Trang trại điện gió ngoài khơi bờ biển Redcar, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN
Các chính trị gia ở khắp mọi nơi đang lặp đi lặp lại "câu thần chú" rằng, năng lượng tái tạo rẻ và chúng ta cần sử dụng nó thay vì khí đốt (hiện rất đắt đỏ ở châu Âu) để giảm gánh nặng chi phí năng lượng cho các hộ gia đình. Tuy nhiên, theo bài viết trên tờ Telegraph, "năng lượng tái tạo không rẻ như chúng ta nghĩ".
Trước khi ký ban hành đạo luật có tên “Hành động hành pháp giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, tạo việc làm và khôi phục tính liêm chính trong khoa học”, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã không tiếc lời ca ngợi năng lượng sạch rằng nó sạch và có giá cả phải chăng. Theo Tổng thống Mỹ, rồi sẽ đến lúc công nghệ năng lượng sạch sẽ trở nên rẻ hơn bất kỳ loại năng lượng nào khác, giúp mở rộng đáng kể nền kinh tế và tạo ra nhiều việc làm hơn với môi trường sạch hơn.
Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ đã được thiết kế để hiện thực hóa mục tiêu này. Đầu tư nhiều hơn vào năng lượng xanh và việc làm xanh. Điều này nghe có vẻ tuyệt vời. Nhưng thật không may, năng lượng tái tạo không hề rẻ.
Trên thị trường điện, do công nghệ sản xuất điện tái tạo còn sơ khai, nghĩa là chi phí trả trước đặc biệt cao, nên các nước đều phải đưa ra các khoản trợ cấp ban đầu. Nhưng sau hơn 20 năm trợ cấp, điều này không còn đúng nữa.
Ngày nay, giá điện phần lớn vẫn được xác định dựa vào chi phí nhiên liệu hóa thạch, vì vậy điện tái tạo có thể được bán với giá cao hơn nhiều so với chi phí sản xuất ngắn hạn. Nhưng ngay cả khi đó, năng lượng tái tạo vẫn cần trợ cấp.
Trên thực tế, các khoản trợ cấp đang tăng lên. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, trợ cấp năng lượng tái tạo ở nước này đã tăng lên 15,6 tỷ USD trong năm tài chính 2022 (kết thúc vào cuối tháng 9/2022) từ mức 7,4 tỷ USD trong năm tài chính 2016.
Ở Anh, vòng trợ cấp năm ngoái được đánh giá là rẻ nhất và tốt nhất. Nhưng các dự án năng lượng tái tạo phần lớn bị đình trệ khi các nhà phát triển yêu cầu thêm tiền, bất chấp giá điện thị trường cao. Chỉ có hai dự án xác nhận rằng họ sẽ tiếp tục và bắt đầu xây dựng, trong khi Vattenfall hủy dự án Boreas ở Biển Bắc và Ørsted cảnh báo rằng Hornsea 3 có thể gặp rủi ro nếu không có hành động của chính phủ để “duy trì sức hấp dẫn của môi trường đầu tư”. Phía công ty cho biết họ đang làm việc “rất chăm chỉ” để dự án có hiệu quả về mặt tài chính, nhưng giá điện do chính phủ đưa ra không đủ để bù đắp chi phí phát triển tăng cao.
Mặc dù giá điện tại Anh đang cao kỷ lục nhưng các dự án vẫn không có tính kinh tế. Điều này là do chi phí trả trước rất cao, đồng nghĩa các nhà phát triển sẽ phải tìm cách đẩy gánh nặng chi phí sang người tiêu dùng dù là theo cách trực tiếp (thông qua hóa đơn cao hơn) hay gián tiếp (thông qua mức thuế cao hơn).
Đó chưa phải là tất cả. Các nước phát triển đã xây dựng lưới điện của họ từ nhiều thập kỷ trước, khi điện được cung cấp từ một vài nhà máy điện lớn. Các cơ sở năng lượng tái tạo được xây dựng ở nơi có gió/nắng hoặc có khả năng tiếp cận tốt với nguồn nước ở độ cao phù hợp hoặc dòng chảy nhanh (đối với thủy điện). Những nơi này thường không phải là địa điểm từng đặt các nhà máy điện cũ, hoặc nơi người tiêu dùng sinh sống. Điều này có nghĩa sẽ cần rất nhiều cơ sở hạ tầng mới để kết nối tất cả.
Tiếp theo là vấn đề gián đoạn nguồn cung: lượng gió và ánh sáng Mặt trời sẽ thay đổi theo từng thời điểm. Điều này tạo ra hai thách thức bổ sung. Một là nếu không có gió hoặc Mặt trời, sản lượng điện tái tạo sẽ giảm. Sản lượng điện Mặt trời thường thay đổi trong ngày với mức giảm lớn vào thời điểm hoàng hôn, khi đó các nhà máy điện khí cần phải hoạt động thay thế. Hai là, các nguồn phát điện khác (không có giải pháp lưu trữ năng lượng quy mô lớn) phải ở chế độ chờ sẵn khi sản lượng năng lượng tái tạo giảm. Việc phải vận hành các nguồn năng lượng khác ở chế độ này rất tốn kém và lãng phí. Và người tiêu dùng sẽ phải chấp nhận chi trả những khoản phí đó.
Một vấn đề khác là lưới điện cần yếu tố cung và cầu được cân bằng tốt theo thời gian thực. Thiết bị lưới điện có thể bị hỏng nếu sự cân bằng này không được duy trì trong phạm vi dung sai hẹp. Nếu mây và gió thay đổi nguồn cung cấp theo từng thời điểm, các nhà vận hành lưới điện phải sử dụng một loạt các kỹ thuật như xả pin, yêu cầu các nhà máy điện thông thường điều chỉnh sản lượng hoặc khách hàng tiêu thụ điện lớn thay đổi mức tiêu thụ trong khoảng thời gian ngắn. Điều này sẽ tốn thêm chi phí để vận hành và người tiêu dùng lại phải gánh chịu chúng.
Một vấn đề nữa là cơ sở hạ tầng lưới điện dù được mở rộng để đáp ứng năng lượng tái tạo nhưng thường không thể sử dụng hết lượng điện được tạo ra. Lượng điện này bị lãng phí và các máy phát điện tái tạo phải được bù đắp thông qua phí “cắt giảm” hoặc “tắc nghẽn”, một lần nữa phí này do người tiêu dùng chi trả.
Theo công ty tư vấn Grid Strategies, chi phí mà người tiêu dùng phải trả do tắc nghẽn mạng lưới điện của Mỹ đã tăng 56% vào năm 2022, từ mức 13,3 tỷ USD của năm trước đó lên khoảng 20,8 tỷ USD. Tại Anh, dữ liệu từ cơ quan giám sát điện gió cho thấy người tiêu dùng nước này đã trả 125 triệu bảng vào năm 2022 để “tắt” các trang trại gió và 717 triệu bảng để mua hệ thống điện chạy bằng khí đốt thay thế.
Ngay cả khi giá bán buôn điện giảm xuống 0 để phản ánh chi phí biên ngắn hạn của việc sản xuất điện tái tạo, mức giá mà người tiêu dùng phải trả sẽ càng không liên quan nhiều đến giá bán buôn so với hiện nay. Người tiêu dùng phải trả giá bán buôn, chi phí mạng lưới (bao gồm chi phí tắc nghẽn), chi phí cân bằng, chi phí trợ cấp, chi phí vận hành của nhà bán lẻ/nhà cung cấp, thêm một số lợi nhuận cho mọi bên trong chuỗi cung ứng - từ cơ sở phát điện, chủ sở hữu mạng lưới cho đến nhà điều hành mạng và nhà bán lẻ. Họ cũng phải trả thêm một số loại thuế khác.
Và để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0, toàn bộ hệ thống điện – từ cơ sở năng lượng tái tạo, lưới điện, cơ sở điện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch dự phòng, đến các khoản trợ cấp,.. – sẽ phải được mở rộng gấp nhiều lần quy mô hiện tại. Vì các nhiên liệu hóa thạch được sử dụng trực tiếp cho mục đích sưởi ấm và giao thông sẽ được thay thế bằng điện.
Với tất cả những chi phí đó, bất cứ ai nghĩ rằng năng lượng tái tạo rẻ hơn năng lượng hóa thạch đều đang quá mơ mộng./.
Phong Hà (P/v TTXVN tại London)/bnews.vn
Nguồn: https://bnews.vn/nang-luong-tai-tao-khong-re-nhu-ky-vong/304630.html