Mở đường tăng trưởng xanh, tránh cảnh 'tăng trưởng trước, dọn dẹp sau'

Với Việt Nam, tăng trưởng xanh không chỉ là lựa chọn tất yếu mà còn là cơ hội để trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới. Do đó, phát triển xanh là con đường mà cả doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI cần phải đi, đồng thời trên hành trình này không thể thiếu “bàn tay” hỗ trợ của Nhà nước.
 

Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên năm 2023 với chủ đề "Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy tăng trưởng xanh", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Tăng trưởng xanh là xu thế của thời đại, cũng là vấn đề toàn cầu, do đó, phải đoàn kết, hợp tác quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương trên tinh thần chân thành, tin cậy, hiệu quả. "Phát triển hôm nay nhưng phải nghĩ đến tương lai con cháu sau này, phát triển mang lại thu nhập cho người dân nhưng phải bảo đảm sức khoẻ cho người dân", Thủ tướng nói.

Thực hành xanh mới ở mức độ khởi đầu

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định: Phát triển kinh tế xanh cần được triển khai quyết liệt ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu. Lấy con người là trung tâm, chủ thể, vừa là nguồn lực vừa là động lực quan trọng nhất và là mục tiêu cao nhất của sự phát triển, nhất là trong phát triển xanh. Tránh tình trạng "tăng trưởng trước, dọn dẹp sau"; không chấp nhận phương thức tăng trưởng bằng mọi giá, thiếu tính bền vững; và càng không chạy theo tăng trưởng đơn thuần mà phải hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường sống của người dân.

-5520-1679207758.jpg

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao đổi với doanh nghiệp bên lề Diễn đàn VBF 2023 (Ảnh: VGP).

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, phục hồi và phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững hiện đang là ưu tiên hàng đầu và là mục tiêu mà mọi quốc gia đang hướng tới. Mục tiêu chung là nhằm đạt được sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Với Việt Nam, tăng trưởng xanh không chỉ là lựa chọn tất yếu mà còn là cơ hội để trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã và đang lấy kinh doanh "xanh" là chiến lược và lợi thế cạnh tranh. Tuy vậy, cũng có không ít thách thức còn cản trở doanh nghiệp trên con đường phát triển xanh.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế (VCCI), cho hay mức độ hiểu biết quy định môi trường của doanh nghiệp Việt Nam đang rất hạn chế. Khảo sát doanh nghiệp của VCCI cho thấy chỉ có 31,8% doanh nghiệp tư nhân trong nước cho biết, họ hiểu rõ các quy định môi trường, dù đến 68% doanh nghiệp cho biết đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi biến đổi khí hậu.

Mức độ đầu tư của doanh nghiệp cho đổi mới, thực hành xanh mới ở mức độ khởi đầu. Theo báo cáo năm 2021 của UNDP, ngay cả trong các lĩnh vực thâm dụng năng lượng như sản xuất, vận tải, xây dựng, cũng chỉ có khoảng 1/2 doanh nghiệp áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng và tài nguyên.

Trong khi đó, ông Nagaoka Teketoshi, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI), cho hay các doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn đóng góp vào quá trình chuyển đổi năng lượng hiệu quả ở Việt Nam bằng cách tăng cường đầu tư tư nhân và ứng dụng các công nghệ giảm phát thải, hướng đến mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0.

Trong những năm gần đây, doanh nghiệp Nhật Bản đã và đang tăng cường đầu tư vào Việt Nam để đáp ứng nhu cầu sản xuất năng lượng tái tạo ngày càng tăng. Tuy nhiên, do Quy hoạch điện VIII chưa được ban hành chính thức, hoạt động của các nhà máy điện tái tạo và những ngành công nghiệp có liên quan như sản xuất nhiên liệu sinh khối cũng bị ảnh hưởng rất lớn. Do đó, JCCI mong muốn Chính phủ sớm ban hành chính thức Quy hoạch này.

Trong khi đó, ông Greg Testerman, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) nhìn nhận, đây là thời điểm tốt để cải thiện khả năng tiếp cận và tạo cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là khi Việt Nam củng cố cam kết cho phép các nhà sản xuất tiếp cận năng lượng tái tạo và chuyển đổi sang năng lượng sạch hơn nói chung.

AmCham cũng mong muốn, tiếp tục hợp tác với Chính phủ để thu hút đầu tư và thúc đẩy đổi mới trong cơ sở hạ tầng thiết yếu nhằm hỗ trợ tăng trưởng bền vững, ban hành các chính sách để tiếp tục thu hút ngành sản xuất có giá trị cao và nâng cao vai trò của nền kinh tế số tại Việt Nam.

Hướng tới kinh tế xanh và phát triển bền vững

Theo ông Gabor Fluit, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), vấn đề đầu tiên và cũng quan trọng nhất cần thảo luận, đó là tăng trưởng xanh. Ngày nay, chúng ta đang trên đỉnh của một cuộc cách mạng xanh và Việt Nam có tiềm năng mở đường tới một tương lai bền vững và thịnh vượng.

Để chuẩn bị sẵn sàng cho tương lai, việc sử dụng năng lượng tái tạo là nhiệm vụ cấp bách và mang tính bước ngoặt nhất đối với chúng ta. Để làm được điều này, “Chính phủ cần cho phép và khuyến khích tất cả các bên tiêu dùng điện tiếp cận và đầu tư vào năng lượng tái tạo, bên cạnh việc thực hiện sử dụng năng lượng hiệu quả. Để giảm lượng khí thải carbon và thúc đẩy một tỷ lệ sử dụng năng lượng sạch hơn, điều cần thiết là phải xây dựng và thực hiện Quy hoạch điện VIII và tất cả các quy định cần thiết, với việc sớm đưa vào một chiến lược bù đắp năng lượng điện than”, ông Gabor Fluit nhấn mạnh.

Với nguồn năng lượng mặt trời và gió dồi dào của Việt Nam, EuroCham cho rằng, điều quan trọng là phải điều chỉnh thể chế và cơ sở hạ tầng để có thể chuyển đổi hoàn toàn sang năng lượng tái tạo. Điều này bao gồm cả việc sử dụng hydro xanh, có thể được hỗ trợ bởi các hệ thống lưu trữ năng lượng tiên tiến.

Để hiện thực hóa các định hướng phát triển và triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp mà Chính phủ đã đặt ra hướng tới kinh tế xanh và phát triển bền vững, VCCI và cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị nhiều giải pháp như: Tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thực thi pháp luật về môi trường, tạo thuận lợi trong tiếp cận thông tin về chính sách, pháp luật về môi trường, phát triển bền vững…

Lắng nghe các ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tăng trưởng xanh cần có lộ trình phù hợp, tính đến điều kiện và năng lực khác nhau của từng vùng miền, địa phương và doanh nghiệp. Khuyến khích sự hưởng ứng và tham gia của tất cả các chủ thể trong xã hội, nhất là doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP) trong tăng trưởng xanh…

Thủ tướng mong muốn, nhà đầu tư tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam vượt qua khó khăn, "các khó khăn lâu dài thì có giải pháp lâu dài, khó khăn trước mắt thì có giải pháp trước mắt". Điều quan trọng, các bên giữ vững bản lĩnh, phát huy những kết quả đã đạt được, những kinh nghiệm đã có, nhận diện được vấn đề, lắng nghe ý kiến của nhau, tìm ra giải pháp phù hợp.

Lê Thúy/vnbusiness.vn

Nguồn: https://vnbusiness.vn/viet-nam/mo-duong-tang-truong-xanh-tranh-canh-tang-truong-truoc-don-dep-sau-1091455.html