Lợi lớn từ 'xanh hóa' cảng biển

Phát triển cảng xanh đang là hướng đi của nhiều doanh nghiệp, vừa giúp bảo vệ môi trường, vừa tăng sức cạnh tranh cho chính doanh nghiệp.
Phát triển cảng xanh đang là hướng đi của nhiều doanh nghiệp, vừa giúp bảo vệ môi trường, vừa tăng sức cạnh tranh cho chính doanh nghiệp.

Từ cảng thông minh tới cảng xanh

Việc xây dựng cảng xanh giúp doanh nghiệp cảng không chỉ bảo vệ môi trường, còn tăng năng lực khai thác (Trong ảnh: cảng Gemalink đón "tàu thông minh" OOCL - một trong những tàu container lớn nhất).
Việc xây dựng cảng xanh giúp doanh nghiệp cảng không chỉ bảo vệ môi trường, còn tăng năng lực khai thác (Trong ảnh: cảng Gemalink đón "tàu thông minh" OOCL - một trong những tàu container lớn nhất).

Mới đưa vào vận hành từ năm 2021, song cảng quốc tế Gemalink (cụm cảng Cái Mép - Thị Vải) đang nổi lên như một trong những cảng biển nổi bật của Việt Nam khi lập kỷ lục trong ngành hàng hải, cán mốc sản lượng 1 triệu Teu hàng hóa chỉ sau một năm hoạt động.

Tới tháng 3/2023, cảng chính thức đạt 2 triệu Teu thông qua cảng. Đây được coi là kết quả của quá trình đầu tư xây dựng, vận hành cảng theo mô hình hiện đại mà ở đó, hiệu quả khai thác kinh doanh đi kèm bảo vệ môi trường.

Tìm hiểu của PV, các thiết bị khai thác tại cảng đều được đầu tư mới, là những thiết bị có công suất lớn như cẩu khung e-RTG, cẩu bờ STS vận hành bằng 100% điện lưới.

Ngoài Gemalink, cảng Nam Đình Vũ (Hải Phòng) cũng theo mô hình cảng xanh ngay từ ban đầu, với 95% các thiết bị tại cảng đều sử dụng năng lượng điện.

Theo các chuyên gia, các thiết bị chạy bằng năng lượng điện góp phần biến lượng phát thải trực tiếp thành lượng phát thải gián tiếp, giảm hơn 50% tổng lượng carbon phát thải.

Kết quả quan trắc thực tế trên các cảng sử dụng e-RTG cho thấy, việc sử dụng cẩu e-RTG tiết kiệm chi phí khai thác tới 80% so với cẩu RTG chạy diesel thông thường và giảm tới 80% lượng khí carbon thải ra môi trường.

Trước đó, Tân Cảng Cát Lái tại TP.HCM là cảng đầu tiên của Việt Nam được APEC công nhận là cảng xanh vì đạt các tiêu chí của Chương trình Hệ thống cảng xanh (GPAS) vào năm 2018.

Tới năm 2021, cảng quốc tế Tân Cảng - Cái Mép (TCIT) cũng đón giải thưởng Cảng xanh 2020 do Hội đồng mạng lưới dịch vụ Cảng APEC (APSN) trao tặng.

Các cảng này đã đầu tư cải tạo trang thiết bị, chuyển từ chạy dầu sang sử dụng điện hoặc các nhiên liệu sạch cho cần cẩu, xe chạy trong cảng.

Đồng thời, xây dựng được những giải pháp giảm bụi trong không khí, giảm tiếng ồn như sử dụng sà lan để vận chuyển hàng thay vì xe container.

Có thể thấy, mô hình cảng thông minh đang là lựa chọn trong bước chuyển mình của nhiều doanh nghiệp. Bởi lẽ, ứng dụng công nghệ thông tin cũng góp phần không nhỏ trong kiểm soát sử dụng năng lượng và tối ưu hóa năng suất vận hành, tiết kiệm nhiên liệu.

Từ năm 2022, cảng Quy Nhơn chuyển sang mô hình cảng biển điện tử Eport để giúp khách hàng cập nhật tình trạng dữ liệu tàu, hàng hóa thực tế 24/7. Cảng cũng hoán cải hai cẩu QC từ cẩu sử dụng dầu diesel sang sử dụng điện để tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường.

Năng suất tăng vọt, tăng cơ hội cạnh tranh

Theo ông Hồ Liên Nam, Phó tổng giám đốc Công ty CP Cảng Quy Nhơn, việc chuyển sang mô hình cảng điện tử giúp khách hàng không phải đến cảng làm thủ tục trực tiếp như trước, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại; góp phần giảm lượng khí thải carbon từ phương tiện vận tải.

Cục Hàng hải VN đã công bố Tiêu chuẩn cơ sở về tiêu chí cảng xanh để các doanh nghiệp tự có lộ trình chuyển đổi phù hợp, cũng như tạo ra tư duy mới trong hoạt động vận hành, khai thác cảng biển.
Để được công nhận là cảng xanh, các cảng phải đáp ứng nhiều tiêu chí từ việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo (gió, mặt trời...), sử dụng nhiên liệu LNG, hydro, amoniac... Cảng cũng có thể sử dụng các thiết bị và công nghệ tiết kiệm năng lượng; tối ưu hóa các chuỗi vận hành khai thác; thanh toán trực tuyến, chứng từ điện tử…

Kể từ khi chuyển sang mô hình cảng thông minh, năng lực của cảng Quy Nhơn ngày càng tăng.

Trước đây, cảng mất khoảng 5 ngày để giải phóng một tàu hàng tổng hợp 50.000 tấn.

Thế nhưng từ khi sử dụng các thiết bị bằng điện, thời gian chỉ còn 2,5 ngày, năng suất làm hàng tăng khoảng 10 - 20%. Đặc biệt, chi phí vận hành cũng giảm đáng kể.

“Cẩu sử dụng dầu DO khi bốc một mã hàng sẽ mất gần 1 lít dầu, tương ứng 20.000 đồng. Vẫn một mã hàng đó, sử dụng cẩu điện sẽ chỉ tốn khoảng 3.000 đồng”, ông Nam phân tích và cho rằng, các thiết bị, vật tư sử dụng điện cũng ít bị hao mòn và nếu sửa chữa cũng rẻ hơn thiết bị dùng diesel.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thu Thảo, trưởng phòng quan hệ công chúng và nhà đầu tư (Công ty CP Gemadept, chủ đầu tư của cảng Gemalink và cảng Nam Đình Vũ) nhận định, việc phát triển cảng xanh, ứng dụng công nghệ, phần mềm tiên tiến và đầu tư trang thiết bị hiện đại mang đến nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, gia tăng giá trị cho khách hàng.

Theo bà Thảo, hiện nay năng suất làm hàng cao nhất tại cảng Gemalink đạt 40 container/cẩu/giờ với container hàng, 60 container/cẩu/giờ với container rỗng và 210 container/tàu/giờ.

Trong khi đó, cảng Nam Đình Vũ có năng suất xếp dỡ tại cầu tàu trung bình từ 25 - 30 container/cẩu/giờ và thời gian giao nhận trong bãi (từ lúc xe khách hàng vào qua cổng đến lúc hoàn thành tác nghiệp ra khỏi cổng) chỉ 15 - 20 phút.

Đặc biệt, việc đầu tư trang thiết bị hiện đại còn giúp các cảng tăng năng lực thông qua với công suất thực tế có thể tăng tối thiểu 20% và tiết kiệm chi phí giấy tờ. Cùng đó, tăng năng lực cạnh tranh, đáp ứng xu hướng tiêu chuẩn xanh toàn cầu và góp phần tạo động lực thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia.

“Các hãng tàu lớn trên thế giới đang thiết lập vòng tròn logistics sử dụng năng lượng xanh, sạch. Chỉ cảng nào đáp ứng được yêu cầu này mới được tham gia vào chuỗi cung ứng logistics toàn cầu”, bà Thảo chia sẻ.

Vừa là thách thức, vừa là cơ hội

Tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP 26 diễn ra tại Scotland (Anh), 22 quốc gia, bao gồm Mỹ, Anh, Đức, Nhật Bản... đã ký vào Tuyên bố Clydebank thông báo thiết lập các tuyến vận tải không phát thải (hành lang xanh).

Mục tiêu đến năm 2025, thiết lập ít nhất 6 tuyến hành lang vận tải biển xanh kết nối giữa các cảng.

Đánh giá đây là sức ép để các doanh nghiệp cảng biển tại Việt Nam buộc phải đi theo xu hướng của thế giới, song Phó chủ tịch Hiệp hội cảng biển VN Trần Khánh Hoàng cho rằng, chính các doanh nghiệp cũng được hưởng nhiều lợi thế và cơ hội khi xanh hóa cảng.

Bởi thực tế, việc đầu tư trang thiết bị không chỉ để “xanh”, còn giải quyết bài toán tăng năng lực. Cảng có công suất tốt, năng suất cao sẽ có thế mạnh cạnh tranh cao so với các cảng nhỏ, đầu tư manh mún.


Hoàng Anh/www.baogiaothong.vn

Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/loi-lon-tu-xanh-hoa-cang-bien-d599133.html