Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã “để ý” cơ hội phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam

Thời gian gần đây, một số nhà đầu tư nước ngoài đã “để ý” tiềm năng và cơ hội phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.
 

Thời gian qua, Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút dòng vốn trong và ngoài nước đầu tư vào ngành năng lượng tái tạo, nhất là điện gió ngoài khơi.

Trong Quy hoạch điện VIII đã đặt ra mục tiêu phát triển 6.000 MW điện gió ngoài khơi đến cuối năm 2030, điều này góp phần thực hiện các mục tiêu quốc gia về đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

nhieu nha dau tu nuoc ngoai da de y co hoi phat trien dien gio ngoai khoi tai viet nam hinh 1
Việt Nam được đánh giá có nhiều triển vọng phát triển điện gió ngoài khơi. (Ảnh: CP)

Đồng thời, việc phát triển điện gió ngoài khơi sẽ đảm bảo an ninh năng lượng mà không phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng để đáp ứng tăng trưởng nhanh và nhu cầu năng lượng tăng cao; thông qua quá trình phát triển sẽ giúp cho chi phí và giá cả loại năng lượng này ngày càng cạnh tranh; mở ra cơ hội xuất khẩu năng lượng tái tạo sang các thị trường khác; hỗ trợ sản xuất các nguồn năng lượng khác như sản xuất hydro;...

Trên thực tế, thời gian gần đây, một số doanh nghiệp nước ngoài đã “để ý” tiềm năng và cơ hội phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.

Mới đây, Copenhagen Infrastructure Partners (CIP), nhà đầu tư và phát triển dự án điện gió ngoài khơi hàng đầu thế giới đến từ Đan Mạch, vừa ký hợp đồng với liên danh PTSC M&C và Semco Maritime, theo đó liên danh này được lựa chọn là nhà cung cấp ưu tiên cho hạng mục trạm biến áp ngoài khơi của dự án điện gió ngoài khơi Fengmiao do CIP phát triển tại Đài Loan.

Trước đó, vào tháng 11 năm 2022, CIP đã ký Biên bản ghi nhớ với PTSC M&C và Semco Maritime trước sự chứng kiến của nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An và Thái tử Đan Mạch. 

Biên bản ghi nhớ thúc đẩy hợp tác trong việc thiết kế, mua sắm và thi công trạm biến áp ngoài khơi cho các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, cũng như phát triển thị trường ra châu Á và quốc tế.

nhieu nha dau tu nuoc ngoai da de y co hoi phat trien dien gio ngoai khoi tai viet nam hinh 2
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã “để ý” cơ hội phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam. (Ảnh: CP)

Đây là nền tảng để CIP mở rộng hợp tác quy mô toàn cầu bằng việc đưa PTSC M&C vào danh sách nhà cung cấp tiềm năng cho dự án tại Đài Loan, Nhật Bản và các thị trường khác.

Ngay sau khi ký kết Biên bản ghi nhớ, vào cuối năm 2022, một số lãnh đạo cấp cao của CIP, bao gồm Giám đốc điều hành Jacob Poulsen, đã đến thăm công trường chế tạo của PTSC M&C tại Vũng Tàu để thảo luận với ban lãnh đạo PTSC M&C về tiềm năng cung cấp trạm biến áp ngoài khơi cho các dự án của CIP tại Việt Nam và trên toàn cầu. 

Ông Stuart Livesey, CEO của Copenhagen Offshore Partners Việt Nam và đại diện của CIP tại Việt Nam, cho biết: “Chúng tôi đã làm việc với các đối tác trong thời gian qua, để có thể cung cấp những trạm biến áp ngoài khơi chất lượng cao tới thị trường quốc tế. Việc ký kết hôm nay chỉ là một phần nhỏ trong rất nhiều cơ hội mà ngành điện gió ngoài khơi có thể mang lại trong việc thúc đẩy chuỗi cung ứng trong nước, tạo cơ hội việc làm và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam”.

Bà Claire Lohan, CEO dự án Fengmiao, chia sẻ: “Việc ký kết hợp đồng lần này góp phần củng cố cam kết của CIP trong việc cung cấp nguồn năng lượng xanh hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng ở Đài Loan, cũng như đảm bảo tiến độ xây dựng các dự án điện gió ngoài khơi. Đội ngũ của chúng tôi ở Đài Loan đánh giá cao phẩm chất và năng lực của các nhà cung cấp Việt Nam như PTSC M&C cho các dự án điện gió ngoài khơi quốc tế”. 

Bà Lohan khẳng định: “Đây là hợp đồng quy mô lớn được ký kết cho dự án Fengmiao, dựa trên năng lực của nhà cung cấp trong khu vực, cụ thể là nhà cung cấp tại Việt Nam”.


Nguyệt Hồ/www.congluan.vn

Nguồn: https://www.congluan.vn/nhieu-nha-dau-tu-nuoc-ngoai-da-de-y-co-hoi-phat-trien-dien-gio-ngoai-khoi-tai-viet-nam-post268345.html