Nhà đầu tư ngoại muốn rót trăm triệu USD phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam
Việt Nam đang được các nhà sản xuất năng lượng tại châu Âu để mắt tới khi sở hữu luồng gió mạnh ở vùng nước nông, đông dân cư và có bờ biển trải dọc khắp đất nước. Số liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB) và Cơ quan Năng lượng Đan Mạch cho thấy, điện gió Việt Nam ước đạt 475GW, trong đó tiềm năng kỹ thuật khoảng 160GW. Theo phân tích của các doanh nghiệp đầu tư, đây là khu vực sở hữu điều kiện hoàn hảo nhưng lại chưa được khai thác về gió ngoài khơi.
Do đó, nhiều công ty nước ngoài được cho là đang tìm kiếm những địa điểm gần cảng và tiến hành đàm phán với chính quyền địa phương để biết rõ hơn về các quy định đối với trang trại điện gió tại Việt Nam.
Tuy nhiên, mọi kế hoạch ở thời điểm hiện tại đều mang tính sơ bộ, do các nhà đầu tư chưa nhận được sự phê duyệt của Chính phủ.
Liên quan đến lĩnh vực điện gió ngoài khơi, Chính phủ Việt Nam đặt ra nhiều mục tiêu trong tương lai. Hiện tại, dự thảo mới nhất được Bộ Công thương trình Chính phủ xem xét, phê duyệt là Dự thảo Quy hoạch điện VIII. Theo đó, dự thảo đặt ra mục tiêu sẽ phát triển khoảng 16.121 MW điện gió trên bờ và gần bờ cùng khoảng 7.000 MW điện gió ngoài khơi vào năm 2030. Tỷ trọng điện gió chiếm khoảng 15,8% tổng công suất hệ thống, trong đó điện gió ngoài khơi là 4,8%.
Thế nhưng, ở thời điểm hiện tại, do Chính phủ chưa phê duyệt những dự thảo liên quan, nên chưa có dự án điện gió ngoài khơi nào được chính thức đi vào hoạt động.
Mặc dù vậy, theo ý kiến của nhiều quan chức cấp cao châu Âu, khả năng đặt trụ sở tại Việt Nam của các công ty sản xuất năng lượng là rất lớn, vì Việt Nam sở hữu nhiều tiềm năng chưa được khai thác, và có vị trí gần với các thị trường điện gió ngoài khơi tiên tiến tại Đông Á.
Ông Bruno Jaspaert, Giám đốc Khu công nghiệp DeepC nhận định: “Chúng tôi kỳ vọng các công ty lớn trên thế giới sẽ chốt được khoản đầu tư khoản đầu tư trong năm nay. Đây sẽ là cơ hội rất tốt đối với ngành điện gió ngoài khơi tại Việt Nam”
Ông Erik Kjaer, Cố vấn cao cấp, Cục Năng lượng Đan Mạch, cũng chia sẻ thêm sau khi tham gia một Hội nghị điện gió Việt Nam tại Hà Nội: “Đây sẽ là một lựa chọn đầu tư hoàn hảo bởi Việt Nam sở hữu sản lượng thép lớn – yếu tố quan trọng nhất để sản xuất ra tua bin gió”.
Năng lượng gió ngoài khơi là một nguồn năng lượng tái tạo có triển vọng phát triển lớn, có thể lắp đặt các trang trại điện gió ngoài khơi trên vùng biển rộng. Tốc độ gió trên đại dương thường ổn định và mạnh hơn trên đất liền, nên ưu điểm chính của năng lượng gió ngoài khơi là khả năng tạo ra điện cao hơn so với năng lượng gió trên bờ.
Một điểm cộng khác là các địa điểm ngoài khơi để triển khai trang trại điện gió không bị giới hạn, đồng thời gần như không xảy ra xung đột với cộng đồng cư dân (vốn là một khó khăn đối với phát triển điện gió trên bờ). Với việc đầu tư vào hệ thống truyền tải cũng như điều độ thông minh, điện gió hoàn toàn có thể trở thành nguồn chủ đạo của hệ thống năng lượng Việt Nam trong tương lai, qua đó giảm lệ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu.
Theo báo cáo của Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, các vùng biển có khả năng khai thác tiềm năng năng lượng gió tốt nhất là: từ Bình Định đến Ninh Thuận, Bình Thuận đến Cà Mau, và một phần vùng biển trung tâm vịnh Bắc Bộ. Đặc biệt, tiềm năng gió đạt ở mức tốt đến rất tốt ở khu vực biển Ninh Thuận đến Bà Rịa - Vũng Tàu, với tốc độ gió trung bình từ 8m - 10m/s, mật độ năng lượng trung bình năm phổ biến từ 600W đến trên 700W/m2.
|
Theo Reuters
Bảo An/vietnamfinance.vn
Nguồn: https://vietnamfinance.vn/nha-dau-tu-ngoai-muon-rot-hang-tram-trieu-usd-phat-trien-dien-gio-ngoai-khoi-tai-viet-nam-20180504224281175.htm