Khung giá mới không còn là “phần quà” chia đều cho doanh nghiệp năng lượng tái tạo

Khung giá mới không còn là “phần quà” chia đều cho doanh nghiệp năng lượng tái tạo
 
Ngày 7/1/2023, Bộ Công Thương đã ban hành khung giá năng lượng tái tạo cho các nhà máy điện chuyển tiếp với mức thấp hơn khoảng 21% - 29% so với giá FIT. Giới phân tích nhận định, sẽ không còn là "phần quà" chia đều cho mọi doanh nghiệp vì khung giá mới đòi hỏi doanh nghiệp phải chứng minh về năng lực triển khai và vận hành dự án.
 
Trên thực tế, một số các yếu tố liên quan đến số giờ vận hành, lãi vay và suất đầu tư sẽ có sự khác biệt theo tính chất từng dự án. Do đó, khung giá mới sẽ vẫn là cơ hội cho các nhà phát triển năng lượng tái tạo thực sự có năng lực, quy mô và khả năng huy động vốn rẻ.
Các chuyên gia từ CTCP Chứng  khoán VNDIRECT nhận định, chính sách giá năng lượng tái tạo chuyển tiếp sẽ là tiền đề để Bộ Công Thương tiếp tục đưa ra những hướng đi tiếp theo cho các dự án phát triển mới dựa trên khung giá này. Đây sẽ là một phép thử cần thiết để Bộ Công Thương có cơ sở đánh giá cũng như điều chỉnh khung giá mới một cách hợp lý.
Với những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra vào tháng 11/2021, cũng như những điều chỉnh đáng kể trong dự thảo Quy hoạch điện 8 - nâng cao tỷ trọng công suất điện năng lượng tái tạo, nhóm chuyên gia từ CTCP Chứng khoán VNDIRECT vẫn kỳ vọng vào một chính sách giá đủ hấp dẫn, nhưng vẫn mang tính cạnh tranh, thu hút các nhà đầu tư có đầy đủ năng lực tham gia vào lĩnh vực này.
Giới phân tích cho rằng, khung giá mới phần nào gây hụt hẫng cho các nhà đầu tư, song đây vẫn là giải pháp cần thiết, là bản lề cho chính sách giá năng lượng tái tạo chính thức được ban hành.
Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT đánh giá, khung giá mới là những tín hiệu giải cứu đầu tiên cho các nhà phát triển năng lượng, khi các dự án đã bị đình trệ một khoản thời gian dài sau khi giá FIT hết hạn. Tuy nhiên, với khung giá này, không phải dự án nào cũng sẽ ghi nhận được mức sinh lời hiệu quả.
Theo khung giá mới, giá điện mặt trời mặt đất là 1.184đ/kWh, thấp hơn 29,5% so với mức giá FIT đạt. Giá điện gió trên bờ và ngoài khơi cũng thấp hơn khoảng 21%, lần lượt là 1.587đ/kWh và 1.816đ/kWh.
Thống kê của Chứng khoán VNDIRECT, khung giá mới sẽ áp dụng cho khoảng 16 dự án điện mặt trời và 62 dự điện gió trong diện chuyển tiếp, tức là những dự án đã tiến hành đầu tư, triển khai nhưng chưa kịp hoàn thành trước hạn giá FIT (đối với điện mặt trời là từ 1/1/2021, đối với điện gió là từ 1/11/2021). Đây được xem là tín hiệu giải cứu đầu tiên cho một số doanh nghiệp phát triển năng lượng tái tạo có dự án đã bị đình trệ một khoảng thời gian dài sau khi giá FIT hết hạn.
Đối với điện mặt trời, theo rà soát thống kê trong Quy hoạch điện 8, có 2.428,42MW đã được chấp thuận nhà đầu tư; trong đó, có 5 dự án/phần dự án tổng công suất 452,62MW đã xây lắp xong nhưng chưa được nối lưới bao gồm Điện mặt trời Phù Mỹ 2 của CTCP Tập đoàn Bamboo Capital; phần công suất 170MW Trung Nam Thuận Nam của Trung Nam Group; Điện mặt trời Thiên Tân 1.2 và phần dự án Điện mặt trời Thiên Tân 1.3 và 1.4 của Tập đoàn T&T Group.
Ngoài ra còn có 11 dự án tổng công suất 426MW đã ký hợp đồng mua sắm thiết bị; trong đó, nổi bật có Đức Huệ 2 của CTCP Điện Gia Lai và Phước Thái 2, 3 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Krong Pa 2 của CTCP Tập đoàn Bamboo Capital
Theo chủ trương rất rõ ràng từ Chính phủ sẽ không tiếp tục phát triển thêm dự án điện mặt trời từ nay cho dến 2030 và đây là những dự án chuyển tiếp nổi bật, với tổng cộng 726MW sẽ có thể được hoàn thành và đóng điện theo khung giá chuyển tiếp.
Đối với điện gió, theo thống kê từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), có 62 nhà máy điện gió đã không về đích trong cuộc đua giá FIT tháng 11/2021 với tổng công suất khoảng 3.479MW; trong đó, một số những dự án nổi bật của các doanh nghiệp niêm yết như Tân Phú Đông 1 với công suất 100MW và VPL Bến Tre 2 có công suất 30MW đều thuộc CTCP Điện Gia Lai; Điện gió Trà Vinh giai đoạn 1 có công suất 80MW và Điện gió Khai Long giai đoạn 1, công suất 100MW đều của CTCP Tập đoàn Bamboo Capital.
Tuy nhiên, chuyên gia từ VNDIRECT cho rằng, khung giá này có thể phần nào làm thất vọng nhiều nhà đầu tư đã mòn mỏi chờ đợi quá lâu, vì một số yếu tố như việc ban hành khung giá bằng VND thay vì bằng USD không phản ánh yếu tố trượt giá.
Hiện tại khung giá mới cho điện mặt trời là 1.184đ/kWh đang dựa trên phương án tính toán thứ 4 của EVN, tính toán theo thông số đầu vào của 2 nhà máy điện mặt trời là Phước Thái 2 và 3. Trong khi các phương án 1, 2 và 3 tính toán theo giá trị trung bình trên 106 dự án khác và đưa ra mức giá khoảng 1.400 - 1.500 đồng/kWh. VNDIRECT cho rằng, việc sử dụng các giá trị tính toán của 106 dự án điện mặt trời sẽ mang tính đại diện và khách quan hơn và không phải các dự án nào cũng ghi nhận hiệu quả sinh lời từ khung giá mới.
VNDIRECT nhận định, sẽ không còn là phần quà chia đều cho mọi doanh nghiệp, vì khung giá mới đòi hỏi doanh nghiệp phải chứng minh về năng lực triển khai và vận hành dự án.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều yếu tố hỗ trợ giảm chi phí đầu tư năng lượng tái tạo trong thời gian tới. Theo đó, sẽ vẫn còn nhiều dư địa để các doanh nghiệp cải thiện hiệu quả đầu tư dự án và có hai xu hướng hỗ trợ rõ rệt. Đó là ngày 14/12/2022, Việt Nam và các nước G7 cùng đối tác phát triển là Liên minh châu Âu, Na uy, Đan Mạch đã thông qua tuyên bố chính trị thiết lập Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Bình đẳng (JETP) nhằm hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi năng lượng xanh.
Theo đó, kế hoạch ban đầu sẽ huy động khoảng 15,5 tỷ USD từ khu vực công và tư nhân trong vòng 3 đến 5 năm tới, nhằm hỗ trợ các mục tiêu của Việt Nam. Đây là nguồn vốn dồi dào với mức lãi suất rẻ, đang chảy mạnh mẽ vào nước ta và là cơ hội cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp hoạt động hiệu quả tái cấu trúc nợ trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, theo dự thảo Quy hoạch điện 8, chi phí đầu tư của các dự án năng lượng tái tạo sẽ giảm dần trong giai đoạn từ nay đến 2030 sẽ là yếu tố hỗ trợ cho công đoạn phát triển các dự án sắp tới.
Dự kiến chi phí đầu tư điện mặt trời trang trại và điện gió trên bờ sẽ giảm khoảng 1,5% mỗi năm. Cùng đó, chi phí đầu tư điện gió ngoài khơi ghi nhận mức giảm gấp đôi khoảng 3% từ nay đến 2045. Theo đó, chi phí quy dẫn (LCOE) có thể ghi nhận mức giảm tương ứng và xu hướng giảm này sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp hạ bớt áp lực chi phí trong cả ngắn và dài hạn.
Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, các doanh nghiệp có khả năng cải thiện chi phí phát triển, vận hành, cũng như có năng lực huy động nguồn vốn rẻ sẽ nắm ưu thế trong giai đoạn hiện nay./.
 

 

Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

Nguồn: https://bnews.vn/khung-gia-mo-i-khong-con-la-phan-qua-chia-deu-cho-doanh-nghie-p-nang-luo-ng-ta-i-ta-o/277827.html