Lựa chọn năng lượng sạch và con đường phát triển xanh

Với chiến lược trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của khu vực ĐBSCL và cả nước, Bạc Liêu trong nhiều năm qua đã chọn mô hình tăng trưởng xanh, bền vững trong tái cơ cấu nền kinh tế. Câu chuyện phát triển điện gió ngoài khơi của địa phương này đã được phân tích và thảo luận tại nhiều sự kiện về thu hút bền vững dòng vốn đầu tư nước ngoài.
 

Với chiến lược trở thành trung tâm năng lượng tái tạo, Bạc Liêu đã và đang thu hút nhiều dự án năng lượng gió. Ảnh: ĐPCC

Điểm đến năng lượng tái tạo

Vào cuối năm 2016 khi đề xuất Chính phủ xin rút dự án nhiệt điện Cái Cùng do tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ra khỏi quy hoạch tổng sơ đồ điện VII, Bạc Liêu cũng đã chọn cho mình một con đường phát triển hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường tự nhiên. Đó là tập trung phát triển năng lượng sạch.

Trong định hướng của địa phương, năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) và điện khí là lĩnh vực được quan tâm ưu tiên đầu tư và là một trong nămtrụ cột phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Việc tạo điều kiện cho công nghiệp năng lượng tái tạo, năng lượng sạch có bước phát triển mạnh sẽ hướng đến khai thác có hiệu quả, đóng góp vào kinh tế và xã hội.

Từ đó, lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo có bước phát triển, từng bước đưa Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của khu vực ĐBSCL và Quốc gia.

Đáng chú ý là từ năm 2021, Bạc Liêu liên tiếp đón những tin vui khi có những dự án năng lượng tái tạo khác trên địa bàn tỉnh tiếp tục được đưa vào vận hành thương mại.

Theo Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu, tính đến nay trên địa bàn tỉnh có 8 nhà máy điện gió đã hoàn thành đưa vào hoạt động cả trên biển lẫn trong đất liền với tổng công suất là 469,2 MW (đứng thứ 3 trong cả nước) tổng sản lượng điện gió đạt trên 2 tỉ kWh, giúp giảm phát thải hơn 1,691 triệu tấn CO2.

Những dự án điện gió đã mang lại những hiệu quả kinh tế – xã hội – Quốc phòng – An ninh rất rõ ràng, nhất là tăng nguồn điện sạch, an toàn, thân thiện môi trường, thực hiện chủ trương tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững của Chính phủ, các cam kết quốc tế của Việt Nam về giảm thiểu khí CO2 ứng phó biến đổi khí hậu. Theo Sở Công Thương, các nhà máy điện gió đã góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; tăng nguồn thu cho ngân sách tỉnh hàng năm khoảng 450 tỉ đồng,…

Hiện nay, địa phương này cũng đang triển khai thực hiện các dự án nhà máy điện gió Bạc Liêu giai đoạn 3 (141 MW), nhà máy điện gió Nhật Bản Bạc Liêu – giai đoạn 1 (Đông Hải 2) 50 MW. Đáng chú ý, tỉnh đã thu hút dự án nhà máy Điện khí LNG Bạc Liêu với quy mô công suất 3.200 MW, tổng vốn đầu tư 4 tỉ đô la Mỹ… Khi đi vào hoạt động, dự án sẽ mang lại nguồn thu hàng ngàn tỉ đồng, sẽ giúp địa phương bứt phá nguồn thu ngân sách.

Bên cạnh đó, tỉnh đã tổng hợp trình Bộ Công Thương đưa vào Quy hoạch điện VIII các dự án nguồn điện với tổng công suất là 9.340,6MW (điện gió: 7.810,6MW, điện mặt trời: 1.500MW, điện sinh khối: 30MW) và lưới điện truyền tải 500kV, 220kV để làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện trong giai đoạn tiếp theo khi được phê duyệt.

Sở Công Thương cho rằng đây là tiền đề quan trọng để Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của quốc gia. Đó cũng chính là mục tiêu hướng đến của tỉnh trong thời gian tới như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.

Hành trình đến tăng trưởng xanh

Các dự án điện năng lượng tái tạo phù hợp với điều kiện và định hướng phát triển của Bạc Liêu, góp phần phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh và thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là phát triển Bạc Liêu theo hướng “xanh”, chú trọng bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Các dự án điện gió không chỉ mang lại dòng điện sạch mà còn góp phần đáng kể về phát triển du lịch của Bạc Liêu. Ảnh: ĐPCC

Các dự án điện gió, điện mặt trời, nhất là dự án điện khí hóa lỏng LNG có vai trò to lớn và là một trong 5 trụ cột phát triển của Bạc Liêu theo tinh thần Nghị quyết 36 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ông Phan Văn Sáu, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu, cho biết lĩnh vực năng lượng sạch đã được tỉnh quan tâm chỉ đạo ưu tiên phát triển trong thời gian qua và được xác định là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất, cơ cấu lao động và hình thành nên sức bật mới cho một tỉnh thuần nông hướng đến công nghiệp hóa – hiện đại hóa.

Riêng điện gió, bên cạnh cung ứng nguồn năng lượng phục vụ sản xuất, đời sống còn góp phần phát triển đáng kể cho du lịch của Bạc Liêu.

Nếu như trước đây Bạc Liêu được biết đến bởi các giai thoại xoay quanh nhà Công tử Bạc Liêu, nhạc sĩ Cao Văn Lầu, văn hóa đờn ca tài tử, vườn chim cùng các đền thờ, tháp cổ…, thì những năm gần đây du khách còn biết đến địa phương này với cánh đồng điện gió trên biển.

Nhiều du khách đến Bạc Liêu đã không khỏi ấn tượng trước những trụ tua-bin điện gió cao sừng sững, gần như phủ kín suốt dải bờ biển. Giờ đây, dải rừng đước vẫn còn đó, nhưng mọc lên xen lẫn nhiều trụ tua-bin điện gió như điểm tô thêm những nét chấm phá tươi mới trong bức tranh kinh tế-xã hội của một tỉnh còn nhiều khó khăn, nằm gần cuối bản đồ đất nước. Du khách đến Bạc Liêu hiện nay nhắc nhiều đến cánh đồng quạt gió “hot hit” như trời Âu và là địa điểm “check-in”, khám phá mới của giới trẻ cũng như du khách đến địa phương này.

Nhà máy điện gió Bạc Liêu được xem như một điển hình phát triển năng lượng sạch và bền vững không chỉ ở Bạc Liêu mà còn cả một khu vực rộng lớn vùng ven biển Nam bộ.

Từ khi tỉnh chủ trương thu hút đầu tư phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, đời sống của nhân dân cả một vùng ven biển rộng lớn đổi thay khá nhiều. Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, các dịch vụ phụ trợ phát triển theo, bà con có thêm việc làm và mở ra nhiều cơ hội phát triển mới.

Bạc Liêu có bờ biển dài 56km, có gió mạnh, ổn định và nắng quanh năm với số giờ nắng đạt khoảng 2.200 – 2.700 giờ/năm. Đáng chú ý, ngoài phát triển nghề khai thác đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản, vùng biển Bạc Liêu gần như ít xảy ra bão lớn. Đồng thời, biển Bạc Liêu cũng mang đến cơ hội để phát triển mạnh về du lịch sinh thái biển, du lịch tâm linh khi khu vực này có hệ sinh thái rừng ngập mặn phong phú và nền văn hóa dân gian đặc sắc.

Do vậy, trong 5 trụ cột phát triển kinh tế – xã hội được tỉnh xác định thì có đến 3 trụ cột liên quan đến biển, đó là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) và phát triển kinh tế biển gắn với quốc phòng – an ninh.

Hiện nay, cùng với phát triển điện gió, điện mặt trời, điện khí, vùng biển và ven biển Bạc Liêu kỳ vọng sẽ trở thành vùng kinh tế năng động với các dự án nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, cảng biển… góp phần phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng – an ninh.

Trên thực tế, sau nhiều năm theo đuổi mục tiêu phát triển kinh tế biển, từ những chủ trương, quyết sách rất mạnh mẽ và quyết đoán, hàng loạt công trình, dự án động lực đóng vai trò đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội toàn vùng và cả tỉnh Bạc Liêu đã lần lượt ghi dấu ấn. Vùng đất phía Nam Quốc lộ 1A, nhất là khu vực ven biển như phất lên một luồng gió mới. Trong đó, ngành công nghiệp tôm và điện gió, điện mặt trời là những điểm sáng đầy ấn tượng ở Bạc Liêu.

Hoàng/ thesaigontimes.vn

Nguồn: https://thesaigontimes.vn/lua-chon-nang-luong-sach-va-con-duong-phat-trien-xanh/