Tại Nghị quyết 55-NQ/TW, ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã xác định các quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ giải pháp lớn về chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam trong thời gian tới.
Xu hướng phát triển năng lượng tái tạo
Phát triển các nguồn năng lượng tái tạo được xem là xu hướng tất yếu trên thế giới hiện nay, khi góp phần quan trọng hạn chế phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, bảo vệ môi trường, cũng như giảm sự phụ thuộc vào các loại nhiên liệu hóa thạch.
Phát triển các nguồn năng lượng tái tạo được xem là xu hướng tất yếu trên thế giới hiện nay. (Ảnh: ITN)
Trong những năm qua, ngành năng lượng trở thành ngành kinh tế năng động, đóng góp một phần rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại nhiều địa phương và đất nước. Theo số liệu tổng hợp, năm 2020 mức tiêu thụ năng lượng quốc gia tăng đáng kể, cơ cấu tiêu thụ năng lượng đang chuyển dịch theo hướng năng lượng hóa.
Trong những năm qua, Việt Nam đã luôn tích cực trong thực hiện các cam kết của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và tích cực tham gia Thỏa thuận chung Paris trong khuôn khổ Công ước chung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 21). Trong đó, một trong những yêu cầu quan trọng mà Việt Nam cần thực hiện khi tham gia là thúc đẩy chuyển dịch năng lượng mạnh mẽ để giảm phát thải khí nhà kính, các quyết định đầu tư và chính sách phải được thực hiện để khử carbon trong lĩnh vực năng lượng.
Theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, tính đến hết ngày 31/12/2020, trong tổng số 69.340 MW công suất lắp đặt nguồn điện toàn quốc, 16.420 MW điện mặt trời (bao gồm 8.673 MW điện mặt trời tập trung và 7.755 MW điện mặt trời mái nhà), 514 MW điện gió, 382,1 MW điện sinh khối, 9,43 MW điện rác. Tổng công suất lắp đặt điện NLTT chiếm hơn 25% tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống.
Kết quả thực tế năm 2019 và 2020, sản lượng điện phát từ nguồn NLTT đạt tương ứng 5,242 tỷ kWh và 10,994 tỷ kWh đã góp phần giảm đáng kể điện chạy dầu giá cao. Nếu so sánh số liệu nguồn điện dầu thực tế được huy động với dự báo của EVN thì điện chạy dầu đã giảm 2,17 tỷ kWh năm 2019 và giảm 4,2 tỷ kWh năm 2020 (tiết kiệm khoảng 10.850 tỷ VNĐ – 21.000 tỷ VNĐ). Các nguồn NLTT đã hỗ trợ tích cực cung cấp nguồn điện cho miền Bắc khi miền Bắc thiếu nguồn, phụ tải tăng cao (như thời gian tháng 5-6 năm 2021), góp phần đảm bảo cung ứng điện cho cả giai đoạn 2021-2025, giảm phát thải khí nhà kính và các phát thải ô nhiễm khác như SOx, NOx, bụi, nhiệt.
Vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia
Hiện nay, xu hướng của thế giới là tăng cường tỷ trọng năng lượng tái tạo, trong đó điện gió, mặt trời, khí hydro sẽ là các nguồn năng lượng trong tương lai. Tuy nhiên, dù muốn hay không, điện than vẫn sẽ đóng vai trò chạy nền quan trọng, thế giới cũng sẽ không thể loại bỏ hoàn toàn điện than trong một sớm một chiều.
Nhiệt điện có vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. (Ảnh: EVN)
Tại Việt Nam, hệ thống năng lượng điện có nhiều điểm khác biệt so với thế giới và mục tiêu đặt ra phải đảm bảo cung ứng đủ phụ tải. Vì vậy, điện than vẫn là loại hình năng lượng quan trọng. Đi cùng với đó, thời gian và chi phí đầu tư hợp lý. Vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa có kinh nghiệm truyền thống. Đặc biệt phù hợp với mô hình phát triển kinh tế của các quốc gia đang phát triển. Trong ngắn hạn từ nay đến 2030, Việt Nam vẫn duy trì tỷ trọng nhiệt điện than ở mức 40% trước khi tìm kiếm được nguồn năng lượng khác thay thế.
Việc chuyển dịch năng lượng từ sử dụng các năng lượng sơ cấp (than, dầu) sang các dạng năng lượng sạch hơn cần phải có lộ trình chuyển đổi, cân đối tỷ lệ các nguồn trong từng thời kỳ và cần phải cân nhắc trên các nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, trong tương lai, điện gió, điện mặt trời, hydro sẽ phát triển mạnh.
Để tồn tại và giữ vững vai trò trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, các nhà máy nhiệt điện cần có công nghệ sản xuất và công nghệ xử lý môi trường hiện đại. Hiện nay, công nghệ sản xuất điện than ngày càng tiên tiến, không còn dùng lò tầng sôi mà chuyển sang lò hơi siêu tới hạn có nhiệt trị rất cao và dùng loại than cám đặc biệt.
Việt Nam đang triển khai những bước đầu của quá trình chuyển đổi từ năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo xanh và sạch hơn. Đây cũng là xu hướng tất yếu giúp đảm bảo cho nền kinh tế phát triển bền vững. Nhưng sự gia tăng của các nguồn điện mới khiến hệ thống phải đối mặt với các thách thức về sự bền vững và ổn định, đòi hỏi sự phối hợp về cả chính sách và công nghệ nhằm đảm bảo nguồn điện đáng tin cậy.
Tạ Nhị/kinhtemoitruong.vn
Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/nhiet-dien-than-trong-tien-trinh-chuyen-doi-nang-luong-74052.html