“Bùng nổ” trên thế giới
Báo cáo của Hội đồng năng lượng gió toàn cầu (GWEC) phát hành tháng 3/2021, nhận định giai đoạn 2021 – 2030, tổng công suất lắp đặt năng lượng gió ngoài khơi sẽ tăng 700% so với 20 năm trước đó.
Năm 2021, mặc dù ảnh hưởng lớn của đại dịch Covid -19 nhưng tốc độ phát triển năng lượng tái tạo ngoài khơi (NLTTNK) là cực kỳ mạnh. Trong năm 2021 có khoảng 22GW điện gió ngoài khơi được đưa vào vận hành trên toàn thế giới.
30 GW NLTTNK là một trong những mục tiêu chính được chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đề ra nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng gió ngoài khơi ở Mỹ đến năm 2030. Đạt được mục tiêu này sẽ là chìa khóa mở ra lộ trình phát triển công suất 110 GW vào năm 2050.
Bên cạnh đó, mục tiêu NLTTNK của một số quốc gia có thể kể đến như: Đức 30GW (năm 2030); Hà Lan 21GW (2030); Na Uy 30GW (2040); Đan Mạch 10GW (2030) và 40GW (2050);…
Năng lượng tái tạo ngoài khơi đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới (Ảnh minh họa, nguồn: Internet)
Theo dự báo của GWEC, khu vực châu Á bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam là các nước có tiềm năng nhất. Các mục tiêu cụ thể phát triển năng lượng gió ngoài khơi của các quốc gia trong khu vực này không ngừng tăng lên. Trong đó, Trung Quốc đang phát triển rất nhanh và mạnh NLTTNK, giai đoạn 2021 – 2025 mục tiêu có khoảng 40 – 50GW, đến năm 2030 có khoảng 100GW, chiếm khoảng 30% NLTTNK bổ sung của thế giới. Ấn Độ đã tăng mục tiêu từ 5 GW lên 30GW (năm 2030); Hàn Quốc từ 0,145GW lên 12GW (năm 2030) và 25GW (năm 2035); Nhật Bản từ 0,62MW lên 10GW (năm 2030) và 30 – 45GW (năm 2040). Như vậy, triển vọng phát triển năng lượng gió ngoài khơi đang thuộc về các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Tiềm năng của Việt Nam
Theo một số nghiên cứu, Việt Nam có tiềm năng hàng đầu khu vực về NLTTNK. Với 3.000km bờ biển, nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, Việt Nam được coi là có tiềm năng rất lớn về gió. Nghiên cứu của Ngân hàng thế giới năm 2001 chỉ ra rằng, Việt Nam là nước có tiềm năng gió lớn nhất trong 4 nước Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam, trong đó tiềm năng NLTTNK của Việt Nam đứng hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Hơn 39% tổng diện tích Việt Nam được ước tính có tốc độ gió trung bình hàng năm lớn hơn 6m/s ở độ cao 65m – tương đương tổng công suất 513GW trên đất liền và 475GW trên biển. Còn theo báo cáo của Cơ quan năng lượng Đan Mạch, tiềm năng NLTTNK của Việt Nam khoảng 162 GW.
Tính toán của Nhóm Ngân hàng Thế giới cũng cho thấy, nếu Việt Nam phát triển năng lượng gió ngoài khơi với tổng quy mô công suất năm 2030 là 10 GW, 2035 là 25 GW, năm 2040 là 40 GW và năm 2050 là 70 GW, Việt Nam có thể đạt được một số kết quả là lũy kế đến năm 2035 bổ sung 50 tỷ USD cho nền kinh tế (bao gồm cả xuất khẩu), tạo mới 700.000 việc làm hàng năm, thu hút được 500 triệu USD vốn đầu tư, tránh phát thải hơn 217 triệu tấn CO2, tỷ lệ nội địa hóa 60%…
Ở nước ta hiện nay có rất nhiều các nhà đầu tư/ nhà phát phát triển dự án đã đăng ký dự án NLTTNK tại các địa phương. Tuy nhiên, hiện tại chưa có một dự án NLTTNK nào được triển khai. Trong dự thảo Quy hoạch Điện VIII có quy chiếu tới 97 dự án điện gió ngoài khơi, tổng công suất là 154.436 MW. Mục tiêu NLTTNK của nước ta trong Dự thảo Quy hoạch điện VIII là 7GW đến năm 2030.
Nhóm Ngân hàng Thế giới cho rằng, để thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư, tổ chức tài chính và nhà sản xuất trên thế giới phát triển NLTTNK của Việt Nam thì quy mô của thị trường với các mục tiêu phải đủ lớn, lộ trình rõ ràng, chính sách phù hợp.
Không chỉ là điện gió ngoài khơi
Năng lượng gió ngoài khơi là một nguồn năng lượng tái tạo có triển vọng phát triển lớn, có thể lắp đặt các trang trại gió ngoài khơi trên vùng biển rộng lớn. Ưu điểm chính của năng lượng gió ngoài khơi là khả năng tạo ra lượng năng lượng cao hơn vì tốc độ gió trên đại dương thường ổn định hơn và mạnh hơn so với trên đất liền. Ngoài ra, một điểm cộng khác là thực tế không giới hạn các địa điểm ngoài khơi để triển khai trang trại điện gió mà ít hoặc không ảnh hưởng đến xung đột dân cư.
Hydro xanh đang được kỳ vọng là năng lượng của tương lai (Ảnh minh họa, nguồn: Internet)
Các doanh nghiệp, chuyên gia cũng khẳng định, không chỉ sử dụng cho lĩnh vực điện, năng lượng tái tạo ngoài khơi hướng đến những khách hàng tiềm năng trong sản xuất kinh doanh với xu hướng kinh tế xanh là yêu cầu ngày càng trở nên phổ biến và bắt buộc trong thương mại toàn cầu. Bên cạnh đó, sản xuất các dạng năng lượng mới như hydro xanh từ năng lượng gió ngoài khơi được xem là một hướng phát triển được các nhà đầu tư hướng đến. Theo các chuyên gia, việc kết hợp các dự án điện gió ngoài khơi với hydro xanh giúp giảm bớt gánh nặng đầu tư hệ thống lưới điện truyền tải, thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo nói riêng và các ngành công nghiệp nói chung theo hướng xanh và bền vững.
Tại Việt Nam, Tập đoàn Enterprize Energy (EE-Anh) đã đề xuất lên Chính Phủ và Bộ Công Thương kết hợp phát triển dự án điện gió ngoài khơi Thăng Long Wind (Bình Thuận) với sản xuất hydro xanh. Theo Tập đoàn này, việc sử dụng các turbin gió với công suất lớn để sản xuất điện kết hợp với hydro qua hệ thống điện phân nước biển là rất tiềm năng. “Việt Nam hoàn toàn có thể sử dụng năng lượng gió vào mục tiêu này, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu”.
Ông Nguyễn Tuấn, Trưởng Ban Thương mại Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) cũng cho biết: NLTTNK có thể tích hợp rất nhiều thứ, có thể dùng các turbin gió để phát điện hoặc nếu không dùng phát điện thì có thể dùng điện gió để sản xuất hydro xanh, sản xuất amoniac xanh và những dạng năng lượng khác nữa.
Có thể thấy rằng, trong xu hướng chuyển dịch năng lượng, NLTTNK được nhiều quốc gia hướng tới để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong xu thế phát triển xanh đang diễn ra trên toàn cầu. Việc này cũng phù hợp với cam kết của Chính phủ về giảm lượng phát thải CO2 về 0 (net-zero) vào năm 2050.
(Còn tiếp…)
Mai Phương(Petrotimes.vn)
Nguồn: https://petrovietnam.petrotimes.vn/viet-nam-co-tiem-nang-hap-dan-ve-nang-luong-tai-tao-ngoai-khoi-666686.html