạch điện VIII theo chỉ đạo của Chính phủ.
Doanh nghiệp thắc mắc
Liên quan đến vấn đề này, tại thông báo kết luận của Phó thủ tướng Lê Văn Thành trong cuộc họp về tình hình hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngày 26/2/2022 có nhắc tới việc “để đảm bảo hiệu quả của nền kinh tế, đề nghị Thường trực Chính phủ xem xét, đưa ra khỏi quy hoạch 2021-2030 các nguồn điện mặt trời đã có trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh nhưng chưa được triển khai (khoảng 6.500 MW)”.
Theo các doanh nghiệp kiến nghị, nếu so sánh giá điện gió ngoài khơi là 9,8 UScent/kWh, điện sinh khối là 8,47 UScent/kWh thì giá điện mặt trời chỉ có 7,09 UScent/kWh như áp dụng gần đây nhất rõ ràng thấp hơn. Theo xu hướng thế giới, giá điện mặt trời sẽ tiếp tục giảm ngay cả khi có tích hợp thêm hệ thống lưu trữ (20% tổng công suất nhà máy) và vẫn rẻ hơn các nguồn điện tái tạo khác.
Đối với nhận định “chưa được triển khai”, các doanh nghiệp này cũng cho rằng, sau khi được chấp thuận chủ trương bổ sung quy hoạch điện VII điều chỉnh, các chủ đầu tư đã triển khai dự án với các thủ tục và nguồn lực cần thiết như mua đất và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo vị trí, diện tích như quy hoạch…
Hiện các nhà đầu tư đã đề nghị chuẩn thuận chủ trương đầu tư từ tháng 12/2020 nhưng tới nay vẫn chưa được chấp thuận bởi cơ quan đăng ký đầu tư trả lời là chưa có cơ chế.
Bên cạnh đó, căn cứ khoản 3 Điều 4 Luật Quy hoạch 2017 quy định về nguyên tắc cơ bản trong lập quy hoạch “bảo đảm sự tuân thủ, tính liên tục, kế thừa, ổn định, thứ bậc trong hệ thống quy hoạch quốc gia”, các dự án đã được bổ sung vào quy hoạch điện VII điều chỉnh theo văn bản 1632/TTg-CN, ngày 20/11/2020 nhưng do vướng cơ chế nên chưa thực hiện được sẽ vẫn còn phù hợp với quy hoạch.
Lo ngại trước nguy cơ mất hút trong Quy hoạch điện VIII, các doanh nghiệp này cho rằng: “Các chủ đầu tư đã tiến hành đầu tư nhiều chi phí cho nhân sự, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, khảo sát, thiết kế, lập báo cáo nghiên cứu dự án, thỏa thuận tổng thầu, tư vấn và nhiều chi phí khác với kinh phí rất lớn. Vì vậy, nếu dự án không còn trong quy hoạch, chủ đầu tư sẽ thiệt hại toàn bộ các chi phí này”.
Các doanh nghiệp cho rằng, việc đưa các dự án đã có trong Quy hoạch điện hiện hành khỏi Quy hoạch điện VIII đang xây dựng nếu diễn ra sẽ gây hậu quả lớn về kinh tế và uy tín của môi trường đầu tư.
Giảm tiếp công suất điện mặt trời trong Quy hoạch điện VIII
Trong thông báo mới nhất về kết luận của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về tình hình hoàn thiện Quy hoạch điện VIII, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương rà soát nghiên cứu chuyển đổi năng lượng theo hướng sẽ giảm các nhà máy nhiệt điện, giảm quy mô nguồn điện mặt trời, tăng nguồn điện gió ngoài khơi trong Quy hoạch điện VIII cho phù hợp, bảo đảm hiệu quả. Quy hoạch điện mặt trời giai đoạn 2031 -2045 còn quá cao (khoảng 25% trong cơ cấu công suất nguồn điện).
Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát nghiên cứu chuyển đổi năng lượng theo hướng sẽ giảm các nhà máy nhiệt điện, giảm quy mô nguồn điện mặt trời, tăng nguồn điện gió ngoài khơi trong Quy hoạch điện VIII
Dự kiến tới năm 2045, tổng công suất đặt của nguồn điện tăng lên khoảng 25.000MW, chủ yếu là điện gió mặt đất, điện gió ngoài khơi, điện mặt trời và các loại nguồn điện tích năng, lưu trữ…
Đối với các dự án đã được phê duyệt, đã có chủ trương đầu tư đến thời điểm 26/1/2022 và chưa đủ điều kiện áp dụng cơ chế giá bán điện cố định (FIT) theo quyết định 13/2020/QĐ-TTg và quyết định 39/2018/QĐ-TTg, Bộ Công Thương cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chủ đầu tư được đàm phán với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để xác định giá mua bán điện nằm trong khung giá phát điện do Bộ Công Thương ban hành, với quy trình theo quy định.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, đến hết ngày 31/12/2020, có 148 dự án đã được công nhận vận hành thương mại (COD) với tổng công suất 8.652,9 MW. Con số này còn kém xa tổng công suất điện mặt trời đã được bổ sung quy hoạch là 15.400 MW.
Mặc dù không sôi động như giai đoạn 2018-2020, nhưng có thể thấy, nhiều chủ đầu tư vẫn không ngừng kỳ vọng việc sẽ triển khai được dự án điện mặt trời trong giai đoạn tới.
Theo GS.TS Trần Đình Long, Viện Điện lực Việt Nam, ông ủng hộ việc tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo, giảm dần năng lượng gây ảnh hưởng môi trường như nhiệt điện trong Quy hoạch điện VIII. Vì vậy, ý kiến của Phó thủ tướng theo ông là hợp lý vì giảm điện mặt trời nhưng tăng điện gió và đặc biệt tiến đến thay thế chuyển đổi nhiệt điện sang điện khí là tầm nhìn dài hạn đáng lưu ý.
“Ý kiến của Phó thủ tướng nằm trong chiến lược chung mà trước đó, tại Hội nghị Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Thủ tướng đã công bố cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam cam kết giảm phát thải khí carbon đạt mức bằng 0 vào năm 2050. Việc phát triển điện gió hay điện mặt trời đều là năng lượng tái tạo, nên được ưu tiên như nhau”.
Lan Anh
https://kinhtemoitruong.vn/nhieu-vuong-mac-ve-phat-trien-dien-mat-troi-trong-quy-hoach-dien-viii-65447.html