Xu hướng điện khí trên thế giới
Giảm dần việc sử dụng năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng mới xanh hơn, sạch hơn đang trở thành xu hướng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Nhu cầu năng lượng tăng nhanh trên khắp thế giới đã thúc đẩy việc lựa chọn khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG).
Khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) đang dần trở thành nguồn năng lượng chính ở châu Á. (Ảnh minh họa: KT)
LNG được mua bán rất phổ biến trên thị trường quốc tế và trở thành nguồn năng lượng quan trọng của nhiều quốc gia trên thế giới như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, các nước châu Âu và Bắc Mỹ… Các nước xuất khẩu LNG nhiều nhất thế giới thuộc khu vực Trung Đông, Đông Nam Á (Malaysia, Indonesia), Australia và Nga. Khu vực Đông Bắc Á là thị trường tiêu thụ LNG truyền thống với Nhật Bản là quốc gia nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới với sản lượng mỗi năm khoảng 80 triệu tấn.
Trên thế giới, Mỹ là quốc gia sản xuất điện khí lớn nhất trên thế giới. Vào năm 2022, Mỹ đã sản xuất được 1689 terawatt giờ điện. Con số này nhiều hơn gấp 3 lần quốc gia đứng thứ hai là Nga, tạo ra 479 terawatt giờ điện trong năm ngoái. Thứ ba là Nhật Bản với sản lượng 330 terawatt giờ điện.
Tại châu Âu, 20% lượng điện được sản xuất từ khí tự nhiên. Italy, Anh và Hà Lan là những nước chủ yếu sử dụng khí đốt tự nhiên để sản xuất điện. Còn tại Đông Nam Á, 3 nước gồm Brunei, Singapore và Thái Lan tạo ra hơn 70% điện năng từ khí đốt tự nhiên.
Thực tế cho thấy, LNG khi đốt cháy tạo ra ít hơn 40% lượng khí thải CO2 so với than đá và ít hơn 30%so với dầu mỏ; không thải ra muội, bụi và chỉ sinh ra một lượng không đáng kể khí SO2. Điều này khiến LNG trở thành nhiên liệu hóa thạch sạch nhất
Việc sử dụng khí đốt tự nhiên để sản xuất điện đã được chứng minh là giúp giảm đáng kể lượng khí thải nhà kính. Ngoài việc sử dụng khí tự nhiên như một mặt hàng xuất khẩu và phát điện, một phần nhỏ khí tự nhiên còn được sử dụng để làm nguyên liệu trong các quy trình công nghiệp sản xuất metanol, phân bón và dược phẩm. Ngoài ra, LNG còn được sử dụng làm nhiên liệu cho các phương tiện giao thông vận tải như: tàu biển, tàu hỏa và xe vận tải nặng để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Phát triển năng lượng từ LNG được xem là cánh cửa mới mở ra cho ngành năng lượng, với giá thành cạnh tranh hơn so với điện sinh khối, thân thiện với môi trường hơn so với điện than, ít chịu ảnh hưởng bởi thiên nhiên so với thủy điện.
Theo đánh giá của chuyên gia Kenneth tại Đại học Rice ở Houston (Mỹ), khí thiên nhiên có thể sẽ tiếp tục tồn tại trong hệ thống năng lượng trong nhiều thập kỷ.
Nhập khẩu LNG để bổ sung nguồn là tất yếu và cấp thiết
Hiện nay, ở Việt Nam, LNG được sử dụng chủ yếu làm nhiên liệu cho các nhà máy điện và các hộ tiêu thụ công nghiệp. Dự báo, cân đối cung cầu khí, từ năm 2010 trở đi thị trường khí Việt Nam sẽ nằm trong tình trạng cung thấp hơn cầu.
Theo Quy hoạch Điện VIII vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu đến năm 2030 có 22.400 MW điện khí LNG, chiếm 14,9% tổng nguồn điện của cả nước với năng lực sản xuất 83 tỷ kWh.
Theo tính toán, nguồn cung khí nội địa sẽ suy giảm, trong khi nhu cầu LNG trong nước sẽ tăng trưởng rất nhanh khi 13 nhà máy điện khí theo Quy hoạch điện VIII đi vào hoạt động. Dự báo, nguồn thiếu hụt sẽ lên đến hàng chục triệu tấn khí mỗi năm. Do đó, việc nhập khẩu LNG để bổ sung nguồn là tất yếu và cấp thiết.
Vừa qua, Việt Nam đã đón chuyến tàu nhập khẩu LNG đầu tiên, mở ra con đường đưa nguồn năng lượng mới đến Việt Nam, góp phần thực chiến lược đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững của quốc gia.
Đây là lần đầu tiên một tàu chở khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu cập cảng biển Việt Nam. (Ảnh: PV GAS)
TS. Mai Duy Thiện - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam nhận định, LNG trở thành lựa chọn hàng đầu để giải quyết “bài toán” năng lượng và môi trường. Nguyên nhân nhờ vào đặc tính sạch, hiệu suất cao, tiết kiệm tài nguyên, độ linh hoạt và khả năng đáp ứng nhu cầu tăng cao.
Một lợi ích khác của LNG là tính hiệu suất cao và khả năng tiết kiệm tài nguyên. LNG cung cấp năng lượng mạnh mẽ, cho phép sử dụng hiệu quả hơn các nguồn năng lượng truyền thống. Ngoài ra, quá trình sản xuất và vận chuyển LNG cũng được thực hiện theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về an toàn và môi trường. Công nghệ tiên tiến được áp dụng để tối ưu hóa quy trình, giảm thiểu lãng phí và tác động đến môi trường.
Tình hình thị trường LNG tại Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. LNG được xem là một nguồn năng lượng sạch và tiềm năng, có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về năng lượng của đất nước. Tuy nhiên, còn tồn tại nhiều khó khăn và vướng mắc cần được tháo gỡ để thúc đẩy thị trường LNG tại Việt Nam phát triển bền vững.
Để phát triển bền vững và có hiệu quả điện khí LNG cần có những quy định, điều kiện rõ ràng thống nhất, có các phương án bám sát thực tế. (Ảnh minh họa: KT)
Với LNG nhập khẩu cho phát điện cũng cần có những cơ chế, chính sách cụ thể hơn cho việc sử dụng LNG làm nguồn nhiên liệu chính. Bao gồm các thỏa thuận thương mại dài hạn để bảo đảm hiệu quả kinh tế cho các nhà máy phát điện từ nguồn LNG nhập khẩu và tăng độ mở trong biên độ cho phép của giá điện giúp các nhà máy này có thể bảo đảm hiệu quả kinh tế của dự án.
Ngoài ra, bảo đảm cân đối cung - cầu khí cho phát điện và phát triển kinh tế, đáp ứng nhu cầu thị trường cũng là một thách thức. Việc phát triển nguồn cung khí mới, đặc biệt là LNG, cần phải đi đôi với nhu cầu thực tế và khả năng tiếp cận thị trường. Trong đó, việc nhập khẩu LNG đóng vai trò quan trọng trong việc bù đắp sự thiếu hụt nhu cầu khí trong nước, bảo đảm cung cấp nhanh chóng, đa dạng hóa nguồn năng lượng, tăng tính ổn định và linh hoạt. Nhập khẩu LNG là một giải pháp hữu hiệu để đáp ứng nhu cầu năng lượng và thúc đẩy phát triển ngành khí mới trong quá trình xây dựng một nền kinh tế năng lượng bền vững tại Việt Nam.
PV/VOV.VN
Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/khoi-dong-nang-luong-moi-tu-khi-thien-nhien-hoa-long-lng-post1033707.vov