Lối thoát nào cho 172 MW của Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam

Việc xác định cơ sở pháp lý rõ ràng với các dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận đã đầu tư xong nằm trong diện được hưởng cơ chế bán điện với giá 9,35 UScent/kWh là nút thắt.
 

Nhiều cuộc họp của các bên liên quan đã được tổ chức trong gần 2 năm qua nhằm giải quyết việc huy động phần công suất chưa có giá của Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam 450 MW tại Ninh Thuận (Nhà máy điện 450 MW), nhưng kết quả vẫn chưa nhúc nhích được là bao.

Theo các chuyên gia, để giải quyết vướng mắc này cần phải lật lại từ đầu quá trình đầu tư điện mặt trời tại Ninh Thuận, phân định rõ ràng từng khâu theo các quy định hiện hành ở từng thời điểm và ra những quyết định dứt khoát cuối cùng thì bế tắc của 2 năm qua mới mong được giải quyết triệt để.

Ưu ái bất ngờ

Vào tháng 8/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Nghị quyết số 115/NQ-TTg về việc thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018 - 2023.

Tại điểm e, khoản 1 Điều 1 Nghị Quyết 115/NQ-TTg có ghi rõ, “đồng ý tỉnh Ninh Thuận được hưởng chính sách giá điện theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg đến hết năm 2020 đối với các dự án điện năng lượng mặt trời và hạ tầng đấu nối công suất thiết kế 2.000MW đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận triển khai. Giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và UBND tỉnh Ninh Thuận triển khai thực hiện”.

Ở thời điểm tháng 7/2018, tỉnh Ninh Thuận được biết tới có 27 dự án điện mặt trời với tổng công suất 1.600 MW.

Tiếp đó, vào ngày 6/4/2020, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã ký Quyết định 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời.

Tại mục 3 Điều 5 Quyết định 13/20202/QĐ-TTg có ghi rõ, “đối với tỉnh Ninh Thuận, giá mua điện từ các dự án điện mặt trời nối lưới đã có trong quy hoạch phát triển điện lực các cấp và có ngày vận hành thương mại trước ngày 1/1/2021 với tổng công suất tích lũy không quá 2.000 MW là 2.086 đồng/kWh (tương đương với 9,35 UScents/kWh)…”.

Đáng nói là các dự án điện mặt trời khác sẽ phải áp dụng quy định tại mục 1 Điều 5 Quyết định 13/2020/QĐ-TTg không có sự “rộng tay” như cơ chế dành riêng cho tỉnh Ninh Thuận.

Cụ thể, theo mục 1, “dự án điện mặt trời nối lưới đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư trước ngày 23/11/2019 và có ngày vận hành thương mại của dự án hoặc một phần dự án trong giai đoạn từ ngày 01/7/2019 đến hết ngày 31/12/2020 thì được áp dụng Biểu giá mua điện theo quy định…”, tương ứng mức 7,09 Uscent/kWh với điện mặt trời mặt đất.

Ở đây cũng có sự vênh giữa Nghị quyết 115/NQ-CP và Quyết định 13/QĐ-TTg về điều kiện cho các dự án điện mặt trời trong diện 2.000 MW được hưởng mức giá 9,35 UScent/kWh và chắc sẽ được các cơ quan chức năng làm rõ trong quá trình xác định sắp tới. 

Chưa kể, các dự án tại Ninh Thuận không phải đáp ứng điều kiện “phải có quyết định chủ trương đầu tư trước ngày 23/11/2019 và hoàn thành trước ngày 1/1/2021” như các nơi khác.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Cũng bởi vậy mà nhiều dự án vẫn tiếp tục đổ vào Ninh Thuận làm điện mặt trời trong năm 2020.

Với trường hợp Dự án Nhà máy điện 450 MW tại Ninh Thuận, vào ngày 9/1/2020, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký văn bản số 70/TTg - CN, đồng ý bổ sung dự án nhà máy điện mặt trời quy mô công suất 450 MW tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Tại văn bản số 70/TTg-CN cũng nói rõ, triển khai đầu tư dự án điện mặt trời nêu trên kết hợp với đầu tư trạm biến áp 500 kV Thuận Nam và các đường dây 500 kV, 220 kV đấu nối vào hệ thống điện quốc gia (danh mục chi tiết tại văn bản nêu trên của Bộ Công Thương), đưa vào vận hành đồng bộ trong năm 2020 để truyền tải, giải tỏa hết công suất nhà máy điện mặt trời này và các nhà máy điện năng lượng tái tạo khác trong khu vực vào hệ thống điện quốc gia.

Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Công Thương, UBND tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức lựa chọn nhà đầu tư đảm bảo công khai minh bạch, đúng với quy định pháp luật và cấp Quyết định chủ trương đầu tư số 79/QĐ-UBND ngày 03/4/2020 và điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Quyết định số 156/QĐ-UBND ngày 18/5/2020.

Với sự nỗ lực quyết tâm của nhà đầu tư và chính quyền địa phương, sau hơn 06 tháng thi công, Nhà máy điện 450 MW và đường dây 220/500 kV Thuận Nam - Vĩnh Tân đã hoàn thành và khánh thành vào tháng 10/2020. 

Tuy nhiên chỉ có 277,88 MW trong tổng số 450 MW của Nhà máy được tạm trả tiền bán điện theo mức 9,35 UScent/kWh vì nằm trong tổng số 2.000 MW theo ước tính của EVN. Phần hơn 172 MW còn lại, dù cũng được hoàn thành trong năm 2020 nhưng tới nay vẫn chưa xác định được giá bán điện.

Dẫu vậy, EVN cũng đã thực hiện khai thác phần 172 MW điện mặt trời này cùng lúc với phần 277,88 MW cho tới lúc chính thức dừng khai thác từ 0h ngày 1/9/2022, cũng như chưa trả tiền cho phần điện đã phát mà chưa có giá này.

2 năm vẫn chưa thông

Câu chuyện huy động phần công suất 172 MW này cũng cho thấy, các cơ quan hữu trách dường như không hình dung được thực tế sôi động trong phát triển điện mặt trời tại Ninh Thuận nhằm hưởng mức giá 9,35 UScent/kWh.

Bởi vậy, các chính sách khi ban hành năm 2018 và thậm chí là tháng 4/2020 đã không hề đưa ra cơ sở pháp lý chuyển tiếp cho những trường hợp vượt quá mốc 2.000 MW nhưng vẫn hoàn tất đầu tư trong năm 2020 tại Ninh Thuận.

Thậm chí, tới giờ là gần 2 năm đã trôi mà vẫn chưa có quy tắc về mua điện cho các dự án điện mặt trời mới nói chung khi điều khoản giá của Quyết định 13/2020/QĐ-TTg đã hết hiệu lực từ 1/1/2021.

Hậu quả là, các doanh nghiệp lọt vào khoảng hở này như Dự án Nhà máy 450 MW của Trung Nam hay Nhà máy Thiên Tân 1.2 và Thiên Tân 1.3 của T&T dù làm xong trong năm 2020, khi phát điện lên lưới vẫn không thu được tiền bán điện và cuối cùng là phải dừng huy động phần được cho là ngoài 2.000 MW.

Dự án điện mặt trời Thiên Tân 1.2   ảnh: PCECC2
Dự án điện mặt trời Thiên Tân 1.2          Ảnh: PECC2

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Để gỡ cho doanh nghiệp cũng đã có những đề xuất được đưa ra.

Đơn cử như tỉnh Ninh Thuận, tại văn bản 4071/UBND-KTTH (tháng 12/2020) đã đề nghị các cơ quan hữu trách cho được hưởng chính sách đặc thù với việc áp dụng giá điện là 7,09 UScent/kWh cho các dự án được bổ sung quy hoạch điện sau ngày 23/11/2019 và có ngày vận hành thương mại trước 1/1/2021.

Sau đó, vào tháng 3/2021, để gỡ khó cho doanh nghiệp khi đã bỏ tiền đầu tư và hoàn thành dự án, Bộ Công thương cũng đề nghị Chính phủ cho các dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư sau ngày 23/11/2019, nhưng có ngày vận hành thương mại trước ngày 1/1/2021 vẫn được hưởng mức giá 7,09 UScent/kWh như các dự án điện mặt trời khác được đưa vào vận hành trong năm 2020.

Tuy nhiên trước khi rời khỏi vị trí từ ngày 1/4/2021, lãnh đạo Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 cũng chưa có chỉ đạo gì về các đề nghị này.

Tới ngày 15/9/2021, khi họp cùng các bộ, ngành và UBND tỉnh Ninh Thuận để giải quyết các kiến nghị của Nhà máy điện 450 MW, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã đề nghị EVN xem xét ưu tiên huy động công suất dự án này vì đây là dự án đã tham gia đầu tư hạ tầng truyền tải và đang chịu chi phí truyền tải hộ cho các dự án trong khu vực.

Rồi vào ngày 14/1/2022, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 17/TB-VPCP. Theo đó, với phần công suất nguồn điện mặt trời đã đưa vào vận hành trong năm 2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận nhưng không đáp ứng yêu cầu áp dụng giá điện tại Quyết định 13/2020/QĐ-TTg, Phó thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ Công thương khẩn trương chỉ đạo EVN nghiên cứu, đề xuất theo hướng đấu thầu/đấu giá công khai minh bạch.

Đối với việc vận hành phát điện phần công suất nguồn điện mặt trời đã đưa vào vận hành trong năm 2020 trên địa bàn Ninh Thuận mà hiện chưa có giá điện, Phó thủ tướng giao Bộ Công thương chỉ đạo EVN có phương án vận hành hợp lý theo quy định chung của ngành điện; đồng thời khẩn trương nghiên cứu, xác định giá điện với phần công suất này theo chỉ đạo nêu trên.

Tất nhiên thì mọi chuyện cũng không dễ giải quyết bởi các Bộ Công thương hay EVN cũng đã có nhiều đề nghị trước đó để giải quyết vướng mắc này sau khi đã nghiên cứu các quy định hiện hành của văn bản pháp luật.  

Cuối cùng thì từ 0h ngày 1/9/2022, EVN đã chính thức ngừng huy động phần 172 MW chưa có giá tại Nhà máy điện 450 MW. Trước khi ngừng vào ngày 1/9/2022, EVN cũng đã tạm dừng việc ngừng khai thác ít nhất là 2 lần để chờ các hướng dẫn liên quan từ phía cơ quan chức năng.

EVN cũng cho hay, đã được Bộ Công thương "nhắc nhở" về việc làm đúng các quy định pháp luật trong huy động điện với các phần công suất chưa có giá. Quy chiếu ra thì 172 MW của Trung Nam cùng một số nhà máy khác tại Ninh Thuận vẫn chưa có giá nên không có căn cứ để được huy động tiếp tục.

Sau khi nhận được phản ánh của Tập đoàn Trung Nam và UBND tỉnh Ninh Thuận, ngày 9/9/2022, Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo đã có văn bản 1828/ĐL-NLTT nhận xét rằng, việc dừng khai thác dự án/phần dự án nhà máy điện mặt trời trên địa bàn Ninh Thuận thuộc thẩm quyền của EVN trên cơ sở các thỏa thuận, hợp đồng đã ký giữa các bên và quy định của pháp luật có liên quan.

Ngày 19/9/2022, EVN cũng có báo cáo cho hay, đã có văn bản 5192/EVN-TTĐ (ngày 31/7/2020) báo cáo Bộ Công thương nguyên tắc tính toán chuyển đổi từ công suất MWp sang MWac với các dự án mà các tài liệu pháp lý xác nhận ở MWp.

Theo đó, do quy định tổng công suất lũy kế tại tỉnh Ninh Thuận là 2.000 MWac, nên nếu Bộ Công thương không hướng dẫn nguyên tắc chuyển đổi từ MWp sang MWac, thì không thể xác định được danh sách chính xác và công suất của dự án/phần dự án nằm trong 2.000 MW tại tỉnh Ninh Thuận.

Để chính thức thanh toán cho các nhà máy điện, EVN đã kiến nghị Bộ Công thương sớm phê duyệt danh sách các dự án/ phần dự án có kèm theo mức công suất MW của các nhà máy điện mặt trời nằm trong 2.000 MW tại tỉnh Ninh Thuận được hưởng cơ chế giá điện theo khoản 3, Điều 5, Quyết định 13/2020/QĐ-TTg.

Đồng thời hướng dẫn cơ chế thanh toán cho phần công suất nằm ngoài 2.000 MW của Nhà máy 450 MW đã vận hành đến ngày 1/9/2022. Cạnh đó, EVN cũng kiến nghị cho phép phần ngoài công suất này được tham gia thị trường điện để “đỡ khó” cho các bên vì giá được xác định qua thực tế thị trường điện.

Vào ngày 5/10, Văn phòng Chính phủ cũng có Thông báo 316/TB-VPCP liên quan đến việc dừng khai thác phần công suất chưa có cơ chế giá của Nhà máy điện 450 MW được tổ chức họp ngày 24/9/2022.

Theo đó, Phó thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Công Thương với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn về quản lý nhà nước đối với ngành điện có trách nhiệm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nắm bắt những vấn đề còn tồn tại, bất cập hiện nay của ngành điện, chủ động xử lý theo quy định pháp luật.

Do đó, Bộ Công thương chịu trách nhiệm xem xét, hướng dẫn, xử lý dứt điểm các kiến nghị của Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam về việc dừng khai thác phần công suất chưa có cơ chế giá điện của Nhà máy điện 450 MW, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Theo yêu cầu này, trong quá trình xử lý các kiến nghị cần xem xét toàn diện các vấn đề có liên quan về đầu tư xây dựng nhà máy điện gắn với đầu tư lưới điện truyền tải đấu nối giải tỏa công suất nguồn điện trong khu vực, hợp đồng mua bán điện giữa các bên, công nhận vận hành thương mại của cơ quan có thẩm quyền… bảo đảm sự thống nhất, đúng quy định.

Tiếp đó, ngày 7/10/2022, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) có văn bản yêu cầu EVN thực hiện khai thác, huy động trên cơ sở thỏa thuận, hợp đồng đã ký giữa các bên và quy định của pháp luật có liên quan đối với Nhà máy điện mặt trời 450 MW này.

Tuy có nhiều động thái như vậy, nhưng cho tới hiện nay, việc huy động 172 MW vẫn bế tắc. 

EVN và Trung Nam nói gì

Về phía các doanh nghiệp, EVN và Trung Nam đã có cuộc làm việc vào ngày 29/9/2022 nhằm thảo luận bế tắc nhưng mọi việc vẫn chưa có hướng giải quyết.

Tìm hiểu của Báo Đầu tư được biết, Hợp đồng mua bán điện (PPA) ký giữa EVN và Tập đoàn Trung Nam cho Nhà máy điện 450 MW đã được chính các bên soi kỹ các điều khoản về giá điện, huy động điện, tham gia thị trường nhằm tìm giải pháp.   

Đơn cử trong PPA quy định “chỉ được trả tiền khi Nhà máy đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 3, điều 5 Quyết định 13/2020/QĐ-TTg và có văn bản thống nhất của Bộ Công thương. Đối với phần nhà máy không đáp ứng được các điều kiện này thì giá điện và PPA được thực hiện sau khi có quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.

Như vậy, bên mua điện là EVN hiểu rằng, “chỉ có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện phát với phần có giá điện. Còn phần chưa có giá điện thì không có trách nhiệm mua” cũng không có gì ngạc nhiên.

Ngoài ra, do Bộ Công thương chưa có các hướng dẫn liên quan nên EVN cũng chỉ biết dừng huy động phần 172 MW của Trung Nam - Thuận Nam và chờ.

Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam 450 MW
Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam 450 MW

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Cạnh đó, dù đã nhận được trả lời của Trung Nam về việc không tham gia thị trường điện, nhưng với mong muốn giải quyết vướng mắc với phần công suất nằm ngoài 2.000 MW tại Ninh Thuận, EVN vẫn đề nghị đối tác tham gia thị trường điện với phần công suất chưa có giá này trong thời gian 1 năm hoặc cho đến khi Chính phủ có cơ chế áp dụng chung cho các dự án chuyển tiếp.

Dẫu vậy, để tham gia được thị trường điện, lại cần có quyết định của Bộ Công thương/Cục Điều tiết điện lực cho phép các nhà máy năng lượng tái tạo tham gia chứ không chỉ doanh nghiệp muốn là đã được.

Phía Tập đoàn Trung Nam tại cuộc làm việc này có cho hay, PPA đã ký có phạm vi áp dụng cho toàn bộ công suất 450 MW của dự án mà không loại trừ phần 172 MW chưa xác định giá bán điện.

Theo khoản 5 Điều 4 PPA đã ký, trong trường hợp chưa có văn bản thống nhất của Bộ Công thương về một phần hay toàn bộ dự án được áp dụng giá điện 9,35 UScent/kWh, các bên thống nhất ghi nhận giá trị sản lượng, còn tiền điện sẽ thanh toán sau.

Với thực tế hiện nay Bộ Công thương chưa có văn bản chính thức nên Trung Nam cũng đề nghị EVN tiếp tục huy động toàn bộ công suất theo đúng PPA đã ký bởi việc dừng huy động 40% công suất của Nhà máy 450 MW này khiến Trung Nam Group gặp khó khăn về tài chính.

Đồng thời Trung Nam cũng cho biết, không đề nghị EVN phải thực hiện thanh toán với phần chưa có giá này.

Trường hợp các bên không thống nhất thì phía Trung Nam đề nghị giải quyết tranh chấp hợp đồng theo quy định của pháp luật.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một chuyên gia rất am hiểu câu chuyện này cũng cho rằng, nếu hai bên tranh luận mà không đi đến thống nhất thì nên kiện ra Toà án để giải quyết tranh chấp.

“Tuy nhiên, các bên cần lưu ý hồ sơ của Dự án 450 MW phải đầy đủ về mặt pháp lý. Nếu không đủ thì khó đàm phán vì không biết dựa trên cơ sở nào”, vị này nói.

Nút thắt 2.000 MW đủ pháp lý

Ở thời điểm hiện nay, tức là sau gần 2 năm kể từ khi kết thúc năm 2020, Bộ Công thương đã quyết định lập Tổ công tác liên quan tới 2.000 MW điện mặt trời tại Ninh Thuận với thành phần có cả EVN lẫn UBND tỉnh Ninh Thuận cùng các đại diện của lĩnh vực đầu tư, xây dựng, môi trường - đất đai, phòng cháy chữa cháy của địa phương.

Lý giải việc mời nhiều đại diện quản lý nhà nước tại địa phương ở nhiều lĩnh vực khác Bộ Công thương cũng cho hay, từ khi bắt đầu đến khi kết thúc xây dựng và đưa vào vận hành, các dự án trải qua nhiều giai đoạn, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực khác như như đầu tư, điện lực, xây dựng, đất đai, môi trường, phòng cháy chữa cháy… trong khi Bộ Công thương chỉ được giao quản lý Nhà nước về điện lực.

Vì vậy, các lĩnh vực quản lý nhà nước khác như đầu tư, môi trường, đất đai, phòng cháy chữa cháy… không thuộc thẩm quyền của Bộ này.

Đây được xem là điểm đáng chú ý cho không chỉ Nhà máy điện mặt trời 450 MW của Tập đoàn Trung Nam mà còn với tất cả nhà máy điện mặt trời khác tại Ninh Thuận.

Năm 2020 đã qua rất lâu và nếu hồ sơ pháp lý của các nhà máy điện mặt trời đã vận hành trên tất cả các mặt như đất đai, đánh giá tác động môi trường, phòng cháy chữa cháy và đặc biệt là kiểm tra công tác nghiệm thu của cơ quan chức năng không có sự phù hợp về thời điểm thì việc hưởng mức giá điện cao 9,35 UScent/kWh sẽ có những câu chuyện chưa lường hết được.

Cũng theo cam kết tại PPA giữa EVN và chủ đầu tư dự án điện mặt trời, từng bên có trách nhiệm tuân thủ đúng các quy định pháp luật liên quan áp dụng cho mình. Đây là bởi EVN cũng chỉ là doanh nghiệp, về nguyên tắc không có quyền yêu cầu doanh nghiệp khác phải chứng minh có đủ giấy tờ pháp lý mới chấp nhận mua điện. Việc “hậu kiểm” căn cứ pháp lý thuộc trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong từng lĩnh vực cụ thể.

Cũng cần lưu ý, các dự án điện mặt trời hoàn thành trong năm 2020 phải áp dụng quy định của Luật Xây dựng 2014, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020 (tháng 6/2020). Nghĩa là, dự án điện mặt trời trên 30 MW thuộc diện phải có cơ quan có thẩm quyền thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu.

Dữ liệu của Báo Đầu tư- baodautu.vn cho thấy, tại Ninh Thuận chỉ có 7 dự án điện mặt trời đã có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu trước khi kết thúc năm 2020 - là thời điểm chốt được hưởng giá 9,35 UScent/kWh.

Như vậy, việc xác định 2.000 MW tại Ninh Thuận đủ điều kiện để được hưởng mức giá 9,35 UScent/kWh khi hoàn thành dự án trước ngày 1/1/2021 với sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương liệu có những bất ngờ nào thì cần thêm thời gian mới có câu trả lời xác đáng cho toàn bộ các dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận đã hoàn thành đầu tư trong năm 2020. 

Thanh Hương/baodautu.vn 

Nguồn: https://baodautu.vn/loi-thoat-nao-cho-172-mw-cua-nha-may-dien-mat-troi-trung-nam---thuan-nam-d175378.html