Một cơ sở dự trữ khí đốt tự nhiên hóa lỏng ở Australia. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo trang mạng abc.net.au, các cảnh báo về tình trạng thiếu khí đốt - mà có khả năng khiến các bang miền Đông Australia tê liệt - đã được hủy bỏ sau khi Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Australia (ACCC) cho biết nguồn cung hiện đủ để đáp ứng nhu cầu.
Trong một động thái có thể giúp làm giảm căng thẳng đang gia tăng giữa chính phủ liên bang và các công ty trong ngành khí đốt, Bộ trưởng Tài nguyên Liên bang Madeleine King đã quyết định không yêu cầu các nhà xuất khẩu dành nhiều nguồn cung hơn cho thị trường nội địa.
Trong một báo cáo được công bố chiều 3/4, ACCC cho biết, triển vọng cung cấp khí đốt trên khắp bờ biển phía Đông đã được cải thiện đáng kể trong những tháng gần đây.
Động thái này diễn ra sau những cảnh báo nghiêm trọng hồi tháng 8/2022, khi ủy ban cho hay thị trường nội địa - bao gồm cả các bang khác ngoài Tây Australia - có thể bị thiếu 56 petajoule (1 petajoule bằng 278 GWh) khí đốt, tương đương 10% nhu cầu hàng năm, trong năm 2023.
Một báo cáo tiếp theo được công bố vào tháng 1/2023 cho thấy mặc dù lượng khí đốt thiếu hụt được dự báo đã giảm bớt, song mức thiếu hụt nguồn cung dự kiến vẫn lên tới 30 petajoule. Tuy nhiên, ngày 3/4, ACCC cho biết tình trạng thiếu khí đốt đã được khắc phục hoàn toàn trong 3 tháng qua. Chủ tịch ACCC Gina Cass-Gottlieb cho biết sẽ có đủ khí đốt để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, ngành công nghiệp và hộ gia đình, miễn là các nhà xuất khẩu cam kết tăng thêm 3 petajoule.
Theo bà Cass-Gottlieb, sự gia tăng sản xuất cùng với cam kết của các nhà xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) về việc bán nhiều sản phẩm hơn ở thị trường nội địa đã giúp cải thiện tình hình. Bà nói: “Dữ liệu hiện có cho thấy triển vọng của thị trường khí đốt ở bờ biển phía Đông đã được cải thiện, và thị trường được cho là sẽ không phải đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu trong năm 2023... Nếu các nhà sản xuất LNG cam kết cung cấp thêm (3 petajoule) khí đốt cho thị trường nội địa, ngoài số lượng đã ký hợp đồng, có khả năng sẽ tránh được tình trạng thiếu hụt".
Mặc dù vậy, bà Cass-Gottlieb cho biết, ACCC vẫn lo lắng về triển vọng nguồn cung trong những tháng mùa Đông ở miền Nam khi nhu cầu khí đốt để sưởi ấm và điện thường đạt đỉnh điểm. Ngày càng có nhiều lo ngại rằng một số bang miền Nam - đặc biệt là Victoria - sẽ thiếu nhiên liệu vào thời điểm cao điểm của mùa Đông ngay từ đầu năm nay do sản lượng từ các mỏ khí đốt lịch sử ở eo biển Bass giảm đi đáng kể.
Theo bà Cass-Gottlieb, dự báo theo mùa đầu tiên của ACCC cho thấy mức thiếu hụt là 11 petajoule trong mùa Đông, trong đó các bang miền Nam thiếu tới 26 petajoule. Theo bà, sản lượng thấp hơn dự kiến tại các mỏ khí đốt ở những nơi như Lãnh thổ phía Bắc hoặc nhu cầu về điện chạy bằng khí đốt tăng vọt có thể gây ra vấn đề.
Bà nói: “Nếu nguồn cung khí đốt được đẩy mạnh, chẳng hạn như thông qua hoán đổi khí đốt hoặc nếu các nhà sản xuất LNG cam kết cung cấp thêm khí đốt cho thị trường nội địa, nguồn cung sẽ đủ để đáp ứng nhu cầu trong quý III/2023... Chúng tôi khuyến khích các nhà sản xuất xem xét thông tin này và sửa đổi kế hoạch của họ để đảm bảo nhu cầu trong nước sẽ được đáp ứng mỗi quý".
Bộ trưởng Tài nguyên Liên bang Madeleine King cho hay báo cáo của ACCC ủng hộ các động thái của chính phủ nhằm đảm bảo "một cuộc khủng hoảng nguồn cung không xảy ra". Bà King cho biết những phát hiện của ACCC đóng một vai trò quan trọng trong quyết định của bà về việc không áp dụng Cơ chế An ninh Khí đốt Nội địa Australia - được gọi là cơ chế kích hoạt khí đốt - cho quý sắp tới.
Theo bà, khí đốt có "vai trò chính" trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, "đồng thời đảm bảo an ninh năng lượng cho cả Australia và các đối tác trong khu vực”. Bà nêu rõ: “Chính phủ hiểu rằng nguồn cung cấp năng lượng đáng tin cậy và giá năng lượng phải chăng là ưu tiên hàng đầu của các gia đình và doanh nghiệp Australia. Đây là lý do tại sao chúng tôi cũng đã hành động với gói giảm giá năng lượng để giảm bớt sự tăng giá năng lượng. Tôi sẽ tiếp tục làm việc với ngành tài nguyên để đảm bảo cung cấp năng lượng và khoáng chất cần thiết cho an ninh của chính Australia và chuyển đổi năng lượng sạch, cũng như an ninh năng lượng của các đối tác thương mại của Australia"./.
Thanh Tú (P/V TTXVN Tại Sydney)/bnews.vn
Nguồn: https://bnews.vn/mien-dong-australia-giai-bai-toan-thieu-khi-dot/287020.html