Diễn đàn do Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường
(KHCN&MT) Quốc hội chủ trì, phối hợp cùng Hội đồng Khoa học Tạp chí
Năng lượng Việt Nam tổ chức với chủ đề “Phát triển hạ tầng điện khí và
điện gió tại Việt Nam”.
Theo
TS Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Quốc hội, Việt Nam
đang lấy lại đà tăng trưởng sau đại dịch Covid, nhu cầu sử dụng điện
đang tăng rất nhanh. Đồng thời, nước ta cũng phải chuyển dịch năng lượng
theo cam kết quốc tế về chống biến đổi khí hậu.
Dự thảo Quy hoạch
Phát triển điện lực Quốc gia 2021 – 2030 (Quy hoạch điện 8) đề xuất
phát triển mạnh điện gió trên bờ và điện gió ngoài khơi, phát triển
nhiệt điện khí dùng khí trong nước, thay thế dần nhiệt điện than và giảm
phát thải khí nhà kính.
Để tăng thêm nguồn điện nền, cân bằng và
khai thác hiệu quả nguồn điện rất lớn từ năng lượng tái tạo (NLTT), dự
thảo Quy hoạch điện 8 cũng chỉ ra, Việt Nam cần phát triển từ 14.900 –
22.400 MW điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu vào năm 2030, và
có thể tăng lên đến 32.400 MW vào năm 2035. Điều này kéo theo nhu cầu
về cơ sở hạ tầng và cơ chế giá phù hợp.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần
tận dụng tối đa và hiệu quả tiềm năng điện gió ngoài khơi (ĐGNK) lớn
nhất Đông Nam Á. Theo ông Tạ Đình Thi, một dự án ĐGNK cần 6 – 7 năm từ
khi khảo sát đến xây dựng xong. Dự án cần có cơ sở hạ tầng gần nhất để
phục vụ khảo sát, xây dựng lưới truyền tải và vận hành, bảo dưỡng. Mặc
dù các thiết bị chính phải nhập khẩu nhưng Việt Nam có thể sản xuất các
thiết bị phụ trợ. “Việt Nam càng sẵn sàng, sẽ càng tham gia sâu được vào
chuỗi cung ứng điện gió đầy tiềm năng” – Phó Chủ nhiệm Ủy ban
KHCN&MT Quốc hội nhấn mạnh.
Theo
TS Nguyễn Anh Tuấn, Thường trực Hội đồng khoa học Tạp chí Năng lượng
Việt Nam, dự thảo Quy hoạch điện 8 được thiết kế mang đậm chất chuyển
dịch năng lượng – xu thế tất yếu của Việt Nam cũng như nhiều quốc gia
trên thế giới.
Với định hướng chuyển đổi dần nhiên liệu hóa thạch
sang các dạng NLTT vào cuối vòng đời công trình trước năm 2050, thách
thức đặt ra hiện nay là một số công nghệ nhiên liệu sạch còn ở quy mô
nghiên cứu, thử nghiệm và ứng dụng ở một vài lĩnh vực, một vài quốc gia;
chưa được thương mại hóa và phổ biến; giá thành cao và chưa cạnh tranh
được với các loại năng lượng hiện hữu. Tuy nhiên. Xu thế là các công
nghệ đó sẽ phát triển nhanh cùng với giảm giá thành.
Về khung
chính sách cho ngành năng lượng của Việt Nam, theo TS Nguyễn Anh Tuấn,
mảnh ghép còn thiếu là Luật Năng lượng tái tạo, nhằm đưa ra cơ chế ưu
đãi rõ ràng và một nền tảng chính sách, quy định vững chắc về đầu tư và
phát triển NLTT.
Phân tích cụ thể về 4 thách thức trong phát triển
ngành năng lượng, đại diện Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng cho
rằng, về an ninh cung ứng điện, Việt Nam đang thiếu nguồn cung điện nội
địa. Hàng loạt nhà máy điện chậm tiến độ nên dẫn tới khó khăn khi đáp
ứng nhu cầu điện tăng cao. Việc phụ thuộc vào lượng than nhập khẩu có
thể khiến một số chỉ tiêu đảm bảo an ninh năng lượng biến động theo
chiều hướng bất lợi trong những năm tới.
Về tính hợp lý giá cả và
khả năng cạnh tranh, thị trường năng lượng cạnh tranh của Việt Nam còn
chưa phát triển đồng bộ, chính sách giá năng lượng còn bất cập và chưa
hoàn toàn phù hợp với cơ chế thị trường. Bên cạnh đó, ngành năng lượng
cũng đang đối mặt với các thách thức về môi trường, là tác nhân gây suy
thoái môi trường và các điều kiện sống, bao gồm ô nhiễm không khí ở các
thành phố lớn.
Mặt khác, phát triển kinh tế ở Việt Nam vẫn chủ yếu
dựa trên các ngành tiêu thụ nhiều năng lượng. Hiệu quả sử dụng năng
lượng quốc gia vẫn chưa được cải thiện rõ rệt. Tốc độ nâng cao trình độ
công nghệ trong một số lĩnh vực thuộc ngành năng lượng còn chậm, trong
khi việc nội địa hóa và hỗ trợ thị trường từ các dự án trong ngành năng
lượng cho sản xuất nội địa còn hạn chế. Chất lượng nguồn nhân lực và
năng suất lao động trong một số lĩnh vực còn thấp.
Tại
Diễn đàn, đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước, các chuyên gia, nhà
khoa học, đại diện doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng đã cùng thảo
luận, đề xuất một số chính sách, pháp luật và giải pháp thực hiện trong
Quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng; Quy hoạch phát triển điện lực
quốc gia giai đoạn tới; các giải pháp phát triển chuỗi điện khí LNG của
Việt Nam; vai trò của hệ thống truyền tải trong an ninh năng lượng quốc
gia nói chung và giải tỏa công suất các dự án lớn điện khí, điện gió nói
riêng...
Các đại biểu cũng phân tích, làm rõ các cơ hội phát
triển, những vấn đề nổi cộm, thách thức kỹ thuật; những bất cập về chính
sách, quy định và kiến nghị giải pháp để đảm bảo tiến độ các dự án điện
theo đúng quy hoạch; các vấn đề liên quan đến yêu cầu chuyển dịch năng
lượng đảm bảo mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050... Đại diện
một số tổ chức, doanh nghiệp quốc tế cũng chia sẻ kinh nghiệm về tư vấn,
thiết kế hạ tầng và quản lý các dự án điện gió, điện khí tại Việt Nam.
Theo
Ban tổ chức, các ý kiến, tham luận tại Diễn đàn sẽ được tiếp thu và là
căn cứ khoa học để xây dựng đề xuất, kiến nghị tới Quốc hội, Chính phủ
và các Bộ, ngành liên quan xem xét, ban hành các quy định phù hợp trong
thời gian tới. Mục tiêu nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các nhà đầu
tư, nhà sản xuất cung cấp thiết bị, công nghệ, các thành phần kinh tế
cũng như các tổ chức tín dung Việt Nam và quốc tế. Qua đó, tạo điều kiện
để triển khai các dự ánqA NLTT, phát triển bền vững và hướng tới mục
tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Khánh Ly
Nguồn:https://baotainguyenmoitruong.vn/nhan-dien-thach-thuc-phat-trien-nang-luong-tai-viet-nam-357213.html