Từ chủ trương, chính sách đúng đắn…
Năng lượng là ngành hạ tầng quan trọng, luôn đi trước một bước, vừa là nền tảng, vừa là động lực thúc đẩy phát triển nền kinh tế độc lập tự chủ, nâng cao đời sống nhân dân và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Tiêu thụ năng lượng toàn cầu
Ngoài quy hoạch phát triển nguồn điện và hệ thống truyền tải, công nghiệp và dịch vụ năng lượng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch điện VIII đã yêu cầu chuyển đổi năng lượng công bằng, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải, phát triển khoa học công nghệ của thế giới, hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng dựa trên năng lượng tái tạo, năng lượng mới.
Khi nói đến năng lượng mới, chúng ta thường hình dung đến nguồn năng lượng thứ cấp hydrogen, thường được tạo ra từ nguồn sơ cấp ban đầu là điện gió, điện mặt trời bằng phương pháp điện phân nước để tách nước thành khí oxy và hydro. Amoniac xanh (amioniac phi carbon) được sản xuất bằng cách điện phân nước để tạo ra hydro và thu nitơ từ không khí. Vòng tổng hợp amoniac sẽ được cung cấp từ năng lượng gió, năng lượng mặt trời. Sẽ chẳng có mấy ý nghĩa nếu tàu/xe/máy bay/tàu hỏa chạy bằng pin nạp từ nguồn năng lượng hóa thạch; nhưng phát thải sẽ là “zero” nếu pin được nạp từ năng lượng tái tạo, hydrogen/amoniac xanh, như thế mới trọn vẹn mục tiêu chuyển đổi năng lượng.
Mới đây, Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã mở ra không gian rộng lớn để phát triển ngành năng lượng nước ta theo hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp trên cơ sở quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước và khả năng thực hiện các cam kết quốc tế tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26)... Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia đặt mục tiêu chuyển đổi năng lượng công bằng, thậm chí mục tiêu tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng sơ cấp còn cao hơn so với Quy hoạch điện VIII, cụ thể là 15 - 20% vào năm 2030 và khoảng 80 - 85% vào năm 2050, phát triển hài hòa giữa các phân ngành với hạ tầng đồng bộ và thông minh, đạt trình độ tiên tiến của khu vực, góp phần quan trọng đáp ứng mục tiêu “zero” phát thải ròng vào năm 2050.
Đó là những cơ sở pháp lý, định hướng quan trọng để phát triển, chuyển đổi năng lượng một cách bền vững, tạo nền tảng, cơ hội cho các nguồn năng lượng mới hydrogen và amoniac xanh.
Bên cạnh các tập đoàn năng lượng lớn của Việt Nam như EVN, PVN, Vinacomin, Vinachem…, hiện nay nhiều tập đoàn đa quốc gia như KBR (Mỹ), Neuman&Esser (Đức), Mitsubishi, Itochu, Marubeni (Nhật Bản), Samsung, SK (Hàn Quốc)… đang mong muốn tham gia phát triển ngành hydrogen/amoniac xanh của Việt Nam bởi vì tiềm năng to lớn về năng lượng gió và mặt trời của nước ta, hệ thống cảng biển nước sâu phục vụ xuất khẩu hydrogen và amoniac xanh; điều này mở ra cơ hội và triển vọng cho một ngành kinh tế mới.
Vận dụng sáng tạo kinh nghiệm quốc tế
Theo Boston Consulting Group bcg.com/southeast-asia, tới 2050, Việt Nam sẽ cần tới 25 - 40 triệu tấn hydrogen mỗi năm cho các ngành năng lượng, sản xuất công nghiệp và giao thông vận tải trong tổng cầu của thế giới vào lúc đó cũng khoảng 500 - 700 triệu tấn, trị giá nhiều nghìn tỷ USD. Theo Europapress.es, EU đang xem xét khả năng cung cấp tài chính cho đường ống vận chuyển hydro Barcelona - Marseille H2Med, tiếp đến sẽ kéo dài tới Đức, dự kiến hoàn thành vào năm 2030, chi phí ước tính 2,5 tỷ Euro, bước đầu tiên của mạng lưới kết nối 28 nước thành viên.
Trong lĩnh vực vận tải, pin nhiên liệu hydro không phát thải đã bắt đầu được ứng dụng rộng rãi. Theo vietnamplus.vn, 14 con tàu chạy bằng động cơ pin hydro do hãng Alstom của Pháp sản xuất đã đi vào khai thác thương mại ở Đức, thay thế tàu chạy bằng dầu diesel. Các tàu này có thể chạy cả ngày chỉ với một bình hydro, giúp tiết kiệm 1,6 triệu lít dầu diesel, giảm 4.400 tấn khí thải CO2 mỗi năm, vận tốc tối đa 140km/h. Hãng Airbus cũng có dự án 3 mẫu máy bay dùng nhiên liệu hydro hóa lỏng, dự kiến chuyến bay đầu tiên sẽ được thực hiện vào năm 2035; đối với EU, đây không chỉ là vấn đề an ninh năng lượng mà còn là xây dựng nền kinh tế độc lập.
Theo Giáo sư Ken Baldwin, Đại học Quốc gia Australia, năng lượng tái tạo sẽ sớm thay thế các nguồn năng lượng hóa thạch phát thải khí nhà kính. Số liệu thống kê cho thấy, công suất lắp đặt phát điện toàn cầu giai đoạn 2016 - 2020 tăng đột biến về điện mặt trời và điện gió, giảm nhanh về điện than, điện hạt nhân…
Để chuyển đổi năng lượng thành công, Australia có cơ chế ưu đãi cho phương tiện không phát thải, nâng cao chuẩn bị hiệu quả sử dụng năng lượng cho các tòa nhà mới; ưu đãi đầu tư vào các công nghệ, dự án và doanh nghiệp năng lượng sạch; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn tỷ lệ năng lượng tái tạo. Đặc biệt, Australia áp dụng cơ chế đấu giá ngược, khi người thắng đấu giá là dự án năng lượng tái tạo có mức giá chào thấp nhất. Ngoài ra, việc định giá carbon và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và cấp tín chỉ mức phát thải cơ sở cho từng doanh nghiệp hoặc theo lượng phát thải trên một đơn vị sản phẩm. Nếu lượng phát thải của một doanh nghiệp dưới mức phát thải cơ sở thì doanh nghiệp sẽ được bán phần tín chỉ phát thải không sử dụng đến trên thị trường; ngược lại thì doanh nghiệp phải mua thêm tín chỉ phát thải. Một hình thức mua bán phát thải phổ biến hơn là mức trần phát thải trên tổng lượng phát thải được phép thải ra môi trường. Chính sách thuế cũng thiên về giảm các sắc thuế mang lại lợi ích về môi trường và đánh thuế nặng đối với hoạt động gây tác động tiêu cực tới môi trường, kể cả áp dụng thuế carbon.
Đến xây dựng thể chế, chính sách, pháp luật…
Để thực hiện các nhiệm vụ quan trọng đó, cần sửa đổi, bổ sung những cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai chi tiết các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành năng lượng. Trong đó, khuyến khích khu vực tư nhân, bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh và thực hiện cơ chế thị trường về giá bán điện, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia đầu tư, sử dụng điện, ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ của thế giới, nhất là về năng lượng tái tạo, năng lượng mới, gắn với quá trình chuyển đổi nền kinh tế đất nước theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp. Do đó, việc sớm sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực, có chương riêng về năng lượng tái tạo và nhất là xây dựng riêng Luật Năng lượng tái tạo có chương riêng về hydrogen/amoniac xanh trên cơ sở Chiến lược sản xuất hydrogen/amoniac xanh tại Việt Nam là rất cần thiết.
Tài chính năng lượng là một khía cạnh quan trọng trong chính sách năng lượng gắn với chuyển đổi năng lượng vì tổng vốn đầu tư tạm tính cho phát triển nguồn và lưới điện giai đoạn 2021 - 2030 tương đương 134,7 tỷ USD và 399,2 - 523,1 tỷ USD giai đoạn 2031 - 2050. Đầu tư từ các tập đoàn năng lượng nhà nước chắc chắn là không đủ, nên cần nhiều nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân trong và ngoài nước theo phương pháp tiếp cận toàn diện cho cả nền kinh tế.
Để xóa bỏ các rào cản đối với việc đầu tư năng lượng tái tạo, năng lượng hydrogen/amoniac xanh, cần đẩy nhanh tiến độ thiết kế và triển khai cơ chế đấu thầu cạnh tranh, chính sách về mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn hay cơ chế đấu giá dự án bài bản và đồng bộ, đặc biệt là đối với năng lượng hydrogen/amoniac xanh.
Có thể thiết kế một Chương trình năng lượng tái tạo quy mô nhỏ nhằm thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả, tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo có công suất nhỏ và phát điện phân tán để hỗ trợ cho hệ thống điện tập trung.
Có thể xây dựng một Chương trình năng lượng tái tạo quy mô lớn để thúc đẩy chuyển đổi năng lượng hóa thạch sang năng lượng sạch và phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo, phát triển hệ thống hạ tầng lưu trữ, phân phối, vận chuyển, an toàn cháy nổ, sử dụng hydrogen/amoniac xanh trong vận tải và công nghiệp, thông qua việc tăng cường nghiên cứu, sản xuất trang thiết bị công nghệ ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, năng lượng mới.
Chuyển đổi năng lượng là xu hướng tất yếu đồng thời cũng là cơ hội, động lực để phát triển, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng xanh, sạch, tuần hoàn nên Quốc hội Việt Nam luôn đặc biệt quan tâm đến phát triển năng lượng bền vững. Chính vì vậy, Quốc hội Khóa XIV đã thực hiện giám sát về an ninh năng lượng và Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XV đang giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021. Tất cả sự phát triển và trường tồn của đất nước, vì cuộc sống ấm no và hạnh phúc của nhân dân.
TS. TRẦN VĂN - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Quốc hội Khóa XIII
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/nganh-hydrogen---dong-luc-tang-truong-cua-nen-kinh-te-moi-i341730/