Lưu trữ năng lượng - cánh cửa của tương lai

Đến năm 2027, Trung Quốc được dự đoán sẽ có tổng năng lực lưu trữ năng lượng mới 97 GW.
 

Lĩnh vực lưu trữ năng lượng của Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng. Theo dữ liệu của Liên minh lưu trữ năng lượng Trung Quốc (CNESA), đến năm 2027, nước này được dự đoán sẽ có tổng năng lực lưu trữ năng lượng mới 97 GW.

Hệ thống lưu trữ năng lượng mới tại Trung Quốc chủ yếu dựa trên công nghệ pin lithium-ion.

Lĩnh vực lưu trữ năng lượng của Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng. Ảnh: Reuters
Lĩnh vực lưu trữ năng lượng của Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng. Ảnh: Reuters

Sự phát triển mạnh của lĩnh vực lưu trữ năng lượng tại Trung Quốc là do một loạt yếu tố. Trung Quốc đã chủ động thúc đẩy sự phát triển năng lượng tái tạo trong cuộc đua thực thi những cam kết của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm “đạt đỉnh” về lượng khí thải CO2 vào năm 2030 và hướng đến trạng thái trung hòa carbon vào năm 2060.

Trung Quốc dự kiến các nguồn năng lượng phi hóa thạch sẽ chiếm 52% sản lượng điện trong năm nay, đánh dấu lần đầu tiên tỷ trọng của năng lượng sạch vượt 50%, theo một báo cáo mới đây của Cơ quan quản lý năng lượng quốc gia (NEA). Không dừng lại ở đó, Trung Quốc đặt mục tiêu đến năm 2060 đưa tỷ trọng này lên 80%.

Nhưng việc tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo đã đặt ra vấn đề về khả năng hụt nguồn cung vì bản chất hay biến động và không liền mạch của các loại năng lượng này. Một giải pháp cho vấn đề này là triển khai các hệ thống lưu trữ năng lượng có thể kết nối với lưới điện để hấp thu nguồn cung dư thừa và dồn cho những khu vực có nhu cầu cao nhất.

Giá lithium carbonate là một yếu tố lớn mang tính quyết định trong chi phí sản xuất pin lithium-ion, một thành phần chính trong hầu hết các hệ thống lưu trữ năng lượng bằng pin của Trung Quốc.

Giá kim loại này đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong hơn một năm qua vào cuối tháng Tư, và vẫn đang thấp hơn nhiều so với mức đỉnh ghi nhận vào tháng 11 năm ngoái, theo công ty cung cấp dữ liệu tài chính Wind.

Vì vậy, nhìn chung, chi phí xây dựng hệ thống lưu trữ năng lượng đã giảm xuống, một phần cũng là hệ quả của cuộc chiến về giá giữa các nhà sản xuất pin đang “lao” vào lĩnh vực lưu trữ năng lượng để đa dạng hóa hoạt động kinh doanh trong bối cảnh thị trường xe điện đang tăng chậm lại.

Lãnh đạo cấp cao của một công ty dầu khí nước ngoài cho biết hầu hết những dự án lưu trữ năng lượng tại Trung Quốc là do các doanh nghiệp có sự hậu thuẫn của nhà nước đảm nhiệm, trong đó có các công ty sản xuất điện và cả các công ty vận hành lưới điện.

Sự tham gia của các công ty sản xuất điện vào lĩnh vực này phần lớn là do chính sách của chính phủ, thường yêu cầu các dự án nhà máy điện tái tạo tại Trung Quốc phải phân bổ một tỷ lệ tài nguyên nhất định để xây dựng các cơ sở lưu trữ năng lượng. Chính sách tăng cường mở rộng lưu trữ năng lượng này nhằm mục đích giảm sự mất cân đối giữa sản lượng điện và nhu cầu, đồng thời giảm áp lực lên lưới điện trong các thời kỳ cao điểm.

Đối với các công ty truyền tải, đầu tư vào các hệ thống lưu trữ điện là công cụ để tránh đầu tư quá mức vào xây dựng hạ tầng truyền dẫn nhưng vẫn điều tiết được phân phối điện. Mặc dù vậy, chính sách của chính phủ vẫn đóng vai trò quan trọng sống còn trong quyết định mức độ đầu tư.

Hồi tháng 5/2019, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) và NEA yêu cầu các công ty vận hành lưới điện không được tính các chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng lưu trữ năng lượng vào giá điện nữa khiến tổng mức đầu tư vào lưu trữ năng lượng của các công ty này giảm xuống hẳn.

Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi và hoạt động đầu tư vào lĩnh vực lưu trữ năng lượng lại "nóng" trở lại vì vào tháng 7/2021, hai cơ quan này cho biết đang xem xét những biện pháp mới có thể giúp các công ty vận hành lưới điện giảm bớt những chi phí trên./.


Khánh Ly (Theo Nikkei Asia)/bnews.vn

Nguồn: https://bnews.vn/luu-tru-nang-luong-canh-cua-cua-tuong-lai/309641.html