Bộ trưởng Yasutoshi Nishimura cho biết Nhật Bản muốn phát triển hơn nữa công nghệ hydro vốn đã dẫn đầu thế giới của mình. (Nguồn: Reuters)
Ngày 6/6, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định thực hiện kế hoạch huy động từ khu vực công và tư nhân 15.000 tỷ yen (107 tỷ USD) để đầu tư phát triển nguồn cung hydro trong giai đoạn 15 năm, nhằm thúc đẩy việc sử dụng nhiên liệu hydro và đẩy nhanh quá trình giảm phát thải carbon.
Trong sách trắng năng lượng mới nhất của Nhật Bản được phát hành cùng ngày, hydro được chỉ định là một nguyên liệu chủ chốt để thúc đẩy quá trình khử carbon trong nhiều lĩnh vực.
Theo Chiến lược Hydro Cơ bản sửa đổi, được thông qua tại cuộc họp giữa các bộ trưởng liên quan, Nhật Bản có kế hoạch tăng nguồn cung hydro đạt 3 triệu tấn vào năm 2030 và đạt khoảng 12 triệu tấn vào năm 2040.
Đến năm 2050, nguồn cung hydro của Nhật Bản dự kiến sẽ đạt khoảng 20 triệu tấn, tức là gấp 10 lần so với mức 2 triệu tấn của hiện tại.
Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, Yasutoshi Nishimura, cho biết Nhật Bản muốn phát triển hơn nữa công nghệ hydro vốn đã dẫn đầu thế giới của mình, nhằm mục tiêu xây dựng chuỗi cung ứng hydro ở châu Á và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Thủ tướng Fumio Kishida cho biết chính phủ mong muốn đẩy nhanh việc lập chuỗi cung ứng quốc tế để cung cấp nhiều hydro hơn thông qua hợp tác với Australia, cũng như các nước Trung Đông và châu Á.
Nhật Bản đã xây dựng chiến lược hydro vào năm 2017 trước nhiều quốc gia khác và đang sửa đổi chiến lược này sau khi Mỹ và các quốc gia ở châu Âu phát triển các chiến lược chính sách hydro của mình.
Với mục tiêu mức phát thải khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050, hydro sẽ là động lực chính trong kế hoạch thực hiện quá trình chuyển đổi xanh tại Nhật Bản, còn được gọi là "GX," một sáng kiến nhằm chuyển đổi nền kinh tế dựa trên nhiên liệu hóa thạch hiện tại thành nền kinh tế tập trung vào năng lượng sạch hơn.
Thông qua việc triển khai chiến lược đến năm 2040, chính phủ hy vọng các công ty sẽ được khuyến khích tham gia tích cực hơn vào các sáng kiến hydro, với mục đích đến năm 2030, hiện thực hóa việc thương mại hóa hoạt động phát điện bằng nhiên liệu hydro.
Vì hydro không thải ra carbon dioxide hoặc các loại khí nhà kính khác khi đốt cháy, nên ngành điện có thể cắt giảm đáng kể lượng phát thải tại các nhà máy nhiệt điện bằng cách trộn hydro với khí đốt tự nhiên hoặc đốt hydro làm nhiên liệu.
Hydro cũng có thể được sử dụng trong tái chế carbon - với phương pháp sản xuất methanol tái tạo từ CO2 và hydro có thể được sử dụng làm nhiên liệu và hóa chất bền vững hơn so với các phương pháp thay thế khác.
Hydro cũng có thể cung cấp năng lượng cho các phương tiện chạy bằng pin nhiên liệu, trong khi chính phủ cũng có kế hoạch hỗ trợ mở rộng hoạt động giới thiệu nhiên liệu tổng hợp và amoniac sử dụng hydro.
Tuy nhiên, dù hy vọng hydro sẽ được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, bao gồm cả nhiên liệu cho ôtô, nhưng vẫn còn những thách thức đối với việc ứng dụng và sử dụng rộng rãi hydro do chi phí sản xuất và vận chuyển hydro cao hơn so với các loại nhiên liệu truyền thống như than đá, dầu mỏ.../.
Nguyễn Tuyến (TTXVN/Vietnam+)
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/nhat-ban-xac-dinh-nguyen-lieu-chu-chot-trong-qua-trinh-chuyen-doi-xanh/866646.vnp