Bộ Công thương vừa hoàn thiện dự thảo mới nhất của Thông tư Quy định
phương pháp xây dựng khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió
để lấy ý kiến.
Dự án điện mặt trời.
Dự thảo Thông tư gồm 3 chương, 15 điều và 1 phụ lục, quy định về trình tự, thủ tục xây dựng và ban hành khung giá phát điện
hằng năm cho nhà máy điện mặt trời mặt đất, nhà máy điện mặt trời nổi,
nhà máy điện gió trong đất liền, nhà máy điện gió trên biển, nhà máy
điện gió ngoài khơi.
Đối tượng áp dụng tại dự thảo Thông tư là Tập đoàn Điện lực Việt Nam
và các cá nhân, tổ chức tham gia triển khai đầu tư, xây dựng các nhà
máy điện mặt trời, điện gió, điện sử dụng chất thải rắn, điện sinh khối
trừ các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp quy định tại điểm b
khoản 2 Điều 1 Thông tư số 15/2022/TT-BCT.
Về nguyên tắc xây
dựng, khung giá phát điện của nhà máy điện mặt trời mặt đất, nhà máy
điện mặt trời nổi, nhà máy điện gió trong đất liền, nhà máy điện gió
trên biển, nhà máy điện gió ngoài khơi là dải giá trị từ giá trị tối
thiểu (0 đồng/kWh) đến giá trị tối đa được xây dựng và ban hành hàng
năm.
Giá phát điện của nhà máy điện mặt trời chuẩn, điện gió
chuẩn được tính bằng giá cố định bình quân + với giá vận hành bảo dưỡng
cố định.
Thông tư cũng đưa ra phương pháp, công thức tính giá dựa
trên các thông số liên quan như chi phí đầu tư, vận hành, bảo dưỡng cố
định, lãi suất, giao nhận điện,...
Điểm mới trong phương pháp xây dựng khung giá phát điện
Dự
thảo lần này có nhiều điểm mới về phương pháp xây dựng khung giá phát
điện. Theo đó, cơ sở để lựa chọn quy mô công suất cho nhà điện mặt trời
chuẩn, điện gió chuẩn được xác định trên cơ sở quy mô công suất phổ biến
trong các dự án nhà máy điện mặt trời, điện gió được lựa chọn nhà đầu
tư theo Quy hoạch điện 8 do hiện nay trong Quy hoạch điện 8 không quy
định công suất của dự án nhà máy điện mặt trời, điện gió cụ thể, chỉ quy
định tổng công suất theo từng vùng miền.
Quy hoạch điện 8 khuyến
khích, ưu tiên phát triển năng lượng mặt trời tại miền bắc, nơi có
cường độ bức xạ mặt trời thấp hơn nhiều so với miền trung và miền nam.
Do đó để khuyến khích đầu tư
nhà máy điện mặt trời tại miền bắc, cần có cơ chế khung giá cao hơn (do
sản lượng điện năng nhận được thấp) miền trung và miền nam. Theo nội
dung tại dự thảo Thông tư, khung giá phát điện sẽ được xác định trên cơ
sở cường độ bức xạ mặt trời của từng miền.
Theo quy định tại Luật
Điện lực, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là đơn vị tính toán khung
giá, trình Bộ Công thương thẩm định và ban hành. Do đó, dự thảo Thông tư
tiếp tục quy định EVN xây dựng và có thể lựa chọn các tổ chức, đơn vị
tư vấn phù hợp để thu thập số liệu đầu vào.
Về việc xem xét,
thành lập Hội đồng tư vấn để thẩm định kết quả tính toán khung giá do
EVN trình, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) đã tiếp thu và chỉnh
sửa dự thảo Thông tư.
Cụ thể, trường hợp cần thiết, đặc biệt
những năm có nhiều nhà máy điện mặt trời, điện gió thỏa thuận giá điện
với EVN, Bộ Công thương sẽ thành lập Hội đồng tư vấn để thẩm định kết
quả tính toán khung giá do EVN trình.
Thủ tục xây dựng và ban hành khung giá phát điện
Theo
quy định tại Thông tư mới này, trước ngày 1/11 hằng năm, EVN có trách
nhiệm tính toán hoặc có thể thuê tư vấn lựa chọn bộ thông số nhà máy
điện mặt trời chuẩn, nhà máy điện gió chuẩn và tính toán giá phát điện
của nhà máy điện mặt trời chuẩn, nhà máy điện gió chuẩn theo quy định.
EVN
cũng có trách nhiệm đề xuất lựa chọn các thông số cho nhà máy điện mặt
trời chuẩn, nhà máy điện gió chuẩn để tính toán khung giá phát điện và
lập hồ sơ tính toán khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời mặt đất,
nhà máy điện mặt trời nổi, nhà máy điện gió trong đất liền, nhà máy điện
gió trên biển, nhà máy điện gió ngoài khơi theo quy định.
Trong
thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ tính toán khung giá
phát điện, Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm kiểm tra chi tiết nội
dung hồ sơ, tính đầy đủ và hợp lệ của hồ sơ trình duyệt.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ tính toán
khung giá phát điện, Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm kiểm tra chi
tiết nội dung hồ sơ, tính đầy đủ và hợp lệ của hồ sơ trình duyệt.
Trường
hợp cần thiết, Cục Điều tiết điện lực có văn bản yêu cầu EVN sửa đổi,
bổ sung hoặc giải trình làm rõ các nội dung trong hồ sơ. Chậm nhất 15
ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu sửa đổi, bổ sung hoặc giải
trình làm rõ các nội dung trong hồ sơ của Cục Điều tiết điện lực, EVN có
trách nhiệm gửi văn bản báo cáo giải trình về nội dung trong hồ sơ theo
yêu cầu.
Trường hợp nhận được hồ sơ hợp lệ và báo cáo giải
trình làm rõ các nội dung trong hồ sơ của EVN, trong thời hạn 20 ngày
làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cục Điều tiết điện lực có trách
nhiệm tổ chức thẩm định khung giá phát điện do EVN trình.
Trường
hợp cần thiết, Cục Điều tiết điện lực tổ chức lấy ý kiến đối với khung
giá phát điện thông qua Hội đồng tư vấn do Bộ Công thương quyết định
thành lập. Hội đồng tư vấn có tối đa 9 thành viên, trong đó có 1 chủ
tịch, 1 phó chủ tịch, 1 thư ký, đại diện đơn vị có liên quan của Bộ Công
thương có trình độ chuyên môn phù hợp và am hiểu sâu trong lĩnh vực
phát điện.
Chậm nhất 15 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức thẩm
định khung giá phát điện, Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm trình Bộ
trưởng Công thương phê duyệt khung giá phát điện cho loại hình nhà máy
điện mặt trời mặt đất, nhà máy điện mặt trời nổi, nhà máy điện gió trong
đất liền, nhà máy điện gió trên biển, nhà máy điện gió ngoài khơi cho
năm tiếp theo và công bố trên trang thông tin điện tử của Cục Điều tiết
điện lực.
Trường hợp khung giá phát điện của năm tiếp theo chưa
được công bố, cho phép tạm thời áp dụng khung giá phát điện có hiệu lực
gần nhất.
Thái Linh
Nguồn:https://nhandan.vn/lay-y-kien-hoan-thien-du-thao-thong-tu-ve-khung-gia-dien-mat-troi-dien-gio-post769926.html