Mỹ và Trung Quốc đấu tranh giành ưu thế về năng lượng sạch

Chính phủ Mỹ đang nỗ lực tìm cách san bằng sân chơi năng lượng sạch trải dài giữa quốc gia này và Trung Quốc. Nổi bật, chính phủ liên bang hiện đang đổ hàng nghìn tỷ USD xây dựng nhà máy, cơ sở hạ tầng sản xuất năng lượng sạch.
 

Nhiều người cho rằng các khoản đầu tư đó có thể sẽ bị lu mờ do sự thống trị của các sản phẩm giá rẻ Trung Quốc trên thị trường toàn cầu. Đáp lại, Mỹ đang ngày càng áp đặt các chính sách thương mại bảo hộ có nguy cơ làm leo thang căng thẳng chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc mà không thực sự tạo ra nhiều tác động trong vấn đề này.

Mỹ hiện đang tăng cường chi tiêu cho ngành năng lượng sạch trong nước, nhưng họ đã đến muộn. Trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã vượt qua đối thủ trong nhiều năm nay. Nổi bật, năm 2023 họ đã tăng gấp bốn lần mức chi tiêu của xứ cờ hoa cho năng lượng sạch và đã củng cố chuỗi cung ứng năng lượng sạch đã được thiết lập trên toàn thế giới.

my va trung quoc dau tranh gianh uu the ve nang luong sach hinh 1
Turbine gió ngoài khơi 16 MW do Trung Quốc tự sản xuất ở ngoài khơi tỉnh Phúc Kiến, đông nam Trung Quốc. (Ảnh: CMG)

Bắc Kinh có sự độc quyền hiệu quả đối với một số nút thắt trong chuỗi cung ứng quan trọng. Theo báo cáo gần đây của tờ New York Times, “Trung Quốc sản xuất khoảng 80% tấm pin mặt trời trên thế giới, gần 60% xe điện và hơn 80% pin xe điện”.

Hơn nữa, quốc gia tỷ dân này sản xuất 60% và xử lý gần 90% khoáng sản đất hiếm của thế giới – nguyên liệu chính thiết yếu trong sản xuất cơ sở hạ tầng năng lượng sạch như pin xe điện và tấm pin mặt trời quang điện.

Theo đó, có thể thấy rào cản gia nhập đối với bất kỳ đối thủ cạnh tranh nào là rất lớn - nhưng Mỹ đang cố gắng tìm cách vượt qua thách thức.

Trong 5 năm qua, chiến lược chính của Nhà Trắng là áp thuế đối với nhiều loại hàng hóa Trung Quốc nhằm bảo vệ các nhà sản xuất trong nước không thể bán sản phẩm của họ đủ rẻ để cạnh tranh.

Một số giám đốc điều hành và quan chức Mỹ cho rằng hành động của Trung Quốc vi phạm các quy tắc thương mại bằng cách áp dụng chính sách định giá cắt cổ để tràn ngập thị trường và bóp nghẹt sự cạnh tranh.

Trên thực tế, có mối lo ngại chính đáng và ngày càng tăng rằng Trung Quốc đang hướng tới việc sản xuất quá mức và dư thừa một số lượng lớn sản phẩm khi nhu cầu của chính họ giảm xuống. “Trung Quốc đang sản xuất quá nhiều thứ – và các quốc gia khác đang lo lắng”, một dòng tít gần đây của Wall Street Journal viết.

Khi họ chìm trong tình trạng dư thừa, Trung Quốc có thể sẽ cố gắng đẩy những tấm pin mặt trời, ô tô điện và các sản phẩm khác không cần thiết đó ra thị trường toàn cầu với mức chiết khấu cao, đe dọa không ít các lĩnh vực kinh tế và nền kinh tế toàn cầu nói chung, tờ báo tiếp tục nhấn mạnh.

Tờ New York Times đưa tin rằng các quan chức chính quyền của Tổng thống Joe Biden “dường như có khả năng tăng thuế đối với xe điện và các hàng hóa chiến lược khác từ Trung Quốc” như một phần trong quá trình xem xét liên tục các khoản thuế do Chính quyền Trump khởi xướng bốn năm trước. Điều này xảy ra trong bối cảnh “làn sóng sắp tới” xe điện Trung Quốc tấn công thị trường quốc tế khi chi phí xe điện ở Trung Quốc giảm.

Hiện tại, giá trung bình cho một chiếc xe điện Trung Quốc là khoảng 28.000 USD, so với 47.500 USD ở Mỹ.

 

Điệp Nguyễn (Theo Oilprice)//www.congluan.vn

Nguồn: https://www.congluan.vn/my-va-trung-quoc-dau-tranh-gianh-uu-the-ve-nang-luong-sach-post281833.html