Năng lượng tái tạo

Việt Nam là một đất nước có tốc độ tăng trưởng nhanh, nhu cầu tiêu thụ điện tăng từ 8 - 10% mỗi năm. Điều này đòi hỏi phải tăng gấp đôi công suất điện trong thời gian là một thập kỷ sắp tới.
 

Ảnh minh họa

Việt Nam cũng là đất nước dồi dào tiềm năng năng lượng, từ năng lượng hóa thạch đến thủy điện, điện tái tạo (điện gió, điện mặt trời)... Hóa thạch không phải vô tận. Theo dự báo, mỏ than có trữ lượng lớn nhất là than Vàng Danh, cũng chỉ còn có thể khai thác được 100 năm nữa. Từ nay đến đó, có lộ trình các mỏ than lần lượt dừng khai thác.

Về thủy điện, các dòng sông cơ bản đã được “ngăn”. Chỉ còn điện tái tạo đang vô tận. Những năm gần đây, không chỉ do nhu cầu phát triển bền vững của đất nước mà còn thực hiện các cam kết quốc tế, Việt Nam phải giảm lượng khí thải carbon. Điều đó lý giải vì sao điện gió đã và đang là một “thị phần” thu hút sự đầu tư và cạnh cạnh không kém phần quyết liệt của các nhà đầu tư, cả trong và ngoài nước. Điện gió, điện mặt trời là năng lượng sạch, không phải mua và không ai có thể lấy đi, phù hợp với xu thế.

Cách đây một năm, ngày 1/11/2021, tại Hội thảo hợp tác Việt Nam - Pháp về thúc đẩy chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cam kết “Việt Nam là một nước có lợi thế về năng lượng tái tạo, sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050”.

Điện năng là quy trình của 3 hoạt động, sản xuất (nhà máy), phân phối (hệ thống tải điện) và tiêu dùng. Vấn đề cuối cùng là giá bán điện phải ở mức các hộ tiêu dùng điện (cơ sở sản xuất khác và người dân chịu được.

Những năm qua, Việt Nam có cơ chế khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, nhưng giá không hợp lý, dẫn tới tình trạng “đua nhau” điện gió, điện mặt trời, ảnh hưởng tới cân đối cung - cầu; có tình trạng mua giá điện mặt trời, điện gió với giá cao, trong khi giảm mua thủy điện với giá thấp. Trước đây, khi công nghệ chưa phát triển, giá điện gió, điện mặt trời ở thời điểm đó có thể là phù hợp để khuyến khích nhà đầu tư, nhưng hiện nay giá điện gió ở Việt Nam đang cao hơn so với thế giới và so với các nguồn điện khác. Đây đang là nghịch lý của thị trường năng lượng.

Xin lưu ý rằng, hiện nay các nhà đầu tư tư nhân (cả ngoài nước) mới đầu tư nhà máy sản xuất điện tái tạo, còn hệ thống tải điện đang do Nhà nước đầu tư với kinh phí không hề nhỏ. Khuyến khích phát triển năng lượng điện tái tạo nhưng phải đảm bảo lợi ích hài hòa giữa nhà đầu tư, Nhà nước, người dân để hợp tác bền vững, hiệu quả.

Điều này phải bắt đầu từ chính sách. Khuyến khích không có nghĩa “nuông chiều” nhà đầu tư.

Ngô Đức Hành/baophapluat.vn

Nguồn: https://baophapluat.vn/nang-luong-tai-tao-post460656.html