Kỳ vọng một đáp án

Trước khi Hội nghị COP28 diễn ra, các chuyên gia dự đoán nhiều tranh cãi sẽ nổ ra xoay quanh những nội dung được đề cập đến trong chương trình.
 

Minh họa/INT

Minh họa/INT
Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP28) đã gần đi đến đích, song tranh luận về những vấn đề chung như sử dụng nhiên liệu hóa thạch, tài trợ cho biện pháp chống biến đổi khí hậu... vẫn chưa ngã ngũ.

Trước thềm cuộc họp cuối cùng, diễn ra vào sáng 12/12, ông Sultan Al Jaber - Chủ tịch COP28 kiêm Giám đốc Điều hành Công ty Dầu khí quốc gia (ADNOC) của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã kêu gọi đại diện các quốc gia hãy tham gia trên tinh thần “linh hoạt”, không có ranh giới và sẵn sàng thỏa hiệp.

“Tôi hy vọng quý vị chuẩn bị sẵn các giải pháp, cũng như sẵn sàng linh hoạt và chấp nhận thỏa hiệp. Tôi thực sự mong muốn mọi người vượt lên trên lợi ích cá nhân và bắt đầu nghĩ đến lợi ích chung”, ông Sultan Al Jaber nhấn mạnh.

COP28 diễn ra tại Dubai (UAE), từ ngày 30/11 - 12/12. Trong bối cảnh thế giới ngày càng lo ngại về tác động của biến đổi khí hậu, COP28 được ví như “chìa khóa” then chốt cho tương lai của môi trường thế giới. 4 mục tiêu chính của COP28 bao gồm: Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng; giải quyết vấn đề tài chính khí hậu; tập trung vào đời sống và sinh kế của người dân; tính toàn diện đầy đủ.

Trước khi Hội nghị diễn ra, các chuyên gia dự đoán nhiều tranh cãi sẽ nổ ra xoay quanh những nội dung được đề cập đến trong chương trình. Điều đó đã trở thành sự thật với mức độ căng thẳng còn nghiêm trọng hơn so với dự đoán. Tại các cuộc đàm phán, một số quốc gia đã phản đối đưa cam kết loại bỏ nhiên liệu hóa thạch vào thỏa thuận của COP28.

Trong khi đó, ít nhất 80 quốc gia đã lên tiếng yêu cầu một thỏa thuận của COP28 về việc chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Nhiều quốc gia chưa xác nhận việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch nhưng ủng hộ lời kêu gọi thúc đẩy hoạt động sản xuất năng lượng tái tạo.

Trong bản dự thảo mới nhất được công bố hôm 8/12, các nước đang cân nhắc một số lựa chọn gồm loại bỏ hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch, loại bỏ dần cho đến việc không đề cập đến sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong tương lai. Dù kết quả ra sao, đây cũng sẽ là một bước ngoặt để thế giới định hình thái độ và hành động với nhiên liệu hóa thạch.

Bài toán khó thứ hai là các quốc gia sẽ cung cấp bao nhiêu tài chính để chống biến đổi khí hậu. Tại COP28, các quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp cam kết đầu tư nhiều tiền hơn cho mọi lĩnh vực liên quan đến khí hậu từ chuyển đổi năng lượng sang chăm sóc sức khỏe, đầu tư công nghệ, cứu trợ thiên tai...

Tuy nhiên, lời kêu gọi giúp đỡ thích ứng với tác động của khủng hoảng khí hậu tại các quốc gia đang phát triển không được các nước giàu đáp ứng tại Hội nghị. Tài chính thích ứng là nguồn vốn cần thiết để cải thiện cơ sở hạ tầng ở các nước nghèo. Các quốc gia cũng chưa đi đến thống nhất sẽ phân bổ nguồn tài chính bao nhiêu và như thế nào cho các hoạt động chống biến đổi khí hậu.

Dù tài chính đã trở thành một trong 4 mục tiêu chính cần phải đạt được thỏa thuận tại COP28 nhưng giống với các hội nghị trước đó, vấn đề này vẫn nằm trên phương diện đối thoại mà chưa đi đến một cam kết hoàn chỉnh. Nếu không thể thống nhất trong buổi sáng 12/12, COP28 tiếp tục là một hội nghị thất bại trong việc giải quyết vấn đề tài chính khí hậu.

COP28 diễn ra trong bối cảnh khủng hoảng khí hậu ngày càng leo thang, đặt ra nhu cầu phải hành động nhanh chóng. Liên Hợp Quốc đã cảnh báo các nỗ lực chống biến đổi khí hậu đến nay vẫn chưa đạt được tiến bộ đầy đủ và COP28 phải tạo tiền để đề giảm thiểu khủng hoảng khí hậu.

Người ta có thể hy vọng các quốc gia sẽ gạt bỏ lằn ranh, xóa nhòa bất đồng để đi đến một cam kết tuy không thể vừa lòng tất cả nhưng là nỗ lực tối ưu nhất để cứu lấy hành tinh. Nhưng câu trả lời cuối cùng sẽ nằm ở sáng ngày 12/12.

 

 

Nguyễn Minh/giaoducthoidai.vn

Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/ky-vong-mot-dap-an-post664441.html