Chăn nuôi theo hướng tuần hoàn là hướng đi để phát triển bền vững.
Xu hướng tất yếu
Với mục tiêu hướng đến phát triển chăn nuôi bền vững, thân thiện môi trường, giai đoạn 2015 - 2023, tỉnh Vĩnh Phúc đã hỗ trợ các hộ chăn nuôi xây dựng trên 14 nghìn công trình xử lý chất thải bằng bể biogas.
Đến nay, tỷ lệ trang trại đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng tuần hoàn, quan tâm xây dựng hầm biogas, công trình sau biogas của tỉnh Vĩnh Phúc chiếm khoảng 70%. Phát triển chăn nuôi theo hướng tuần hoàn trên địa bàn tỉnh đã khẳng định được hiệu quả cao trên các lĩnh vực như kinh tế, môi trường, xã hội. Quá trình chăn nuôi theo chu trình khép kín, tuần hoàn giúp chất thải được xử lý và dùng làm nguyên liệu cho trồng trọt, nuôi thủy sản; tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm tối đa sự lãng phí, thất thoát trong sản xuất và lượng chất thải ra môi trường.
Nhấn mạnh vai trò của chăn nuôi tuần hoàn, ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, ngành chăn nuôi đang phát triển rất sôi động. Chúng ta bắt đầu xuất khẩu được sản phẩm chăn nuôi: lợn sữa, trứng, giống vật nuôi, sữa…Tuy vậy, lợi nhuận của người chăn nuôi rất bấp bênh, nhiều thời điểm thua lỗ. Muốn chăn nuôi bền vững có lợi nhuận tốt, bên cạnh chăn nuôi theo tín hiệu thị trường, cần phải có các giải pháp hạ giá thành sản phẩm, phát triển chăn nuôi tuần hoàn nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và bảo vệ môi trường.
Còn theo bà Tạ Thu Trang (Viện Chính sách và Phát triển nông nghiệp, nông thôn), việc khai thác, sử dụng chất thải, phế phụ phẩm trong chăn nuôi không chỉ giúp xử lý, bảo vệ môi trường mà còn góp phần giúp ngành chăn nuôi gia tăng giá trị hiệu quả sản xuất từ việc sử dụng chất thải, phế phụ phẩm chăn nuôi là nguyên liệu đầu vào của ngành sản xuất khác: thức ăn chăn nuôi, phân bón, năng lượng…
Cần cơ chế khuyến khích người chăn nuôi
Lợi ích đem lại từ chăn nuôi tuần hoàn là rất lớn, tuy nhiên để phát triển chăn nuôi theo xu hướng này, vẫn còn khá nhiều rào cản.
Thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mỗi năm ngành chăn nuôi tạo ra khoảng 386 triệu tấn chất thải (trong đó, 62,2 triệu tấn chất thải rắn, 323,5 triệu tấn chất thải lỏng) nhưng các công nghệ, kỹ thuật chăn nuôi hiện nay phần lớn chỉ chú trọng vào nâng cao lợi nhuận, chưa hướng tới bảo vệ môi trường và phát triển chăn nuôi bền vững.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho biết, tổng khối lượng phụ phẩm hàng năm của cả nước khoảng trên 156,8 triệu tấn (trong đó có phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi…). Bên cạnh đó không chỉ chất thải của vật nuôi mà còn kéo theo một loạt các loại chất thải khác từ các cơ sở giết mổ (lông da, sừng, móng, nội tạng…) từ dịch bệnh (gia súc gia cầm chết); từ các cơ sở sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y. Đặc biệt từ các cơ sở giết mổ bao hàm cả chất thải rắn, lỏng, khí rất khó xử lý, từ các phương tiện dụng cụ chăn nuôi làm lây lan dịch bệnh giữa các vùng miền. Như vậy, việc xử lý chất thải, xử lý môi trường đang là vấn đề lớn với ngành chăn nuôi.
Theo PGS.TS Sử Thanh Long (Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam) với việc tập trung vào giảm lượng chất thải hình thành, cải thiện hiệu quả sử dụng tài nguyên và khuyến khích bảo vệ sức khỏe hệ sinh thái, chăn nuôi tuần hoàn cho thấy triển vọng để giải quyết những thách thức đa chiều mà ngành chăn nuôi Việt Nam đang đối mặt. Tuy nhiên việc triển khai không dễ bởi các rảo cản về vốn, nguồn nhân lực và chính sách.
“Cần có cách tiếp cận toàn diện bao gồm hỗ trợ chính sách, đổi mới công nghệ và phát triển nhân lực. Các nhà làm chính sách đóng một vai trò chính yếu trong việc tạo ra một môi trường thích ứng với chăn nuôi tuần hoàn. Các ưu đãi, quy định và cơ chế hỗ trợ có thể khuyến khích người chăn nuôi chuyển đổi sang chăn nuôi tuần hoàn và đầu tư vào các công nghệ năng lượng tái tạo” - ông Long nhấn mạnh.
Còn theo ông Nguyễn Văn Song (Hội Làm vườn tỉnh Bắc Giang), kinh tế tuần hoàn nông nghiệp tạo ra tiềm năng tăng trưởng kinh tế cao và nhiều việc làm hơn. Thông qua việc sử dụng tiết kiệm tài nguyên, các doanh nghiệp có cơ hội sản xuất với chi phí thấp bằng cách cung cấp các sản phẩm và dịch vụ có nhiều chức năng sử dụng.
“Nếu áp dụng mô hình tuần hoàn trong chăn nuôi, cần nhiều giải pháp để thành công. Đặc biệt, vấn đề vốn chính vì vậy cần có cơ chế hỗ trợ về vốn để cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp chuyển hướng chăn nuôi tuần hoàn vừa góp phần gia tăng lợi nhuận và bảo vệ môi trường” - ông Song kiến nghị.
Theo PGS.TS Sử Thanh Long (Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam) với việc tập trung vào giảm lượng chất thải hình thành, cải thiện hiệu quả sử dụng tài nguyên và khuyến khích bảo vệ sức khỏe hệ sinh thái, chăn nuôi tuần hoàn cho thấy triển vọng để giải quyết những thách thức đa chiều mà ngành chăn nuôi Việt Nam đang đối mặt. Tuy nhiên việc triển khai không dễ bởi các rào cản về vốn, nguồn nhân lực và chính sách.
Khanh Lê/daidoanket.vn
Nguồn: http://daidoanket.vn/loi-giai-cho-bai-toan-moi-truong-5740837.html